Sẽ có những lúc con sẽ cảm thấy mình bị chựng lại. Con không biết làm gì tiếp. Con không biết có nên hay không nên làm tiếp công việc của mình, hay thay đổi, hay làm cái gì mới, làm cái gì đó thêm nhiều tiền hay tìm một công việc gì đó mình cảm thấy vui hơn. Con không buồn cũng không vui nhưng lòng con sẽ cứ nao núng, suy nghĩ con sẽ lang thang, mênh mang khó tả. Những cuộc hội thoại với bản thân bắt đầu le lói, trổi dậy trong tâm con những lúc con đi bộ, những lúc con ngồi ăn một mình, những lúc con sắp ngủ mơ màng, những lúc con ngồi tĩnh lặng một mình. Rồi con sẽ có những khoảnh khắc tự trách bản thân vì nhiều lý do khác nhau.
Con sẽ trách bản thân tại sao như thế này, tại sao như thế nọ, tại sao con muốn làm cái này muốn làm cái kia mà vẫn cứ không làm. Con sẽ tự trách bản thân mình dở, nhút nhát, do dự..và có những lúc con sẽ không biết mình muốn gì…. Cha gọi trạng thái đó là trạng thái giao thoa giữa nhận thức lý trí và nhận thức cảm xúc. Đây là một quá trình trải nghiệm của bất kỳ ai đang đi trên con đường ‘’tự phát triển bản thân’’ (self-development) cũng sẽ có. Khi trong trạng thái này, tâm con vượt qua một trạng thái bình thường của đời sống hàng ngày.
Đời sống hàng ngày đa phần tâm/suy nghĩ của con sống trong trạng thái mặc định, tự động. Trạng thái mặc định, tự động của suy nghĩ đa phần dựa trên những thói quen sống con đã hình thành nhiều năm trước đó, bao gồm cách con suy nghĩ, làm việc, vui chơi, thư giản, giao tiếp v.v. Trạng thái này giống như một vòng tròn khép kín, và suy nghĩ, hành động của con sẽ cứ luẩn quẩn trong cái vòng tròn đó. Trong giao thoa của hai dòng suy nghĩ giữa tiềm thức và nhận thức, giữa lý trí và cảm xúc sẽ phát sinh ra những thông thái (wisdom) hay sự thức tỉnh của bản thân con mà chỉ có chính bản thên con mới cảm nhận và hiểu được nó là gì, như thế nào. Khi con rơi vào trạng thái này, cái vi diệu lúc này là ‘’con đang nhận thức được con đang ở trạng thái này’’, tức có một ‘’cái tâm khác đằng sau cái tâm con đang sũy nghĩ’’, có một ‘’cái tâm quan sát đằng sau một cái tâm đang giao động’’, thì lúc đó là lúc con đang chuẩn bị vượt ra khỏi vòng tròn khép kín của một lối suy nghĩ/sống tầm thường. Khi con rơi vào trạng thái này thì con nên vui mừng vì sớm muộn con cũng sẽ vượt ra khỏi cái vòng tròn hạn hẹp của tâm thức.
Con sớm muộn cũng sẽ thấy vạn vật ở một góc độ khác, ở một chiều không gian khác lớn hơn, không biên giới. Các điều kiện về tâm thức để phát triển bản thân sẽ bắt đầu từ đây. Lúc này cũng là lúc con không nên ra bất kỳ quyết định gì lớn lao trong cuộc đời, con không nên vội vã phán quyết hay hành động gì vì tâm con đang trong giai đoạn giao thoa giữa hai thái cực vi diệu của vũ trụ. Lúc này là lúc con chỉ cần quan sát, ghi nhận những suy nghĩ, những trăn trở, những niềm vui, nổi buồn, hạnh phúc, oán trách, tha thứ, khoang dung, ích kỷ v.v.. và tất cả những suy nghĩ về tiền tài danh lợi…. con hãy cứ quan sát chúng, ghi nhận chúng hiện hữu, ghi nhận chúng đang tồn tại, ghi nhận lại ‘’sự phát xét của cái tâm của con bằng một cái tâm khác’’.
Trong lúc cái tâm thông thái ghi nhận, quan sát cái tâm thường nhật kia thì cũng là lúc con đang lắng nghe được tất cả những gì đang diễn ra trong đầu mình, lắng nghe trong sự tĩnh lặng, thuần khiết….cái tâm thường nhật có thể đang rất nao núng, hoang mang nhưng cái tâm kia vẫn đang quan sát, tức con vẫn đang tự kiểm soát được tâm của mình và lúc đó là lúc ‘’sự thông thái, sự thức tĩnh của cái tâm vô hạn của con sẽ chỉ cho con’’ con đường nào con nên đi tiếp…