Đây là kinh nghiệm xương máu. Năm 2003, tôi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cụ thể là dạy người khác cách tự làm một trang Web. Tức là tôi phải biết lập trình web, sau đó vừa làm trên máy tính vừa record lại thành video, vừa làm web vừa dạy bằng tiếng Anh. Ai muốn học thì phải đăng ký làm thành viên và trả phí theo tháng. Sau một năm phá sản.
Năm sau, không bỏ cuộc, khởi nghiệp thêm nữa cũng về IT, tối ưu hóa web du lịch có tên accessvietnam.net (bây giờ vẫn còn), để ai mà tìm các từ khóa ‘hotels in vietnam, tours in vietnam, restaurants in vietnam’ trên Google thì web tôi luôn xuất hiện đầu tiên, mục đích là bán quảng cáo cho tất cả công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn. Sau một năm, phá sản lần hai.
Về mặt chuyên môn thì có nhiều lý do tại sao tôi thất bại. Nhưng một số bài học mang tính chất quyết định mà anh chị em (ace) cần phải lưu tâm là:
1/ Bạn thường nghe làm theo con tim, làm theo đam mê của mình sẽ thành công. Kinh nghiệm cá nhân và sau 20 năm tôi rút ra được là:
a. Nó đúng, với điều kiện cái bạn thích làm, cái bạn đam mê cũng là cái bạn giỏi nhất, ý tôi là rất giỏi so với số đông, nếu không cái bạn đam mê sẽ kéo bạn xuống hố.
b. Nó sai, trong trường hợp bạn không biết mình giỏi cái gì thật sự, điểm mạnh của mình là gì mà cứ chạy theo đam mê, sở thích không thực tế của mình.
2/ Học và biết cho đầy đủ trước khi làm, đừng cấm đầu đi mà không biết con đường đi mình sẽ gặp những gì
– Khởi nghiệp ngày xưa có cơ hội thành công tỉ lệ cao hơn bây giờ gấp nhiều lần. Tại sao? Ngày xưa cái gì cũng mới mẽ, ý tưởng gì cũng có thể gọi là mới, ít cạnh trạnh, thị trường Internet chưa phổ biến nên thông tin còn hạn chế. Thời nay, gõ vài chữ lên Google là cái gì cũng có, đối thủ cạnh tranh đếm tới sáng không hết, hầu như không còn ý tưởng gì gọi là mới mà đa phần là chỉ xào qua, xào lại thành món khác.
– Ý tưởng: 4 tỷ người trường thành trên hành tinh này thì có ít nhất vài chục tỷ ý tưởng kinh doanh, nhưng bao nhiêu doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm, 10 năm? Cẩn thận với cái ý tưởng của mình.
– Đa phần dân khởi nghiệp chỉ cần có ý tưởng là làm, trong khi dù là một quán ăn nhỏ hay một công ty triệu đô bạn cũng phải chuẩn bị cho mình rất nhiều kiến thức cơ bản, chưa nói là nên có một số kinh nghiệm (hoặc nhờ + hợp tác với dân có kinh nghiệm). Học những gì ? Một business dù lớn nhỏ thì cần phải học: nghiên cứu thị trường, marketing, quảng cáo, PR, tâm lý khách hàng, Sales (bán hàng), quản lý dòng tiền, kế toán, tài chính, pháp lý, quản lý con người (HR), lãnh đạo v.v. Tự kinh doanh, tự làm thì phải học hết qua những cái cơ bản đó để biết, còn nếu không thì phải có người có chuyên môn các lĩnh vực đó để hỗ trợ. Hàng triệu start-up thất bại không phải do ý tưởng tồi hay sản phẩm kém mà do phần vận hành. Khổ nổi là thời nay tri thức bị xem thường, cứ gõ Google đọc vài trang mạng, xem vài clip video là coi như mình đã biết!
– Business plan: công ty vận hành 10 năm thì có khi phải cần cả một năm để hoàn tất kế hoạch kinh doanh. Cái kế hoạch là tất cả những gì bạn sẽ làm, làm như thế nào, ai làm, mục tiêu từng năm, thị trường, đối thủ, tất tần tật. Nói chung là kế hoạch này là kim chỉ nam để cả nhà, cả đội bắt tay vào làm và bám theo đó để làm. Nếu chỉ viết ra được 1-2 trang giấy thì đó chỉ là một ý tưởng sơ khai, chưa phải kế hoạch. Thất bại trong công việc chuẩn bị thì hãy chuẩn bị để thất bại.