CÂU CHUYỆN VỀ TIỂU SỬ

ÔNG TRẦN VĂN TỈNH (TONY TỈNH)

PHẦN 1

QUÁ KHỨ VÀ
LỊCH SỬ BẢN THÂN

Tôi sinh ra ở Huyện Bình Minh, Vĩnh Long trong một ngôi làng làm nghề nông. Trong xóm của tôi, khu gọi là tổ 1, khóm 3, thị trấn Cái Vồn ngày xưa có khoảng vài trăm hộ gia đình nhưng số người được đi học đến hết cấp 2 thì chỉ vọn vẹn vài chục gia đình. Cha mẹ tôi xuất thân từ nông dân, cũng như bao gia đình khác từ thời nội, ngoại đã là nông dân. Sau chiến tranh, những câu chuyện của cha mẹ tôi cũng như nhiều người bần cùng trong các câu chuyện của nhà văn Ngô Tất Tố. Bần cùng đúng với nghĩa bần cùng. Mỗi ngày cha mẹ chỉ biết lo cơm 2 bữa cho no, lúc thì ăn độn với khoai, lúc thì ăn độn với bắp.

Cha mẹ tôi cũng chưa bao giờ được đến trường, chỉ học lóm, biết viết chữ, biết làm các phép tính đơn giản nhưng dĩ nhiên sai chính tả rất nhiều. Tôi cũng thỉnh thoảng sai chính tả, mà không phải thỉnh thoảng, cũng khá thường vì “ngày xưa cô giáo dạy tiểu học là người miền tây, cũng là nông dân, mà ba má ở nhà thì làm gì biết chữ mà dạy chính tả cho chính xác. Lớn lên rồi quen dần cách nói và viết theo kiểu miền tây luôn. Biết sao được, bây giờ phải tập sửa dần dần thôi.”

Ba mươi năm trước, năm 1985, sau khi sinh thằng em út, ba mẹ tôi có một cái duyên nghe được Phật pháp, từ đó ăn chay luôn đến giờ. Cũng vì ăn chay, ba mẹ không đi bắt cá nữa, chuyển sang làm ruộng và làm tàu hủ. Dần dần, Ba tôi dạy cho hàng xóm làm tàu hủ theo rồi tự nhiên xóm của tôi trở thành xóm tàu hủ lúc nào không biết. Bao nhiêu người Ba tôi dạy làm tàu hủ sau này thành “đối thủ cạnh tranh”. Mẹ tôi có một sạp bán tàu hủ ngoài chợ, bao nhiêu người khác mà Ba dạy nghề cứ ngồi xung quanh cũng bán tàu hủ, cách đó vài mét. Vậy mà mẹ tôi cứ bán ‘ào ào’ trong khi mấy người kia thì chỉ có khách lai rai. Sau này tôi ngộ ra được chân lý ‘bán tàu hủ’ của mẹ để áp dụng trong kinh doanh và đó cũng là một phần lịch sử của Slogan Inside-out của IMM Group. Đơn giản là gì mẹ tôi khi bán tàu hủ, thứ nhất là sự dung hoà cuộc sống, cách đối đãi với bà con nông dân dưới quê, ai cũng thương, cũng quý. Vừa bán, vừa cho . Đôi khi không biết người mua là ai mà cũng cho ‘thiếu’ tiền, sau đó người ta quay lại trả tiền mẹ tôi còn không nhớ ai là ai. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ, có biết gì về đời sống, triết lý sống, hay đạo đức là gì, chỉ biết nghe tới nghe lui những lời dạy của ba mẹ hàng ngày. Ba tôi dùng thuyết “quân trường” để dạy các tôi em tôi. Nghĩa là chỉ biết nghe, không được cãi, không làm nghe lời không làm đúng là bị đánh đòn nát đít. Sau này tôi mới biết, ba tôi không muốn con mình hư hỏng như hàng trăm đứa trẻ khác, phải hy sinh đời bố để củng cố đời con, làm gì làm phải cho đi học. Câu này tôi nghe và nhớ hoài đến giờ “tui bây gáng mà học để đừng như tao với má mày. Vừa ngu dốt, bị đè đầu cưỡi cổ tối ngày. Nghèo nữa, có dám ăn nói gì với người ta đâu.”

Trước khi ba mẹ tôi làm ruộng, làm tàu hủ thì còn một câu chuyện dài trước đó. Ba tôi đi làm công khắp miền tây nam bộ, từ Cần Thơ xuống đến Cà Mau, bạn bè “đồng nghiệp” làm công chung thì bao la. Ai thuê đâu làm đó: cắt lúa, cắt cỏ, bốc vác, sửa nhà, lợp mái nhà, thợ rèn v.v… Được cái siêng năng, hoạt bát, thật thà nên đi đâu mấy ông chủ cũng thương, cũng đòi ‘gả con gái’ cho. Má tôi nghe kể lại mà cười và nói “ông nóng tính như quỷ, ai mà thèm lấy đâu, bài đặt”…vậy mà 2 vợ chồng cũng đã với nhau gần 40 năm trời.

Rút kết triết lý và quy luật: “Mình không có quyền chọn lựa số phận”

PHẦN 2

NGHỊCH CẢNH SỐ PHẬN

Ba mẹ tôi thường nói “cái gì cũng có cái duyên của nó, không phải tự nhiên đâu. Đừng nghĩ mình làm hay, giỏi mà không biết trời Phật là gì. Mình được như ngày hôm nay là do một phần lớn phước đức của ông bà và do cái phước đức mình có trong quá khứ”. Ba mẹ tôi cũng tin vào ‘nghiệp’ mà mỗi người phải trả khi đến lúc. Khi gia đình tôi cũng khấm khá nhờ làm tàu hủ, nuôi heo, làm ruộng thì năm 1989, lúc tôi đang học lớp 3 thì cha tôi bị tai nạn. Thời đó, nhà ai có cái TV là ‘đại gia’ lắm rồi. Cha tôi mua được một cái TV 14 inch, mỗi ngày hàng xóm bà con bu lại như cái chợ, mấy chục người, ngồi từ trong nhà ra tới ngoài sân để xem ‘cải lương’. Thời đó, Lê Thuỷ, Minh Vương, Mỹ Châu là thần tượng của bà con dưới quê. Khổ cái là chưa có ăngten để bắt sóng đài Vĩnh Long nên TV bị ‘hột é’, hình nhảy loạn xa, mấy bà cụ ở xóm cứ than phiền “Triệu (tên của Ba), mày mua cái anten đi, coi đến lúc hay mà hình cứ dựt dựt..” Ba tôi đi mua cái anten. Cái anten ngày xưa to như cái ‘vệ tinh’ mà ngày xưa chưa có ống thép để bắt anten vào. Ba tôi đành gắn cây anten vào cây ‘gáo’ (tên một loại cây ở quê tôi) bên hông nhà, cây cao gần 15 m. Để gắn anten vào cây với độ cao hơn 10 m, Ba tôi phải leo lên cao, tỉa nhánh. Một người kỹ lưỡng, từng làm công bao nhiêu năm, chưa bao giờ xảy ra tai nạn vậy mà…

Vào tháng 7 âm lịch, mùa mưa, mấy nhánh cây bị khô, héo, bên trong bị bọng nhưng khi mưa xuống, vỏ cây lại xanh tươi. Ba tôi cứ tưởng là nhánh cây bình thường, ai ngờ bên trong nhánh cây là trống rỗng, bị bọng. Ba tôi rơi từ độ cao hơn 10m, tiếp đất tư thế ngồi, chết lâm sàng gần 15 phút. Lúc đó tôi đang đứng chơi giàn ná (nạng thun) cách đó vài mét.

Ngày đó cũng như mọi ngày, sáng sớm tôi đi theo Ba đội tàu hủ ra chợ. Về Ba ghé nhà thầy giáo Nhiệm ở xóm (để uống cà phê. Về đến nhà, tôi lui cui lo chơi, gần nữa tiếng sau, nghe tiếng rơi của cái gì giống như dừa rụng. Quay lại, tôi thấy Ba nằm dưới đất…Tôi chạy la om xòm, dưới sông có chú Tâm đang đăng lưới, chạy lên ẵm Ba vào nhà, hàng xóm bu lại đông nghẹt, có người bảo “mày chạy ra chợ báo cho mẹ mày biết lẹ lên…” Tôi vừa chạy vừa bay, có mấy cây cầu nhỏ bắt qua mương tôi không kịp đi qua cầu, bay một phát qua đến bên kia bờ. Má nghe xong, mặt mày tái mét, vừa chạy về, vừa khóc….tôi lúc đó chưa biết gì, tôi không khóc….

Qua bệnh viện Cần Thơ, bác sỹ chẩn đoán cột sống bị thụng lại tại bàn toạ, hệ thống dây thần kinh tắt nghẽn. Thời đó, không có bệnh viện nào ở Việt Nam dám mổ cột sống thần kinh. Bao nhiêu tài sản chắt chiu, sau hơn 1 năm chữa trị, gia đình tôi trở về điểm xuất phát ban đầu, con số ‘0’. Câu chuyện được lật sang một trang mới với một người cha bại liệt nửa người.

Rút kết triết lý và quy luật: “Cuộc sống vô thường. “ Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”.

PHẦN 3

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

Sau hơn một năm ở các bệnh viện Cần Thơ, Chợ Rẫy, trở về nhà với đống nợ nần. Bao nhiêu tài sản, tiền bạc gia đình dành dụm không còn. Cha tôi cả chục lần tự vẫn vì chán nản cuộc đời, không tìm thấy tương lai cho gia đình. Một con đường mờ mịt đau khổ trước mắt. Nhà lúc đó có tổng cộng 10 thành viên, cha mẹ tôi, 3 anh em tôi và 5 người con của người bác thứ Tư. Người bác thứ Tư bước thêm một bước trong hôn nhân sau khi vợ mất, để lại 5 đứa con nheo nhóc cho Ba mẹ tôi nuôi từ nhỏ. Người anh họ lớn nhất lúc đó cũng mới 15 tuổi, tôi lúc đó 8 tuổi, anh Hai 10 tuổi, một đám leo nheo, lem luốc với cái nhà lá ọp ẹp. Tiền trong nhà còn vài trăm nghìn đồng…

Cha tôi cuối cùng cũng chấp nhận số phận và quyết định ở lại cùng gia đình, bỏ đi ý định tự vẫn để nuôi đàn con cháu nheo nhóc. Trong đầu ba tôi lúc đó là đám con này lớn lên rồi cũng sẽ như ông, lại không được học hành đến nơi đến chốn, làm thuê làm mướn, hư hỏng, lang thang đây đó chứ không nghĩ được gì thêm cho lạc quan hơn.

Một phần may mắn, những gì gia đình tôi xây dựng trước đây, đạo đức, ơn nghĩa ở đời lúc này được đền đáp. Bà con hàng xóm, những bạn hàng, khách hàng,… không ai bỏ gia đình tôi mà mỗi người giúp một chút. Ba tôi kể lại “lúc đó người ta cho mình mượn tiền mà giống như đến năn nỉ để mình mượn vậy”. Tôi còn nhớ vào thời gian vài ngày sau khi cha tôi té từ trên cây xuống, đang ở giai đoạn nguy kịch ở bệnh viện Cần Thơ, khó có thể sống. Lúc ấy tôi còn nhỏ quá để biết chuyện gì. Tôi chỉ nhớ là mỗi ngày, suốt 1 tuần, các đồng đạo trong đạo Phật, người quen của ba mẹ tôi, 40-50 người hàng ngày đến nhà tôi, lập bàn hương án, nhang đèn, bông hoa, nước, trái cây, lập bàn thờ cầu nguyện. Đến sau này tôi mới biết đó là các buổi cầu an. Theo đạo Phật, lúc lâm nguy, những người có công đức nếu thành tâm cùng nhau cầu nguyện, hy sinh một phần công đức của họ cho người được cầu nguyện một cách chân thành thì sẽ được tha lực vô biên của Đức Phật từ bi trợ giúp để qua cơn nguy kịch. Các buổi cầu nguyện kéo dài gần 1 tuần… Cha tôi qua cơn nguy kịch và bắt đầu nhận thức được xung quanh, nhưng… không còn cảm nhận được gì từ thắt lưng trở xuống chân, hoàn toàn bị liệt và mất đi cảm giác, cũng không thể kiểm soát tiểu tiện. Từ một thanh niên khoẻ mạnh, trụ cột gia đình của 8 đứa con và cháu trở thành một người bất lực. Không trách sao Cha tôi nhiều lần muốn tự vẫn.

Được sự giúp đỡ của hàng xóm và người quen, Cha tôi dạy anh em tôi làm đậu đủ, nuôi heo. Mấy công ruộng (1 công hay một sào tương đương 1000 m2) cũng đã bán vì không ai trông nom. Lúc đó tôi còn nhỏ quá nên chưa làm đậu hủ được, tôi đi bán vé số và phụ việc nhẹ trong nhà. Cha tôi đưa ra mục tiêu ngắn hạn hơn, không mơ ước cao xa như trước đây nữa. Chỉ mong các con học hết cấp 2, biết chữ với người ta rồi “ở nhà phụ má mày làm, không biết tao sống được bao lâu nữa”. Lúc đó cha tôi tập trung vào việc giáo huấn, răn đe anh em tôi bằng nhiều biện pháp, như luật quân trường. Vì bại liệt, ngồi một chỗ, dạy con càng khó. Xung quanh hàng xóm thì đa phần thất học, nhà không gia giáo, rất dễ bị ảnh hưởng xấu. Mấy đứa trẻ ở xóm đứa nào mở miệng ra cũng chửi thề, nói tục, không tôn trọng cha mẹ, đi không thưa, về không trình. Thời của tôi được cha tôi dạy mà hành đến bây giờ vẫn vậy. Khi đi đâu phải khoanh tay thưa ba, thưa má, khi về cũng vậy, cũng khoanh tay thưa ba, thưa má. Bây giờ dù là chức này chức nọ theo chức danh công ty, về đến nhà tôi vẫn phải làm vậy, vẫn khoanh tay thưa ba, thưa má, và cúi đầu kính lễ bàn thờ ông bà.

Nói đến đây, nhớ lại, tôi là đứa con bị đánh đòn nhiều nhất. Mẹ tôi nói “ổng đánh mày từ lúc mới mấy tháng. Mày lì lợm, cứng đầu cứng cổ, không giống anh hai mày. Nhưng ổng thương mày nhất vì mày giống ổng như đúc.” Sau này mẹ tôi mới nói thêm “lúc đó ổng đánh mày nhiều cũng vì ổng sợ mày giống ổng, rất nóng tính, cọc cằn, thô lỗ. Ổng không muốn mày giống ổng nên cứ đánh mày hoài vì mày giống ổng”.

Quay lại câu chuyện công việc gia đình. Làm cái nghề tàu hủ cực ơi là cực. Sáng thức dậy lúc 3-4h sáng làm đến 6h giờ đi học rồi về vừa ăn trưa vừa làm đến tối. Công việc va chạm với nước mỗi ngày, tay chân bị nước ăn lở loét. Lúc dó dùng nước phèn chua để xát lên mấy ngón tay, ngón chân cho kéo da non, mỗi lần xát phèn như vậy, rát đến mức rơi nước mắt. Thời đó chưa có máy móc, phải bơi xuồng ba lá ra chợ hơn 1 km, xay đậu từ cối xay dịch vụ, lại chở đậu về, bỏ vào bòng vải, vắt bằng tay cho ra sữa đậu nành, nấu, nêm, lên khuôn, cắt, chiên rồi đội ra chợ. Nói đến đội tàu hủ mới nỗi da gà. Tức là xếp mấy trăm miếng tàu hủ vào một cái ‘xề’ (nề), lấy một cái khăn lót trên đầu, đội ra chợ và dĩ nhiên đi bộ, chân đất. Mùa khô không nói, mùa mưa đường đất sét, trơn té lên té xuống, té xuống sông cũng thường xảy ra. Những ngày rằm 15 âm lịch và cuối tháng là lúc làm nhiều vì khách từ các xã khác đến mua số lượng lớn. Làm liên tục 3 ngày không ngủ, mỗi ngày đội tàu hủ ra chợ vài chục lần, đi, về, đi, về chuyện bình thường. Tuổi thơ của tôi và các anh em trong nhà là..như vậy. Cũng không hiểu sao, dù cực khổ vậy nhưng lúc đó mấy anh em ai cũng ham học, bữa nào làm nhiều quá bắt buộc phải nghỉ học là khóc như mưa. Mấy anh em năm nào cũng có giấy khen, suốt nhiều năm trong lớp tuyển chọn 6A1, 7A1, 8A1, 9A1… rồi gia đình được thưởng bằng khen gia đình nghèo hiếu học. Câu chuyện gia đình tôi trở thành câu chuyện của cả xóm, cả khóm, cả một cái chợ huyện Bình Minh. Ước mơ của ba tôi thêm nhiều hy vọng khi gia đình đủ kinh phí lo cho mấy anh em đi học. Bây giờ “ba cho học hết cấp 3”… Rồi ngày lại qua ngày, cuộc sống gia đình cư vậy như một hệ thống, sáng thức làm, đi học, về làm, tối đi học thêm anh văn. Ngày ngủ được 4-5 tiếng, không đủ thời gian học bài. Lúc làm, lấy cọng dây treo tòn ten quyển tập trước mặt. Lúc đang chiên tàu hủ, lúc đang cho tàu hủ vào khuôn, có khi tập rớt xuống sàn nước ước mem. Gia đình không có một bữa cơm chung. Mạnh ai nấy lấy tô ăn, cơm rau với tàu hủ dồn một chỗ, lùa cho nhanh, 2 phút hết tô cơm. Vì quá nhiều áp lực, Cha tôi lại nóng tính, gia đình thường bị rơi vào trạng thái căng thẳng, bị la, bị mắng, bị đánh đón, nhà không có ngày vui. Có năm đón tết, Cha tôi bị bệnh vì ngồi xe lăn quá nhiều trong mấy ngày làm tàu hủ cuối năm, cả nhà căng thẳng, âm u, không có không khí tết. Mẹ tôi chưa có một ngày nghỉ, 365 ngày như nhau, tết cũng vậy, chỉ nghỉ ra chợ bán mùng một tết nhưng ở nhà vẫn làm tàu hủ để bán mùng hai. Mẹ tôi mấy lần xỉu lên xỉu xuống ở chợ, bạn hàng kế bên xức dầu, cạo gió giùm, vậy mà cũng qua. Mẹ chẳng bao giờ biết đi bệnh viện khám bệnh là gì. Sau này Ba mới nói “Mẹ mày từ thời còn con gái cực khổ lo cho mấy chị em, bà ngoại rồi đến lúc gặp tao, chưa được gì, lại vừa nuôi mấy anh em mày, mấy đứa con bác mày, rồi đến nuôi cả tao. Không có mẹ mày thì mấy anh em mày giờ đi ăn mày rồi. Kiếm đâu ra người mẹ như vậy’.

Ba tôi dù ngồi xe lăn nhưng làm đủ thứ. Có nhiều việc mấy anh em tôi không thể làm bằng ba được: cắt, cưa, đóng đinh, sửa nhà, sửa máy móc v.v. cái gì Ba tôi cũng biết. Sáng sớm 3-4h lúc mấy anh em tôi thức cũng là lúc ba tôi dậy, lên xe lăn, ngồi chỉ đạo, hướng dẫn, và chụm lửa, sắp tàu hủ v.v. con tàu gia đình này đã không thể đi đến đâu nếu không có Ba…

Tháng này qua tháng nọ, năm sau tiếp năm trước. Bao nhiêu căng thẳng nhọc nhằn cứ lặp đi lặp lại. Dần dần cũng đến lúc anh Hai đến ngày lên đại học. Một thành viên gia đình vắng nhà. Các anh chị con người Bác cũng đã lớn, ra riêng, lấy chồng, lấy vợ, gia đình ngày một vắng. Lúc này cũng là lúc Ba bắt đầu đổi tính, ít nóng nảy hơn trước. Tôi thường thấy cái gì đó buồn buồn trong mắt Ba. Hình như Ba một phần cũng đã thoả nguyện vọng của mình sau khi nhìn lại cả chục năm mà gia đình vẫn ổn, không quá tệ như ba từng sợ, nhưng cũng có cái gì đó rất buồn trong lúc Ba ngồi xe lăn một mình, nhìn ra bờ sông rất lâu, không nói một lời…

Từ lúc Ba tôi bị liệt, có rất nhiều người cũng bị liệt như Ba làm quen với nhau. Họ thành một hội “những người liệt xe lăn”. Dần dần nhóm người kia cũng mất, chỉ còn lại mình Ba. Nhiều người cũng không hiểu sao. Người thì nói chắc ‘tại thằng Triệu nó ăn chay’, người thì bảo ‘nó được phật trời phù hộ’, đủ ý kiến này nọ. Có những lần mổ phần cơ chết ở mông, mất máu, xém chết mấy lần. Đến giờ, phần cơ chết này vẫn còn để lại một vết loét lớn nhưng nó cứ vậy hoài, không tệ hơn, cũng không lành được. Mười mấy năm trước bác sỹ khuyên ăn mặn lại để có chất, chỗ loét mới có thể lành. Ba nói ‘chết thì chết không ăn mặn’ vậy mà không chết vẫn sống tới giờ.

Sau khi anh hai đi lên Sài Gòn, nhà làm đậu hủ ít lại. Anh hai tự lập, tự lo chi phí, rồi gia đình cũng không đến nỗi nào, cũng đến ngày tôi lên Sài Gòn vào đại học. Thằng út ở nhà tiếp ‘nối’ nghề tàu hủ nhưng đỡ cực hơn nhiều vì lúc này đã có máy móc, không còn bơi xuồng ra chợ xay đậu nữa, cũng không còn đội tàu hủ đi chân đất nữa mà có cái ghe và cái máy ‘cu le 4’.

Năm tôi lên Sài Gòn là 2000, cũng là lúc gia đình bắt đầu lật sang trang mới. Nghịch cảnh coi như đã vượt qua, le lói nhiều hy vọng…

Rút kết triết lý và quy luật: “Mình có thể tự thay đổi số phận mình”.

PHẦN 4

ĐI TÌM TƯƠNG LAI

Vào một ngày tháng 6 năm 2000, sau khi thi tú tài lớp 12, tôi lon ton lên Sài Gòn với cái ba lô cùng vài bộ đồ, và trong túi có đến gần 200 nghìn đồng. Lúc đó mức chi tiêu trung bình của một sinh viên trên Sài Gòn là khoảng 300 nghìn bao gồm nhà trọ, ăn uống, đi lại, học hành. Lúc này tôi ở trọ trên đường Đặng Văn Bi, Thủ Đức, đối diện Vinamilk bây giờ. Tôi cũng không còn nhớ rõ mất bao lâu mới đạp được xe vào đến trung tâm, chỉ nhớ đạp xe được qua hết cầu Sài Gòn là người ướt sũng. Mang tiếng là lên Sài Gòn thi đại học mà chả có một ngày nào ôn thi. Ngày qua ngày cứ đạp xe dạo quanh nhà văn hoá Thanh Niên và các trung tâm việc làm, đọc quảng cáo việc làm xem có gì làm được không. Mất gần một tháng trời loanh quanh khu phòng trọ rồi đến các trung tâm việc làm, và rồi cũng đến ngày thi đại học. Tôi còn nhớ ngày đi thi, trong đầu cứ muốn bỏ luôn việc học hành, không có một chút tinh thần thi gì cả mà chỉ mong kiếm được một việc làm. Sáng hôm đó, anh Hai đá đít thức dậy bảo đi thi, trong người mang theo đúng tờ phiếu dự thi và một cây viết. Tôi rất dở môn Toán, Lý, Hoá nên chỉ đăng ký ngành nào có môn Anh văn. Lúc đó, Đại Học Văn Lang có khối H, thi môn Anh văn, Văn và Sử; khối D thì Văn, Toán, Anh văn. Khối D thì có nhiều ngành hay hơn nhưng khổ nỗi vì sợ môn Toán nên tôi đành chọn khối H. Không có ngày nào ôn thi vậy mà cũng đậu. Cũng may là nhờ môn Anh Văn được tính hệ số 2 nên mới đậu. Điểm đậu lúc đó hình như là là 18 điểm mà riêng môn Anh văn thôi cũng được hơn 18 điểm (hệ số 2), coi như bao năm học Anh văn lúc này được bù đắp.

Nói đến học Anh văn mới lại là câu chuyện li kỳ mà cũng một phần tôi rất vui vì mang về hãnh diện cho ba má.

Lúc học tiểu học xong, hết lớp 5, mấy đứa bạn thì được đi học hè, học thêm môn tiếng Anh từ trước còn tôi thì lúc đó đi bán vé số. Còn nhớ lúc đi xem điểm thi tốt nghiệp, đang bán vé số, ghé ngang trường xem bảng điểm thì gặp mấy đứa bạn. Tay tôi lúi húi dúi mớ vé số vào lưng quần, sợ tụi nó thấy. Vậy đó, có biết chữ nào tiếng anh, tiếng em gì. Khi vào lớp 6, bắt đầu có môn tiếng Anh. Nào là ‘hé lô, rút mò ninh tít chờ, sít đao bờ li”…mỗi ngày đến tiết học tiếng Anh là bị tra tấn. Đọc tầm bậy tầm bạ, mấy đứa bạn cười um xùm, cố gắng lắm mới được điểm trung bình để khỏi bị liệt môn.

Hết lớp 6, chịu hết nổi mới xin ba cho đi học thêm tiếng Anh buổi tối. Ba không cho vì học buổi tối mà đường thì không có một bóng đèn, cái thân tôi thì nhỏ con, đạp xe đạp chân bị ‘thiếu tấc’, không đạp qua vòng được, cứ cà nhấp, cà nhấp cái bàn đạp xe. Năn nỉ khóc lóc lắm ba cũng cho đi học thêm từ 6h chiều đến 9h tối. Trường cấp 2 của tôi lúc đó dạy thêm tiếng anh bằng giáo trình Streamline English, đọc tới đọc lui đến giờ vẫn còn thuộc mấy đoạn đàm thoại như vẹt. Học được hơn 1 tháng lại muốn nghỉ. Mấy đứa trong lớp chơi và quậy nhiều hơn học, mà học gì không thấy tiến bộ gì hết, thấy cứ như đi đọc bài vậy.

Sau khi nghỉ, tôi xin ba cho qua Cần Thơ học vì ở Cần Thơ dạy tốt hơn nhiều. Ba nhất quyết không cho vì xa quá. Từ nhà qua đến trường đại học Cần Thơ hơn 10 cây số mà còn phải qua phà. Học từ 6.30H đến 9H mà phải đi từ 5H chiều và về đến nhà thì sớm nhất cũng 10.30 đêm. Dĩ nhiên là ba lo lắng làm sao cho đi được. Thân thì nhỏ xíu, mới có 11-12 tuổi mà đi tận bên Cần Thơ, một thân một mình đêm hôm khuya khoắt, trời mưa trời gió mà ba thì liệt ngồi một chỗ làm sao an tâm được. Lại tiếp tục năn nỉ ỉ ôi, đòi nghỉ học nếu không cho đi qua Cần Thơ học thêm Anh văn, cuối cùng ba cũng chịu.

Lúc đó trung tâm ngoại ngữ đại học Cần Thơ liên kết với một trường bên Canada dạy tiếng Anh. Giáo trình rất lạ, mà theo học thì phải đi theo từng lớp của họ. Phải học xong lớp vỡ lòng rồi mới được học lớp sơ cấp, xong lớp sơ cấp mới được học bằng A, đậu bằng A mới được học bằng B, đậu bằng B mới được học bằng C, bằng C là bằng cao nhất. Mỗi lớp như vậy khoảng 6 tháng, một tuần học 5 buổi đều đặn, mỗi buổi gần 3 tiếng. Không biết tại tôi quyết tâm “trả thù” nỗi nhục với các bạn trong lớp 6 hay vì thích và đam mê hay vì cách dạy của họ hay và bài bản mà học ngày nào là mê ngày đó. Học được một chữ, một câu là miệng cứ lép nhép suốt, đang chạy xe đạp cũng tự nói một mình, y như thằng không bình thường.

Từ nhà tôi, bên bắc Bình Minh (Cái Vồn) qua Cần Thơ phải qua phà. Ngày nào cũng thấy khách tây trên phà và thấy mấy anh hướng dẫn viên du lịch lên xe, xuống ngựa, nói tiếng Anh như gió. Trong lòng tôi lúc đó ước mơ được như mấy anh hướng dẫn viên, được nói tiếng Anh, được lên xe hơi với người ta cho biết dù chỉ một lần.

Cũng nhờ ngày nào cũng thấy khách tây trên phà, có khi đợi phà gần 1 tiếng đồng hồ, tôi lui cui khúm núm đứng gần mấy ông tây. Lần đầu tiên trong đời, ngày đó, có một ông cao gần 1.9m, thấy tôi đứng gần chăm chú nhìn họ, ổng quay lại hỏi một câu “hello, how are you?” Lúc đó tim tôi đập thình thịch, vì mới học vỡ lòng, lần đầu tiên có ông tây nói chuyện với mình, y như một ông khổng lồ cúi người xuống để nói chuyện với thằng tí hon. Câu này nghe quen quen, chơi luôn… đáp lại một câu học thuộc lòng mấy tháng qua “em phai thanh kìu en dú?” Rồi sau đó ổng nói lại mấy câu nữa mà nghe không biết gì nhưng trong lòng vui không thể tả. Bà con trên phà bu lại xem…nhớ mà mắc cười gần chết.

Rồi ngày lại qua ngày, cứ thế lặp đi lặp lại. Học được câu nào mới là “lấy ra khoe” với mấy ông tây trên phà. Nhờ vậy mà ngày một nói được nhiều hơn, dạn hơn, không còn sợ nữa, nói sai cũng nói, nói nhanh vèo vèo, có khi không biết mấy ổng có hiểu không mà cũng gật đầu lia lịa. Mấy câu không biết diễn tả làm sao, dùng tay chân diễn tả rồi còn lấy giấy ra vẽ. Lúc đó còn mang theo cuốn từ điển to đùng như cái cặp táp, chữ nào không biết lật ra chỉ cho mấy ông tây xem. Có mấy ông cũng cừ khôi ghê, qua đây du lịch mang theo từ điển du lịch, ổng nói đến khúc nào tôi không hiểu, lật ra chỉ. Các cuộc đàm thoại “đa quốc gia” rất vui, làm cả cái phà bu lại đông nghẹt. Về lâu sau, hình như dân trên phà biết luôn mình, mấy cô bán vé số, bán bánh, bán nước nói sa sả cùng mấy người khác “cái thằng nhỏ đó thấy vậy mà nói tiếng Mỹ như gió, giỏi lắm đó..” tôi nghe mà lòng rộn ràng một niềm vui, một sự tự hào, một cái gì đó hy vọng rất là khó tả.

Sau một năm, khi nào lớp sơ cấp, hình như chỉ có mình tôi là dân quê từ bên này sông qua Cần Thơ học Anh văn, không có một người đi cùng. Sau này cũng gặp được vài anh lớn hơn nhiều, đi học bằng xe hon đa, nhà gần chợ Bình Minh đi cũng dễ dàng mà mình thì lui cui với chiếc xe đạp nên không đi chung được với ai. Một tuần 5 buổi, mưa nắng bất kể, không vắng một ngày. Có khi áp thấp nhiệt đới, mưa to đến nỗi ướt không còn chỗ ướt, người như con chuột lột cũng lê lết vào dãy bàn cuối ngồi một mình, có khi lớp chỉ có 5-7 người cũng học. Là một trong những người nhỏ nhất lớp, mấy thầy cô ai cũng thương, cho sách, cho băng về nghe thêm. Lúc đó làm gì có tiền mua thêm sách, mua thêm băng để tập nghe, mua được sách giáo trình học là may mắn rồi.

Có khi phà bị kẹt, về trễ đến 12H đêm mới tới nhà, mở tập ra học được vài chữ là ngủ, sáng 3-4h lại thức làm tàu hủ. Đôi khi cả huyện cúp điện, cả thị trấn chìm trong bóng đêm đen kịt, vừa chạy xe đạp vừa niệm Phật, sợ ma muốn chết. Đi ngang khu sân vận động, chỗ người ta bắn tội phạm thường xuyên, sợ gần chết, cắm đầu cắm cổ chạy theo quán tính. Có bữa không biết ai chơi ác, tuốt rơm xong để một đống ngoài lộ cao mấy mét ngay trước chỗ người ta làm pháp trường xử tội phạm, tôi chạy đâm vào đống rơm cái ầm, tưởng như mình rơi vào địa ngục, bỏ tập, bỏ dép chạy muốn ‘tè’ trong quần.

Từ nhà đến chợ để chạy được xe đạp phải vác chiếc xe đạp trên vai, lưng lận một cọng dây treo lủng lẳng đôi dép, cặp mang sau lưng, lót một cái khăn trên vai cho đỡ đau, vác chiếc xe đạp cả cây số mới đến chợ rồi bắt đầu đạp xe. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa té lên té xuống, đường trơn không một bóng đèn, tối đen như mực. Đi ngang qua mấy nhà hàng xóm có người chết mới chôn, vừa sợ vừa lạnh, vừa đói bụng. Có đêm trên đường về nước mắt cứ chảy hai hàng, không hiểu vì sao mình khổ mà cũng chẳng biết mai mốt mình ra sao. Bao nhiêu buồn tủi lo lắng bắt đầu hiện ra trong đầu khi một ngày một lớn, biết nhận thức, biết buồn, biết lo…

Câu chuyện học Anh văn cứ thế diễn ra, đến hết lớp 9 tôi đã thi xong bằng B. Lúc đó tự hào không thể tả, cứ như mình là ‘trùm’ Anh văn của trường. Rồi đến lớp 10 tôi thi xong bằng C. Trong lớp có vài anh bên Vĩnh Long qua thi, lớp toàn mấy anh sinh viên năm cuối khoa ngoại ngữ, có một số anh, chú là bác sỹ cũng thi. Lớp 27 người, đậu được chưa đến 10 người, tôi đứng thứ 2, được 7.5 điểm trung bình của 5 môn nghe, nói, đọc, viết và ngữ pháp. Thời đó trung tâm ngoại ngữ Cần Thơ nổi tiếng khó. Đến lúc học bằng C là phải làm luận văn theo chủ đề, thi môn nói là face-to-face interview 15 phút như phỏng vấn xin việc. Thời đó khi đi xin việc các công ty thường yêu cầu bằng A, B,C hơn là bằng ngoại ngữ đại học. Đúng là rất khó, học bằng C mà tưởng chừng như cao học của ngôn ngữ học. Học cả các phần tiền tố, hậu tố và các thành phần cấu thành của một từ mà mình có thể đoán được nghĩa của từ đó 60% mặc dù chưa bao giờ biết từ đó. Có mấy lần thầy cô thực tập dạy môn tiếng Anh lớp 11-12 gặp lại tôi, họ ngại ngùng không dám nhìn mặt vì họ từng học chung lớp bằng B,C với tôi mà bây giờ họ là giáo viên thực tập, mấy ngày sau …nghỉ mất tiêu không thấy dạy nữa.

Đó là một phần tự hào của bản thân cũng là của ba má. Lúc học bằng A, làm quen được một ông Canada, không nhớ tên ông ấy, chỉ còn nhớ rõ ràng ông ấy ở một thành phố nào đó thuộc B.C (British Columbia) của Canada. Lúc đó là mùng 1 tết, tôi dắt ổng về làng chơi cho biết cái tết quê như thế nào. Cả làng bu lại như cái rạp hát, vì chưa bao giờ có một ông tây nào về làng. Hàng xóm xôn xao bàn tán “nhà thằng Trắng (tên cúng cơn ở nhà của tôi là chó Trắng) có tây chắc được nhiều tiền lắm…. mầy kêu ổng nhận mày làm con nuôi rồi đi theo ổng qua bển luôn đi…”. Ba má tự hào biết bao nhưng cũng giận cho cái cách hàng xóm suy luận như vậy. Đây là một cái lỗi mà vô tình tôi mang về cho cái xóm nghèo ít học. Mấy chị con gái bị cái tây làm thay đổi, dần dần hết người này đến người nọ lấy chồng nước ngoài, Đài Loan…mong đổi đời, làm cho cái xóm không còn cái chân chất quê mùa như ngày nào…

Câu chuyện học tiếng Anh của tôi là vậy. Cũng nhờ vào cái mớ tiếng Anh này mà tôi có một số cơ hội sau này mà nhiều người khác không có. Lúc nói chuyện với mấy người tây, tôi còn nhớ mang máng họ thường nói “It’s really rare to see such someone like you in this country. You will have good future”. Lúc đó mình có biết cái gì gọi là “good future”, chỉ biết ban đầu là học tiếng Anh để “trả thù” mấy đứa bạn dám khi dễ mình rồi sau đó phát hiện ra mình thích cái môn này. Khi thấy mấy anh hướng dẫn viên thì ước mơ được như họ là tốt lắm rồi. Trong đầu cứ in một ước mơ là làm hướng dẫn viên tiếng Anh. Lúc mới học xong lớp 12 là tôi bắt đầu gửi đơn xin việc đi khắp nơi dù không biết họ có tuyển người hay không. Tôi viết một lá thư tiếng Anh dài ơi là dài. Dĩ nhiên không phải viết thư chuẩn như mẫu mà các bạn sau này cứ copy lặp đi lặp lại. Tôi kể về gia đình, nói về đam mê, về khả năng ngoại ngữ của mình, kể lể hoàn cảnh gia đình một phần mong người ta thông cảm mà giúp đỡ. Lúc đó, khách sạn Vitcoria Cần Thơ mới khai trương chưa được bao lâu, tôi cũng nộp đơn xin làm mà cứ xin chung chung, việc gì cũng được. Mấy tháng sau, đến khi thi đại học xong, có kết quả đậu đại học cũng là lúc khách sạn Victoria Cần Thơ gọi điện báo tôi đi phỏng vấn rồi tôi được tuyển vào vị trí phục vụ khu outdoor ngoài hồ bơi. Lương họ đưa ra tôi nhớ không nhầm thì hình như là 80-100 đô gì đó. Vị trí này cũng rất nhiều anh chị tốt nghiệp đại học Anh văn, đại học du lịch khách sạn mà không xin được. Ba má lấy đó làm niềm hãnh diện nhưng cuối cùng quyết định không cho tôi đi làm mà phải lên Sài Gòn học đại học. Tôi lại lon ton lên Sài Gòn và bắt đầu tiếp tục tìm việc để vừa học vừa làm. Nói mang tiếng học đại học chứ đến bây giờ chỉ nhớ tên có 2-3 người bạn ngồi gần và ở chung phòng trọ. Một tuần có khi lên lớp chỉ có 1-2 ngày, đa phần viết đơn xin các thầy cô thông cảm hoàn cảnh mà cho phép nghỉ học miễn sao mình hoàn thành bài tốt là được. Một phần cũng vì tôi học khoa tiếng Anh nên chỉ toàn học lại những thứ mình đã học nhiều năm về trước. Ngay cả cho đến năm 4 mà vẫn còn dạy những cái thấp hơn bằng C mà tôi đã học. Lúc đó tôi cũng “chảnh” nữa. Bày đặt viết đơn xin nghỉ học bằng tiếng Anh. Có ông thầy dạy môn writing nói “người ta không đi học được phải đi làm mà nhìn khả năng người ta viết nè, các cô các cậu ngồi suốt ngày um sùm ở đây học không ra cái gì”. Mấy đứa bạn quạu nên chửi “mầy nghỉ thì nghỉ đi, còn bày đặt viết đơn bằng tiếng Anh để ổng chửi tụi tao”. Nhưng cũng có cô hình như không thích tôi cho lắm. Cái gì cũng làm khó tôi, không cho nghỉ học và còn bắt bẻ cách tôi phát âm không phải tiếng Anh mà là tiếng Mỹ. Lúc mới học xong bằng C thì làm đủ trò, nào là nói luyến âm, dùng từ khó, nói càng nhanh càng tốt, dùng toàn những câu phức tạp để “thể hiện” khả năng. Bây giờ thì ngược lại, bắt đầu dạy nhân viên cách đơn giản hoá ngôn từ, nói viết cho rõ ràng, càng đơn giản, dễ hiểu càng tốt. Thay vì nói “can’t” thì bây giờ nói “can not”; “I’m” thì thay bằng “I am” v.v. hình như càng già càng thay đổi thì phải.

Quay lại câu chuyện đi làm thêm khi tôi lên lại Sài Gòn. Trong đầu thì ước mơ làm hướng dẫn viên tiếng Anh nhưng không biết ai cần mà xin việc, nên cứ gửi thư lung tung chỗ này chỗ khác. Trong khi đợi cơ hội đến thì tôi đi giao báo với thằng bạn cùng phòng. Sáng sớm 4h sáng, hai thằng đạp xe đạp lên đại lý báo tuổi trẻ trên đường Lý Chính Thắng, đi từ Quận 4 đến đó cũng mất gần 30 phút, lấy báo, bỏ vào rổ xe, đạp xe về giao ở Quận 4 và khu vực cầu Ông Lãnh quận 1. Hai thằng mỗi thằng 1 danh sách địa chỉ, chia nhau ra giao báo từng nhà. Đến 6.30 chạy qua trường để học. Có khi vào đến lớp mặt mày lem luốc, dính nhớt tùm lum vì xe bị sút sên. Lương 2 thằng chia ra cũng được 200 nghìn một thằng, 7 ngày một tuần, liên tục, mưa gió cũng không được nghỉ. Có mấy ngày trời mưa, khổ ơi là khổ. Phải lấy tấm cao su trùm cái rổ xe để không thôi báo bị ướt. Có khi trùm không kỹ hoặc gió thổi bay tấm cao su, ướt hết đống báo là coi như lỗ mấy ngày công. Có nhiều nhà có cổng rào, sân rộng, đứng từ ngoài quăng cuộn báo vào, quăng giữa đường báo bung ra, rơi xuống sân cái ‘bẹp”, ướt nhẹp mấy tờ báo là rồi lại bị “lỗ vốn” tiếp. Còn thêm cái khổ về ma trận địa chỉ của Sài Gòn. Có nhiều nhà quá trời ‘xuyệt’ (/), như 65/21/7/3 rồi nào còn thêm A,B,C rồi bis. Có nhiều nhà đi mấy tháng trời mà vẫn không thể nhớ được cách vào và cách đi ra, đi lòng vòng một hồi lại về chỗ cũ, phải vẽ ra luôn cái bản đồ và đánh dấu mới ra được khỏi mấy con hẻm ma trận.

Làm được mấy tháng thấy không kham nổi nên chuyển sang nghề phục vụ bàn. Được mớ vốn tiếng Anh, cũng muốn xin vào nhà hàng nước ngoài cho lương đỡ một chút. Vào được nhà hàng Nhật lại cười ra nước mắt. Người Nhật họ có nói tiếng Anh đâu, cũng như không. Không được làm phục vụ đúng nghĩa phục vụ mà chỉ đứng cúi đầu rồi bưng chén dĩa. Khách vào, đứng cúi đầu như Samurai, chạy ra chạy vào bưng đồ ăn, dọn xuống, lau bàn, lau ghế. Còn thêm cái trò xếp khăn ăn thành hình cái nón. Mấy cái vụ này tôi dở gần chết, không thể xếp được cái khăn cho ra hồn. 10h tối, khách về hết, mấy anh em phục vụ nhà hàng gom chung lại một bàn, mang đồ ăn ra ăn. Ban đầu tôi ngạc nhiên sao có nhiều đồ ăn ngon và cả rượu ngoại nữa. Sau này để ý thì mới biết mọi người gom đồ ăn và rượu còn thừa của khách lại để cuối ngày cùng ăn. Cái “tôi” của tôi lúc đó lớn hơn cái bánh xe, tự nói trong lòng “thà đói chứ không ăn, ăn mì gói còn ngon hơn”. Rồi cũng không hoà đồng được với ai, được 2-3 tháng lại nghỉ việc…

Chuyển sang nghề đi dạy kèm cũng có mấy câu chuyện vui. Còn nhớ lần đầu đi dạy Anh văn trên đường Lý Thường Kiệt. Lúc mới lên chưa biết đường, cái định vị la bàn trong đầu thì dở ơi là dở nên lúc nào cũng phải kè kè bênh mình cái bản đồ. Vậy mà vẫn chạy lộn hướng hoài, nhiều lần chạy miết mà không thấy đường 3/2 đâu (vì đường 3/2 điểm nhấn nhớ đường về nhà), té ra thay vì quẹo phải thì lại quẹo trái, chạy mười mấy phút đến Tân Bình rồi phải quay ngược lại. Đến giờ nhiều khi cũng còn bị.

Lúc đó tôi dạy kèm môn tiếng Anh luyện thi tú tài cho mấy em học lớp 12. Nói gì nói, có biết sư phạm gì đâu. Chỉ dạy theo cảm tính, cũng chẳng biết soạn giáo án là gì. Mấy đứa học trò nhỏ hơn chỉ có 1-2 tuổi, lì ơi là lì. Tụi học trò coi tôi như bạn chứ có như thầy nó đâu. Vừa học tụi nó vừa giỡn. Học không lo học mà cứ kêu “thầy dạy em viết thư tỏ tình đi thầy”, “chửi nó như thế này thì nói sao thầy”,… dạy được mấy tháng rồi tôi cũng nghỉ. Rồi lại phải lui cui đi xin việc khác.

Ước mơ trong đầu vẫn còn đó. Vẫn muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch. Tôi lại đi gửi thư hết công ty du lịch này đến công ty du lịch khác. Kể đến đây thì phải nói là thời gian phá phách của tôi lúc đi học anh văn lại được trả công. Từ nhỏ tôi đã thích phá mấy cái máy móc nên lúc đó gặp được cái máy vi tính, tôi phá không còn gì. Những ngày đi học anh văn, lúc nào thầy cô nghỉ dạy là tôi ra tiệm máy tính, thuê máy, quậy lung tung. Lúc đó máy tính còn dùng lệnh DOS để khởi động. Tôi nhớ hình như chưa có WORD mà chỉ dùng notePad để đánh văn bản. Nhờ biết chút tiếng anh, tôi phá cái này đến cái khác, có lúc format xoá luôn ổ cứng của người ta rồi giả bộ ra tính tiền, trốn. Thời gian sau có WORD, EXCEL, tôi bắt đầu phá tiếp. Dựa vào chút kiến thức vi tính, tôi tìm hiểu internet, biết lên mạng tra cái này kiếm cái kia. Nhờ vậy thấy được quảng cáo của công ty du lịch Phoenix Voyage trên web FPT Net gì đó. Công việc đăng tuyển là điều hành tour, điều kiện phải có bằng C Anh văn hoặc tương đương, có kinh nghiệm du lịch, biết vi tính. Trong bụng suy nghĩ: bằng C thì có rồi, vi tính thì biết rồi, mà kinh nghiệm du lịch thì lấy đâu ra. Nghĩ đi nghĩ lại mới nhớ, hồi lúc mình đi học Anh văn bên Cần Thơ, mấy năm trời, làm quen biết bao nhiêu người nước ngoài, rồi dắt họ đi tour lòng vòng Vĩnh Long, Cần Thơ, tính ra cũng giống hướng dẫn viên du lịch chứ bộ. Liều một phen, viết một thư xin việc dài ơi là dài. Nào là kể quá khứ, kể gia đình khó khăn, kể về đam mê môn tiếng Anh, đơn xin việc không có sơ yếu lý lịch, chỉ có cái lá thư duy nhất dài gần 2 trang A4. Bây giờ nhớ lại nội dung bức thư tôi vẫn nổi da gà, giống như thư xin giúp đỡ hơn là xin việc, vừa năn nỉ, vừa mang chút gì đó kể lể, vừa tha thiết van xin, đủ thứ trong đó. Được một điều là viết bằng tiếng Anh, trong lòng cũng hy vọng cái “nổ tiếng Anh” của mình sẽ gây được ấn tượng.

Nhà bà chủ nhà trọ ở Thủ Đức cách khu cho sinh viên thuê ở một bức tường, có cái cửa nối hai bên. Gửi xong cái email, ngày nào tôi cũng ngồi trong phòng trọ canh ngay cánh cửa sang nhà bà chủ. Tuy bà ấy có cái điện thoại mẹ bồng con (mang đi được) nhưng cũng sợ đem cái điện thoại đi xa lâu quá người ta gác máy thì khổ. Mỗi lần điện thoại reo lên là tim tôi đập thình thịch, không biết phải công ty đó gọi mình không. Ngồi canh bà chủ để bà ấy vừa gọi “Tỉnh ơi” là mở cửa chạy qua liền.

Hết một ngày, rồi lại 2 ngày, hy vọng rụi tàn dần dần.

Đến ngày thứ ba, buổi chiều đang đá cầu trong sân nhà bà chủ, cô giúp việc của bà chủ ra sân bảo “bên kia có ai tên Tỉnh không mấy đứa?”. Trời! Cũng may mắn là mình đứng đó, nếu không là toi rồi. Vì mới lên nên cô người làm chưa biết tên mà cũng chẳng biết mặt mình. Cổ mà trả lời “ở đây không có ai tên Tỉnh” là hết phim. Đó là cuộc điện thoại lúc 4h chiều.

Cô thư ký công ty gọi ngày mai lên phỏng vấn. Rồi đêm đó tôi không ngủ được. Không biết ngày mai nói cái gì, mặc đồ gì. Mới 4h sáng thức dậy uống cà phê, nấu mì ăn, xong lên xe đạp vào Sài Gòn. Công ty nằm trên đường Thái Văn Lung quận 1 bây giờ. Đạp vào đến nơi mồ hôi ướt cả người nhưng trời còn tối, đi sớm quá, mới có 6h sáng, ngồi ngay cửa công ty đợi đến 7h30, anh bảo vệ mở cửa hỏi làm gì ngồi đây. Tôi nó đợi để phỏng vấn, anh ấy còn nói “gì sớm dữ vậy”. 8h có vài người đến rồi cô thư ký nói tôi ngồi đợi. Đợi đến gần 9h, tôi được bảo đi lên lầu, vào phòng họp ngồi đợi tiếp. 15 phút sau, anh giám đốc vào. Lâu quá không nhớ chi tiết được. Chỉ nhớ là anh ấy chỉ hỏi được có 2 câu hay gì đó, mà tôi nói thao thao bất tuyệt gần cả tiếng đồng hồ, giống như kể chuyện thì đúng hơn. Mà lại chảnh kiểu khùng. Anh ấy hỏi tiếng Việt mà tôi lại nói toàn tiếng Anh. Nghĩ lại thấy mình khùng thiệt. Sau cuộc phỏng vấn tôi về, trong lòng mang bao nhiêu hy vọng. Mới học hết lớp 12, lần đầu tiên vào một công ty biết được cái công ty nó giống như thế nào. Rồi không biết mình được nhận không. Lại ngồi thấp thỏm đợi cái điện thoại. Chiều ngày hôm sau, cô thư ký gọi điện báo lên công ty lại lần nữa. Anh giám đốc cũng là người gặp tôi tiếp và báo là tôi được nhận vào làm, lương thử việc 800.000 VNĐ đồng, lương chính thức 1 triệu. Trời, quá đã, đi giao báo mệt gần chết có 200 nghìn, bây giờ lương cả triệu đồng. Có bao nhiêu từ ngữ cũng không thể nào tả được niềm vui lúc đó, giống như trúng số, giống như vừa tốt nghiệp xong ở Harvard hay cái gì đó vĩ đại ghê gớm lắm. Và thời điểm này cũng là lúc cuộc hành trình trên đất Sài Gòn bước sang trang mới.

PHẦN 5

NHỮNG BÀI HỌC VÀ KHỞI NGHIỆP

Công ty du lịch mà tôi được tuyển vào làm đầu tiên, hiện tại là công ty Phoenix Voyages, một công ty của người Pháp, chuyên thị trường tour inbound khách Pháp. Lúc đó công ty nằm trên đường Thái Văn Lung, sau chuyển qua đường Chu Mạnh Chinh và hiện tại là ở Quận 2. Mang tiếng là làm điều hành tour nhưng tôi lúc đó mới 19 tuổi và người thì nhỏ con nên trong mắt mọi người chỉ là một đứa con nít. Hơn nữa cũng không biết gì về công việc văn phòng.

Tôi được một cái bàn ngồi trong phòng điều hành tour với vài anh chị. Trong mấy tháng đầu, tôi cũng không biết công việc mình được giao là gì, làm gì, ai quản lý trực tiếp chứ đừng nói là KPI, hay là incentive, career path. Vậy nên công việc chính là chạy việc vặt, như mua đồ ăn cho mấy anh chị trong phòng, gửi fax booking đặt phòng, đặt khách sạn, lưu hồ sơ,… Biết mình không có kinh nghiệm, khi mọi người đã về, tôi ngồi mở hồ sơ tour ra xem trong đó có cái gì, lộ trình tour, báo giá, đặt phòng, đặt khách sạn, ghi chú hồ sơ,… dần dần cũng biết được nhiều thứ. Anh giám đốc tạo điều kiện giao thêm việc để tôi có cơ hội học hỏi. Dần dần tôi thụ lý trọn vẹn phần đặt dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, xe và sắp xếp hướng dẫn viên.

Thời điểm đó mấy anh chị trong phòng rất hay cãi nhau về phần công việc mà không ai muốn nhận: tour FIT (Free Independent Traveler hoặc Free Independent Tourist), một nhóm khách hàng nhỏ, thường là các gia đình 2-5 người không thông qua đại lý mà liên hệ trực tiếp với công ty. Có lẽ vì việc thì thêm mà không được quyền lợi gì hơn nên ai cũng đẩy qua, đẩy lại cho người khác, trong khi thật lòng tôi đang mong được giao việc và tôi nghĩ là mình có khả năng làm được việc này. Nghĩ vậy, tôi bèn viết một email dài ơi là dài cho anh giám đốc để năn nỉ anh cho tôi phụ trách luôn phần đó. Anh giám đốc đồng ý, đầu tư cho tôi một cái máy tính riêng, một cái điện thoại bàn riêng. Lúc đó tôi tự nhiên thấy mình có thêm nhiều giá trị và tự nhủ “mình là trưởng phòng của cái phòng của mình và cũng là cái bàn của mình”.

Sau một thời gian, anh giám đốc ngày càng tin tưởng giao cho tôi hầu như toàn bộ phần việc đàm phán với hướng dẫn viên, nhà xe, đặt khách sạn cộng thêm phần quản lý các booking tour FIT. Tôi còn nhớ lúc đó có tour cho một nhà báo bên Pháp qua khảo sát để viết bài du lịch về Việt Nam, công ty coi trọng tour này vì nếu phục vụ nhà báo không đàng hoàng thì sẽ rất nguy hiểm cho uy tín công ty. Tôi được cử đi miền tây cùng cô Natali – trợ lý điều hành người Pháp và cô nhà báo. Lúc đó, được cơ hội ngồi xe hơi riêng, về đến chợ Bình Mình, tôi bảo anh tài xế ghé chợ một chút để tôi chào Má đang bán tàu hủ trong chợ. Nói thì nói vậy nhưng trong lòng là muốn ra ‘oai’ để Má thấy mà vui, nở mặt, nở mày với mấy bạn hàng trong chợ. Khi xe đậu lại gần chỗ Má đang bán tàu hủ và tôi bước xuống, cả khu chợ tò mò dòm ngó, trầm trồ bàn tán xì xào ca ngợi con Dì Sáu thế này thế nọ. Thấy được niềm vui rưng rưng nước mắt của Má, trong lòng tôi có một phần tự mãn theo kiểu con nít mới lớn, một phần hãnh diện, một phần háo hức cho sự nghiệp trước mắt…

Chưa được bao lâu, chỉ khoảng 1 năm hơn, công việc của tôi ngày một tốt, kiến thức ngày một nhiều hơn, được anh giám đốc tin tưởng nhiều hơn và thương hơn nên tôi càng thêm kiêu căng, tự phụ. Cho mình đã đủ giỏi, tôi mang theo người cái mộng thăng chức, thêm lương. Không một lời kiến nghị xin tăng lương hay xin thăng chức, tôi âm thầm kiếm một công ty khác có mức lương cao hơn và rồi xin nghỉ việc đột xuất bằng một email dài và ‘gian dối’. Trong thư tôi nói với anh giám đốc là tôi không thể ở Sài Gòn được nữa vì sức khoẻ của Ba ở quê không tốt, tôi phải về quê kiếm gì đó làm gần nhà để lo cho Ba. Tôi cứ nghĩ rằng cái email dài dòng đầy nước mắt ‘gian dối’ đó sẽ khiến cho anh giám đốc chấp nhận đơn nghỉ việc kiểu trẻ con của tôi mà không hờn giận. Tôi vào làm công ty mới với mức lương cao hơn, cả Ba Má, hay anh giám đốc hoặc đồng nghiệp cũ, không ai biết tôi đang làm gì.

Một ngày nọ, tôi nhận được điện thoại từ quê gọi lên nhà trọ, Ba bảo tôi về quê liền trong ngày mà không nói lý do. Tôi sắp xếp về ngay, trong lòng lo lắng, Ba có vẻ rất giận dữ, tôi không biết chuyện gì. Thì ra, anh giám đốc không hề giận hờn gì về cái lá đơn xin nghỉ việc ‘tào lao’ của tôi mà lại thông cảm cho hoàn cảnh mà tôi đã kể lể nên bảo anh tài xế chở anh ấy về quê tìm nhà tôi cho bằng được. Mục đích của anh giám đốc xuống tận nhà ở quê là để tìm hiểu xem anh ấy có giúp tôi thêm được gì và để khuyên tôi trở lại Sài Gòn vì ở dưới quê thì sẽ không có tương lai mà công việc tôi thì đang tốt. Nhà tôi ở quê lúc đó đâu có số nhà, địa chỉ như ở thị xã, chỉ có ghi là tổ và khóm và thường thì chỉ có tổ trưởng (giống tổ trưởng của tổ dân phố trên Sài Gòn) mới biết ai là ai và nhà ở đâu.

“Trời xui đất khiến” anh giám đốc hỏi mấy người trong chợ. Hỏi mấy nhà không ai biết vì có ai biết tên “Tỉnh” đâu, ở chợ thì người ta chỉ biết dì Sáu tàu hủ, hoặc hỏi Sáu Triệu làm tàu hủ thì mới biết. Anh giám đốc hỏi cả buổi cũng tìm được người chỉ nhà khi mô tả nhà tôi nhà làm tàu hủ, có Ba bị liệt ngồi xe lăn. Người ta chỉ anh ấy về xóm nhà tôi, anh giám đốc lại xuống xóm hỏi tiếp, mất cả ngày cuối cùng anh ấy cũng tìm được nhà tôi lúc gần 5h chiều. Qua câu chuyện trao đổi giữa Ba tôi với anh giám đốc, cái cớ để tôi nghỉ việc mà không một tờ đơn xin nghỉ trước, một lý do được dựng lên không hề có thật, đã bị phanh phui. Ba bảo “mày phải lên xin lỗi người ta, mang ơn người ta mà lại làm vậy….” rồi Ba thuyết giảng cho một hơi đạo lý làm người. Tôi xấu hổ, không mặt mũi nào gặp lại anh giám đốc nên viết một email dài xin lỗi. Anh giám đốc trả lời email chỉ có một câu “sau này em lớn lên em sẽ biết, một khi niềm tin bị đánh mất rồi thì rất khó mà lấy lại”. Nhớ lại mới thấy mình quá trẻ con, tham lam và thiển cận. Anh giám đốc thương hoàn cảnh khó khăn nên có mấy lần về quê, anh ấy cho tiền thêm từ tiền túi của ảnh, nói là để mua cái này, cái kia thêm cho Ba, lần cuối cùng anh ấy còn cho thêm tiền để tôi về mua cho Ba cái xe lăn mới, vậy mà tôi phụ lòng và còn lừa dối anh ấy. Cách đây 5 năm, tôi có email hỏi thăm, nhắc lại chuyện ngày xưa, bày tỏ lòng biết ơn anh ấy vì những gì tôi đã học được. Những gì tôi có ngày hôm nay một phần rất lớn là nhờ công ty đâu tiên và nhờ người sếp đầu tiên là anh ấy. Anh có hồi âm chúc mừng và nói cũng không còn giận gì. Cách đây 1 năm, vô tình hai anh em gặp lại nhau trong phòng Gym của The Manor ở Nguyễn Hữu Cảnh, gặp luôn cả ông chủ tịch hội đồng công ty, mười mấy năm trời… tôi vừa vui mừng vừa hỗ thẹn vì chuyện ngày xưa. Hai anh em có hứa ăn tối với nhau để tâm sự mà rồi ai cũng bận nên vẫn chưa hẹn được.

Kinh nghiệm ở công ty này chỉ được có hơn 1 năm nhưng những bài học vỡ lòng từ việc điều hành công ty trong quá trình khởi nghiệp là vô giá. Từ những cái nhỏ nhặt trong việc tạo văn hoá công ty, đối đãi với nhân viên, quản lý nội bộ, con người, cấu trúc công việc, lãnh đạo… tôi đã học được rất nhiều từ năm đầu tiên này.

Trong những bài học đó, bài học về sự chân chính, trung thực, chân thành, và lòng biết ơn lại càng không có thước để đo lường. Tôi cũng học được rằng, mình đôi khi không thể trả ơn những người đã giúp mình mà mình chỉ có thể giúp đỡ lại người khác như là một quy luật của cuộc đời.

Một sai lầm kế tiếp nữa là tôi lại nhảy lung tung từ công ty du lịch này này sang công ty du lịch nọ, vẫn không xác định được mình muốn gì và định hướng tương lai ra sao. Chỉ có một khát khao duy nhất là khi làm việc cho anh giám đốc trong công ty du lịch đầu tiên thì trong đầu cứ nghĩ mãi một việc “anh ấy hơn 30 tuổi, hơn mình mười mấy tuổi, mình sau này có thể thành công hơn anh ấy” rồi trong đầu cứ đặt mục tiêu là “25 tuổi phải có công việc ổn định, 30 tuổi phải thành công, 35 tuổi phải giàu” mà cũng chẳng biết thành công nghĩa là sao, giàu là giàu bao nhiêu, giàu cái gì và giàu để làm gì. Tuy nhiên, những khát khao mơ hồ đó lại là động lực tôi luôn tìm kiếm một cái gì đó ngoài kia mà chưa biết là gì. Sau gần 3 năm trời nhảy việc hết 5 công ty du lịch, tôi quyết định tự mình làm cái gì đó, không muốn làm cho bất kỳ ai nữa vì hình như tôi chẳng chịu nghe lời ai và cũng không có ai để tôi kính phục mà đi theo. À có, anh giám đốc đầu tiên, nhưng đã muộn mà cũng không có cơ hội để làm lại nữa.

Trong thời gian làm việc trong một công ty du lịch năm 2003, tôi quen một kỹ sư phần mềm người Anh, ông ấy cung cấp phần mềm đặt phòng khách sạn online cho công ty du lịch mà tôi làm. Tôi đề xuất hai bên hợp tác, làm một cái gì đó vì tôi cũng mê mấy cái dọc phá máy tính từ nhỏ. Ông ấy có cái web tên là accessvietnam.net, ông ấy đề xuất tối ưu hoá web này để bán quảng cáo cho các công ty du lịch, khách sạn và nhà hàng ở Việt Nam. Tôi viết lại nội dung web, sắp xếp lại, design lại, đưa vị trí web lên trang nhất của google khi dùng từ khoá như “restaurants in vietnam, hotels in Vietnam, bars in Vietnam”. Hơn nửa năm trời, vị trí web lên hạng 1-5 trang đầu Google. Tôi thiết kế brochure đi bán quảng cáo cho các nhà hàng, khách sạn 1-3 sao. Trớ trêu thay, khi đi sale, các nhà hàng khách sạn này hỏi Google là gì, có người không biết nó hoạt động thế nào, cuối cùng chỉ bán được 2 cái quảng cáo cho 2 cái bar ở Nha Trang của người nước ngoài, được hơn 100 đô, xem như sụp đổ hoàn toàn, lại trở về tay trắng. Nhờ ông bạn người Anh này giúp đỡ, trả lương để tôi phụ ông ấy lập trình phần mềm của ông ấy, những phần cơ bản, sống qua ngày.

Tôi lại tiếp tục xây dựng ước mơ khác về IT. Thấy lập trình web site còn mới mẻ, tôi học cách thiết kế web, lập trình rồi lưu video lại cách lập trình web bằng tiếng Anh, bán video hướng dẫn lập trình web. Đêm ngày mày mò, sau gần nữa năm tôi chính thức bán “membership” cho những ai muốn tải video về để học. Thu nhập được hơn 300 đô, trả qua Paypal. Paypal không thể trả khi chưa đủ mức tiền tối thiểu 600 đô. Đợi dài cổ, đủ 600 đô, Paypal chuyển tấm check về, tôi đem ra ngân hàng Vietcombank, cô nhân viên ngân hàng thậm chí không biết tấm check này là gì, ngân hàng khác thì nói không thể đổi, Paypal thì lúc đó không chuyển khoản về Việt Nam, tôi cầm tấm check mà nước mắt hai hàng chảy như mưa, không hiểu sao sự việc có thể như vậy, lại một lần nữa, trắng tay và nợ nần.

Từ bỏ mộng về IT, tôi tận dụng những cái có thể làm được để tự làm thêm một cái gì đó. Lúc làm việc cùng ông bạn IT người Anh, tôi có giúp ông ấy việc thành lập giấy phép văn phòng đại diện ở Việt Nam, lo mấy việc về visa cho ống ấy, thuế, mua máy móc thiết bị văn phòng và những việc hành chính khác. Tôi nảy xin ra ý định nếu ông ấy cần thì chắc nhiều người nước ngoài vào Việt Nam cũng cần. Tôi thành lập một công ty trong phòng trọ, tên là tư vấn đầu tư Hoàn Thiện, rồi lập một trang web giới thiệu dịch vụ thành lập văn phòng, chi nhánh ở Việt Nam. Công việc làm chính xác lúc đó là xin giấy phép, con dấu, tìm văn phòng thuê, trang trí, mua máy móc thết bị, đăng tuyển nhân viên v.v. và người nước ngoài chỉ qua Việt Nam là có một văn phòng đầy đủ để hoạt động. Được 2 khách hàng nhưng thu nhập cũng khá tốt vì lo trọn gói rất nhiều việc, mỗi khách hàng như vậy cũng được hơn một ngàn đô nhưng phải mất mấy tháng mới xong một hợp đồng. Trong 2 khách hàng đó, có một khách hàng Ấn độ, tôi đứng tên dùm người ta thành lập công ty TNHH, điều hành mọi việc, cũng nhờ được người ta tin tưởng nên sau này và đến giờ vẫn còn là người bạn đáng tin của họ. Một  khách hàng kia là người Canada, ông này là điểm nhấn của việc ra đời công ty Immigration, công ty con đầu tiên của IMM Group. Nhờ ông khách này chia sẻ thông tin có chương trình đầu tư định cư Canada ở đất nước của ông ấy nên cũng từ đó, công ty Immigration (công ty TNHH Di trú) ra đời, được đổi tên từ công ty TNHH Tư Vấn Đầu tư Hoàn Thiện. Công việc khởi nghiệp đến đây coi như bước sang trang mới. Vốn hơn 30 triệu, trong đó mượn ông bạn người Ấn Độ hết gần 20 triệu, thuê văn phòng 4 triệu, đặt cọc thuê văn phòng 12 triệu, mua 2 cái bàn, máy tính, mấy cái linh tinh hơn 10 triệu. Nhất quá tam, khó khăn tiếp theo thì không thể kể hết nhưng lần này không “phá sản”, nghĩ lại hình như là “hên nhiều hơn hay”…

PHẦN 6

CÓ CÔNG MÀI SẮT
CÓ NGÀY NÊN KIM

Bây giờ, khi nói đến khởi nghiệp, mọi người sẽ nghĩ đến việc có vốn từ nhà đầu tư thiên thần (angel investor), có những đơn vị ươm mầm (incubator), có người hướng dẫn (mentor), v.v. Nhưng thời của tôi, hay ít nhất là với riêng tôi, thì những khái niệm đó còn xa lạ lắm. Khởi nghiệp với tôi đơn giản là vài chục triệu cho thời gian “cầm cự” tối đa ba tháng, nếu không có doanh thu thì coi như hết phim. Ngày đó cái gì tôi cũng phải tự làm, từ việc lập trình web cho công ty, đến soạn hợp đồng, chạy quảng cáo trên Google, thiết kế logo công ty, làm banner quảng bá, nghe điện thoại, lo sổ sách kế toán, làm thủ tục ngân hàng, rồi kiêm luôn bán hàng. Với cái văn phòng gần 20m2 ọp ẹp trên đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận), một nhân viên, hai cái máy tính, hai cái điện thoại bàn, một bộ ghế sofa rẻ tiền và một bộ mặt non choẹt, đến giờ tôi vẫn không hiểu làm sao mình chốt được hợp đồng. Rất tiếc không có tấm hình nào… Nhớ lúc đó, lần đầu tiên biết được bộ đồ vest, lần đầu tiên thắt cà vạt… nghĩ lại còn nổi da gà… nhìn lúa ơi là lúa (mà bây giờ vẫn còn lúa).

Không có tài chính, không có mentor, không ai chỉ bảo, không ai huấn luyện, một thân một ngựa, 16-20 tiếng/ngày là chuyện bình thường. Trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất là “ba tháng nữa mà không có hợp đồng nào ký là đói”. Có vẻ như cái áp lực tôi tự đặt lên bản thân đó có tác dụng không nhỏ, nó giữ cho tôi tỉnh táo những lúc lẽ ra nên đi ngủ, giữ cho tôi đứng vững kể cả khi đã làm việc quá sức. Cũng may mắn lĩnh vực tư vấn định cư nước ngoài lúc đó chưa quá phổ biến, công ty của tôi gần như là đơn vị duy nhất nên cũng không tốn quá nhiều tiền quảng cáo để có khách. Khách thì cũng không có nhiều lựa chọn để mà do dự, kèm theo gương mặt lúa lúa đặc trưng của tôi, có lẽ cũng dễ làm khách hàng tin tưởng. Tôi tin nhiều người đã tự nhủ “chắc thằng này không lừa mình được đâu” nên đến cuối cái “kỳ hạn” tôi tự đặt ra cho mình, tức là giữa tháng thứ ba, tôi có một hợp đồng dịch vụ đầu tiên.

Doanh thu phí dịch vụ cho hợp đồng đó, nếu tôi nhớ không lầm thì cũng gần 500 đô. Thế là đủ sống thêm một tháng nữa. Rồi tháng thứ tư, thứ năm, theo đà “hên” mà hợp đồng cứ ký đều đều. Chưa được một năm, doanh thu cũng kha khá, tôi quyết định dời văn phòng về “downtown”, đường Trần Đình Xu (Quận 1). Văn phòng bấy giờ đã “hoành tráng” hơn nhiều, ngang 4 dài 10, được đến 40m2, thêm một cái bàn, thêm một nhân viên nữa là hai, tính luôn tôi là ba. Lúc này có ông anh làm bảo vệ giữ xe và chạy vặt đứng trước cửa nữa, là bốn.

Đến đoạn này thì không thể qua loa nữa, khi cái guồng bắt đầu quay, bạn phải tăng tốc. Lần đầu tiên tôi làm hội thảo là khoảng cuối năm 2006 hoặc đầu 2007 (tôi ước gì mình đã có thời gian để ghi chép lại chính xác). Để làm được hội thảo dĩ nhiên phải mời được luật sư đối tác từ Canada qua Việt Nam, nhưng điều đó không hề đơn giản, làm được là cả một câu chuyện (tôi sẽ kể riêng sau). Cái gì mới, mình chiếm thế tiên phong, thì cũng có những thuận lợi nhất định. Hội thảo của tôi thu hút rất nhiều khách tham dự, chứ không phải đi tìm kiếm từng người rồi phải mời mọc ăn uống như bây giờ. Mà không phải khách nào muốn đến cũng được, một là phải thoả điều kiện, 2 là phải đóng phí 15 đô. Khách sạn Grand trên đường Đồng Khởi là nơi diễn ra sự kiện đầu tiên. Nói hội thảo cho hoành tráng chứ chỉ có tôi với ông luật sư đối tác, một cái bàn đại biểu, còn khách thì ngồi như lớp học, chỉ được uống nước suối. 157 người đăng ký tham dự, không vắng một người, ngồi nghe từ đầu đến cuối buổi. Lần đầu tiên trong đời biết hội thảo là gì cũng là lần đầu tiên đứng lên sân khấu nói chuyện trước 157 người toàn đáng tuổi anh, tuổi cha/chú mình. Khán phòng im lặng quá mức trong lúc tôi nói đến nỗi tôi hoảng loạn không biết nói gì trong mấy phút đầu. Trước khi nói, dù đã chuẩn bị cả mấy tuần cái slide powerpoint, đã lên trình tự chi tiết sẽ nói gì, nói thế nào,… nhưng chỉ sau 10 phút, tôi… bỏ luôn cái slide. Tôi đã nói mà không nhớ mình nói gì, mọi thứ cứ tự nhiên tuôn ra như đã được lập trình sẵn từ lúc nào. Chắc cũng nhờ vậy mà mọi chuyện có vẻ tự nhiên hơn, không màu mè, khách cảm thấy sự chân thành nên tin tưởng hơn. Sau hội thảo, suốt một tuần khách đến ký hợp đồng nhiều đến nỗi không có chỗ ngồi vì văn phòng chỉ có cái sofa đủ cho 2 người.

Đó thật sự là một bước ngoặt lớn, kể từ sau hội thảo này, mọi chuyện bắt đầu khác… Tôi lại dời văn phòng qua Điện Biên Phủ, mặt bằng được 80m2, số nhân viên tăng lên dần dần, năm, sáu người rồi mười người, rồi dời văn phòng qua Võ Văn Kiệt,  30 người. Đến năm 2016, tôi có toà nhà văn phòng riêng, công ty phát triển thành tập đoàn… Và rồi như một giấc mơ, không biết từ đâu mà có tới 130 nhân viên.

Sáu phần của tiểu sử, chỉ gói gọn trong hơn mười ngàn chữ, nhưng nếu để chia sẻ hết những trải nghiệm buồn vui, những bài học tôi góp được trong suốt quá trình này thì không biết phải viết bao nhiêu sách. Tôi tin rằng những gì tôi đang viết sẽ phần nào giúp được cho các bạn trẻ, những bạn mới bước vào hành trình cuộc đời của mình. Đường rất dài nhưng luôn có trái ngọt cho những ai dám bắt đầu và luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, tôi đã luôn tin như thế mà cố gắng.

Xem thêm các bài chia sẻ tri thức, kinh nghiệm của tôi tại https://www.facebook.com/tonytinh