”Công ty du lịch mà cha được tuyển vào làm đầu tiên là một công ty của người Pháp, chuyên thị trường tour inbound khách Pháp. Mang tiếng là làm điều hành tour nhưng cha lúc đó mới 19 tuổi và người thì nhỏ con nên trong mắt mọi người cha chỉ là một đứa con nít. Cha cũng chưa biết gì về công việc văn phòng, chưa biết dùng điện thoại, chưa biết sử dụng máy fax, máy photo. Cha được một cái bàn ngồi trong phòng điều hành tour với 4 anh chị. Trong mấy tháng đầu, cha cũng không biết công việc mình được giao là gì, làm gì, ai quản lý trực tiếp chứ đừng nói là KPI, hay là incentive hoặc định hướng công việc. Công việc chính là chạy vặt, như mua đồ ăn cho mấy anh chị trong phòng, gửi fax booking đặt phòng, đặt khách sạn, lưu hồ sơ… Biết mình không có kinh nghiệm, khi mọi người đã về, cha ngồi mở hồ sơ tour ra xem trong đó có cái gì. Cha dần dần học được lộ trình tour, báo giá, đặt phòng, đặt khách sạn, ghi chú hồ sơ… Anh giám đốc tạo điều kiện giao thêm việc để cha có cơ hội học hỏi. Sau vài tháng, cha được phân thụ lý trọn vẹn phần đặt dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, xe và sắp xếp hướng dẫn viên.
Thời điểm đó mấy anh chị trong phòng rất hay cãi nhau về phần công việc mà không ai muốn nhận: tour FIT (Free Independent Traveler hoặc Free Independent Tourist), một nhóm khách hàng nhỏ, thường là các gia đình 2-5 người không thông qua đại lý mà liên hệ trực tiếp với công ty. Có lẽ vì việc thì thêm mà không được quyền lợi gì hơn nên ai cũng đẩy qua, đẩy lại cho người khác, trong khi thật lòng cha đang mong được giao việc và cha nghĩ là mình có khả năng làm được việc này. Nghĩ vậy, cha bèn viết một email dài ơi là dài cho anh giám đốc để năn nỉ anh giám đốc cho cha phụ trách luôn phần đó. Anh giám đốc đồng ý, đầu tư cho cha một cái máy tính riêng, một cái điện thoại bàn riêng. Lúc đó cha tự nhiên thấy mình có thêm nhiều giá trị và tự nhủ “mình là trưởng phòng của cái phòng của mình và cái phòng của mình cũng là cái bàn của mình”.
Sau một thời gian, anh giám đốc ngày càng tin tưởng giao cho cha hầu như toàn bộ phần việc đàm phán với hướng dẫn viên, nhà xe, đặt khách sạn cộng thêm phần quản lý các booking tour FIT. Cha còn nhớ lúc đó có một tour cho một nhà báo bên Pháp qua khảo sát để viết bài du lịch về Việt Nam. Công ty coi trọng tour này vì nếu phục vụ nhà báo không tốt thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín công ty. Cha được cử đi miền tây làm nhiệm vụ tour co-ordinator cùng cô trợ lý điều hành người Pháp và cô nhà báo. Lúc đó, được cơ hội ngồi xe hơi riêng, về đến chợ Bình Mình, cha bảo anh tài xế ghé chợ một chút để cha chạy vào chào bà nội con một tiếng vì bà nội con đang bán tàu hủ trong chợ. Nói thì nói vậy nhưng trong lòng là muốn ra ‘oai’ để bà nội con thấy mà vui, nở mặt, nở mày với mấy bạn hàng trong chợ. Khi xe đậu lại gần chỗ bà nội đang bán tàu hủ và cha bước xuống, cả khu chợ tò mò dòm ngó, trầm trồ bàn tán xì xào ca ngợi thằng Trắng (tên cúng cơm của Cha) con Dì Sáu giỏi thế này thế nọ….
Thấy được niềm vui rưng rưng nước mắt của bà nội con, cha lần đầu tiên cảm nhận được cái hạnh phúc kỳ diệu mà không mô tả được thành lời…. Tuy nhiên, trong lòng cha có một phần ngạo mạn kiểu thanh niên mới lớn, một phần hãnh diện, một phần háo hức cho sự nghiệp trước mắt…
Chưa được bao lâu, chỉ khoảng 1 năm hơn, công việc của cha ngày một tốt, kiến thức ngày một nhiều hơn, được anh giám đốc tin tưởng nhiều hơn và thương hơn nên cha càng thêm kiêu căng, tự phụ. Cho mình đã đủ giỏi, cha mang theo cái mộng thăng chức, thêm lương. Không một lời kiến nghị xin tăng lương hay xin thăng chức, cha âm thầm kiếm một công ty khác có mức lương cao hơn và rồi xin nghỉ việc đột xuất bằng một email dài và ‘gian dối’. Trong thư cha nói với anh giám đốc là cha không thể ở Sài Gòn được nữa vì sức khoẻ của ông nội ở quê không tốt, cha phải về quê kiếm gì đó làm gần nhà để chăm sóc cho ông nội. Cha cứ nghĩ rằng cái email dài dòng đầy nước mắt gian dối đó sẽ khiến cho anh giám đốc chấp nhận đơn nghỉ việc kiểu trẻ con của cha mà không hờn giận. Cha vào làm công ty mới với mức lương cao hơn. Cả ông bà nội, hay anh giám đốc hoặc đồng nghiệp cũ, không ai biết mà cứ nghĩ ”tội nghiệp thằng Tỉnh, nó phải về quê để lo cho cha nó…”
Một ngày nọ, cha nhận được điện thoại từ quê gọi lên nhà trọ. Ông nội bảo cha về quê liền trong ngày mà không nói lý do. Cha sắp xếp về ngay, trong lòng lo lắng. Ông nội có vẻ rất giận dữ, cha không biết chuyện gì. Thì ra, anh giám đốc không hề giận hờn gì về cái lá đơn xin nghỉ việc ‘tào lao’ của cha mà còn thông cảm cho hoàn cảnh cha đã kể lể nên anh giám đốc bảo tài xế chở anh ấy về quê tìm nhà ông nội con cho bằng được. Mục đích của anh giám đốc xuống tận nhà ở quê là để tìm hiểu xem anh ấy có giúp cha thêm được gì và để đón cha trở lại Sài Gòn vì ở dưới quê thì sẽ không có tương lai, trong khi anh ấy thường nói với cha rằng cha sẽ có một tương lai rất tốt. Nhà mình ở quê lúc đó đâu có số nhà, địa chỉ như ở thị xã, chỉ có ghi tổ, khóm và thường thì chỉ có tổ trưởng (giống tổ trưởng của tổ dân phố trên Sài Gòn) mới biết ai là ai và nhà ở đâu.
Trời xui đất khiến, anh giám đốc hỏi mấy người trong chợ. Hỏi nhiều người không ai biết vì không ai biết tên Tỉnh là thằng nào. Ở chợ thì người ta chỉ biết dì Sáu tàu hủ, hoặc hỏi Sáu Triệu (biệt danh của ông bà nội) làm tàu hủ thì mới biết. Mất cả ngày cuối cùng anh ấy cũng tìm được nhà ông bà nội lúc gần 5h chiều. Ông nội con không hề biết gì nhưng cũng đoán được một phần nên cũng cố đưa ra vài lý do để biện minh cho hành động của cha…… sự gian dối của cha đã được phơi bài ra anh sáng. Khi cha về, ông nội bảo “mày phải lên xin lỗi người ta, mang ơn người ta mà lại làm vậy….” rồi ông nội thuyết giảng cho cha mấy tiếng đồng hồ về ‘’đạo lý làm người’’. Cha xấu hổ, không mặt mũi nào gặp lại anh giám đốc nên viết một email dài xin lỗi. Anh giám đốc trả lời email chỉ có một câu “sau này em lớn lên em sẽ biết, một khi niềm tin bị đánh mất rồi thì rất khó mà lấy lại”.
Sự gian dối của cha nếu bị phơi bày vì người khác nghi ngờ điều tra thì cha cũng thấy ít tôi lỗi hơn. Ngược lại, sự gian dối của cha bị phơi bày vì vô tình anh giám đốc quá thương cha, muốn giúp đỡ cha nên mới lặn lội về quê tìm cha… Điều này làm cho cha đau lòng đến nhiều năm sau.
Anh giám đốc rất thương hoàn cảnh khó khăn của cha nên có mấy lần về quê, anh ấy cho cha thêm tiền thêm từ tiền túi của ảnh, nói là để mua cái này, cái kia thêm cho ông nội. Lần cuối cùng anh ấy còn cho cha thêm tiền để cha về mua cho ông nội cái xe lăn mới, nhưng cha cũng tiêu số tiền đó mà không mua xe lăn cho ông nội. Anh ấy có rất nhiều ơn nghĩa với cha, thương cha và muốn giúp đỡ cha. Cha nhận được rất nhiều đặc quyền từ anh ấy. Vậy mà cha không những phụ lòng và còn lừa dối anh ấy….
Con người ai cũng sẽ có lỗi lầm nhưng các con hãy nhớ rằng phải học làm người tốt trước rồi sau đó mới học làm giàu. Sự giàu có của các con sẽ không bền vững nếu con không là người tốt. Người tốt thì không thể nào là người gian dối. Những giá trị của một con người sẽ quyết định tương lai của người đó. Sự thành thật có thể không mang đến tiền bạc cho các con ngay lúc đó nhưng nó sẽ xây dựng cho các con một nền tảng bền vững để trở thành một con người có giá trị và hạnh phúc sau này. Sự thành thật không thể nào tuyệt đối vì nếu mình tuyệt đối được thì đã không là con người. Khi còn là con người thì sẽ có nhiều giới hạn nhưng trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, các con phải cố gắng thành thật nhất có thể. Nhiều lúc các con sẽ phải nói dối để giúp một người khác hoặc để phục vụ cho mục đích lớn lao hơn, tức lời nối dối đó không hại mình mà cũng không làm hại ai. Cha gọi đó là ‘’lời nói dối chân thành’’. Mặc dù vậy, dù lời nói dối không chân thành hay nói dối chân thành thì nó vẫn là một lời nói dối. Các con càng phải biết rằng, thành thật với người khác đã khó, thành thật với bản thân mình càng khó hơn nhiều. Sự thành thật với bản thân sẽ giúp cho các con ngộ ra được nhiều chân lý, hiểu bản thân mình hơn và từ đó các con sẽ có được những tri thức vô hạn, hay còn gọi là sự thông thái, và rồi các con sẽ tìm cách để hoàn thiện bản thân mình để sống tốt hơn mỗi ngày. Các con sẽ không bao giờ có sự thay đổi đột phá nào nếu các con không thành thật với bản thân mình. Sự thành thật này có thể xuất phát bằng những câu nói tự thoại với bản thân như ‘’Tôi có phải là người tốt? Tại sao tôi cho tôi là người tốt? Làm sao để biết tôi là người tốt? Tôi có phải là người giỏi? Tôi giỏi cái gì? Tôi có những gì xấu, làm sao biết được những cái xấu của tôi ? v.v.’’. Thành thật sẽ không bao giờ đủ vì các con sẽ luôn có những cái các con làm, trong vô thức, các con sẽ không nghĩ mình đang nói dối vì việc đó rất nhỏ, không đáng. Nhưng các con cần biết rằng, cái gì mình làm nó nhiều lần, lặp đi lặp lại, nó sẽ thành thói quen. Thói quen nói dối sẽ biến các con thành người không đáng tin cậy. Người không đáng tin cậy thì không có giá trị. Người không có giá trị thì không thể gọi là người thành công, điều này các con nên ghi nhớ. ”