Mọi người cũng như tôi đều đã và đang trải qua một thời gian khó khăn, khủng hoảng từ đầu năm khi dịch Covid-19 bùng phát. Tình hình đang rất khả quan và hy vọng Vaccine sẽ được phổ biến sớm trong cộng đồng và mọi thứ sẽ trở lại bình thường dần dần cuối năm nay, đầu năm sau. Trong 6-7 tháng qua, tôi cũng trải qua nhiều giai đoạn thay đổi trong suy nghĩ, trong hành động trong cuộc sống và trong công ty. Xin chia sẻ cùng mọi người vài điều tôi tự kết luận cho bản thân mình.
1. Trong công việc vận hành công ty, đã có rất nhiều thứ mà đáng lẽ ra phải được thấy trước, phải được biết trước, phải được phát hiện và chấn chỉnh ngay từ rất sớm, không cần đợi đến khi khó khăn mới phát hiện ra. Có những cái ”lỗ hổng” rất rõ ràng trước mắt vậy mà vẫn để chúng tiếp diễn và xảy ra – Willful Blindness.
2. Trong cuộc sống gia đình hàng ngày, có rất nhiều thứ rất không cần thiết trong chi tiêu. Có rất nhiều phí phạm dù có khó khăn kinh tế hay không cũng không nên chi tiêu chứ không nhất thiết phải đợi đến lúc khó khăn mới biết thắt lưng buộc bụng. Còn biết bao nhiêu người cần giúp đỡ xung quanh vì vậy việc kiểm soát chi tiêu dư thừa, hoang phí là luôn cần thiết phải làm chứ không nhất thiết phải đợi đến lúc khó khăn mới nhận thức được. Tương tự, thời gian bị phí phạm quá nhiều cho những việc vô bổ, vô nghĩa.
3. Trong đối xử với đối tác, với khách hàng, trong lúc khó khăn cũng là lúc cần nhất để thể hiện được sự chia sẻ và giúp đỡ. Đừng để cái khó lấn át cái đức tánh tốt, đừng để túng quẫn thay đổi giá trị của bản thân và giá trị của công ty.
4. Nợ là phải trả. Tốt hết là nên trả nợ trước hạn [pay your dues upfront]. Không nên trong khó khăn mà lẩn tránh nợ của mình, dù đó là nợ đời, nợ ân nghĩa, nợ tình cảm, hay nợ tài chính. Quy luật của vạn vật và quy luật của Nguyên Nhân – Hệ Quả sẽ đòi nợ mình một ngày nào đó, và khi đó nợ sẽ cộng thêm ”lãi” và thêm ‘’hình phạt’’ theo quy luật Nhân-Quả, mà thường là theo cấp số nhân
5. Trong khó khăn, trong khủng hoảng, bạn cần kiểm soát môi trường xung quanh mình cho thật kỹ và tự kiểm soát bản thân mình cho thật tốt. Chúng ta không thể kiểm soát được xã hội và kiểm soát được vạn vật vận hành xung quanh mình nhưng mình có thể kiểm soát được bản thân mình, và đó cũng là cái duy nhất bạn có thể kiểm soát. Có những người xung quanh mình chỉ biết ngồi chờ thời, than thở, luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh và lúc nào cũng chỉ trích, bi quan, tiêu cực trong suy nghĩ…. Những người đó không giúp bạn trong lúc khó khăn mà chỉ hại bạn thêm vì họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bạn. Hãy kiểm soát môi trường xung quanh mình, tức những người bạn tiếp xúc hàng ngày, năng lượng của những con người xung quanh bạn sẽ ảnh hưởng xấu đến bạn. Tương tự, việc chúng ta cứ theo dõi các tin tức mạng xã hội tiêu cực sẽ không giúp được gì mà chỉ làm bạn tiêu cực thêm.
6. Trong lúc khó khăn bối rối nhất là lúc bạn càn giữ cho cái đầu mình được sáng suốt nhất. Muốn vậy, chúng ta cần luôn giữ cho cơ thể mình được khỏe, có đủ năng lượng để từ đó cái mind, bộ não luôn được nạp năng lượng giúp chúng ta suy nghĩ chín chắn và hành động đúng. Nghĩa là, càng ép cơ thể vận động/thể thao nhiều càng tốt cho thân, và tốt cho tâm trong lúc khủng hoảng. Thiền định giúp ích rất nhiều trong lúc này về mặt khoa học. Thiền có thể giúp bộ não và thân trở về hộp số “N”, để từ đó tâm sẽ thấy được rõ ràng nó đang rối, đang mệt mỏi, thân đang đuối sức hay đang khỏe và từ đó bạn sẽ có những suy nghĩ mới sáng suốt hơn.
7. Sự lo lắng, stress, căng thẳng, sợ, buồn bực trong lúc khủng hoảng không giúp được gì. Nếu không kiểm soát nó kịp thời nó sẽ nhấn chìm bạn. Hãy lên kế hoạch hành động. Khi biết kế hoạch hành động đó là cần thiết thì hãy giữ cho mình được bận rộn đúng chỗ, đúng việc. Keep doing it again and again, one step at a time và dần dần bạn sẽ thấy kết quả. Do nothing, nothing will happen.
8. Đôi khi, bạn không muốn đưa ra một số quyết định vì các quyết định đó làm cho bạn thấy rất buồn, rất khó chịu, rất khó xử v.v. Tuy nhiên, đừng chần chừ vì nó sẽ làm cho tình hình tệ hơn mỗi ngày. Hãy quyết định sớm khi còn có thể.
9. Trong khó khăn/khủng hoảng, hãy đưa ra tình huống xấu nhất sẽ xảy ra là gì rồi từ đó lên kế hoạch hành động để tình huống xấu nhất đó không thể xảy ra. Một khi bạn đã đưa ra tình huống xấu nhất rồi thì tâm bạn sẽ an nhiên, sẽ không còn lo lắng nữa vì trong tiềm thức bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho nó và đã có sẵn kế hoạch hành động để nó đừng xảy ra.
10. Trong lúc khó khăn, lúc mất mát, hãy chiêm nghiệm và biết ơn. Nhìn lại xung quanh mình, nhìn những gì mã đó có được dù là nhỏ nhặt và so sánh với nhiều người bất hạnh hơn mình. Lúc đó tâm bạn sẽ thanh thản hơn để tiếp tục đi tiếp.
11. Lúc khó khăn, hãy tham vấn những người đi trước, những bật tiền bối, những người sẵn sàng chia sẻ và giúp bạn. Nếu không có ai thì hãy nhờ sách vở. Đọc sách trong lúc đang bị khủng hoảng/lúc lo lắng sẽ giúp bạn ‘’ngộ’’ ra rất nhiều điều.
12. Những gì xảy ra trước mắt chỉ là tạm thời, mọi thứ rồi sẽ qua đi theo thời gian. Đừng vì những gì xảy ra hôm nay mà quên đi ngày mai. Tương lai sẽ không có nếu hiện tại chúng ta không làm gì. Do something today because your future is what you do today.
Cầu mong mọi người bình an. Chúc cho mọi chuyện trở lại bình thường sớm.