Winning – Chiến thắng
Chơi thì phải thắng. Học thì phải học giỏi nhất. Điểm thì phải điểm 10, phải A, A+.
Tư duy nguy hiểm trong cuộc sống.
Thống kê
Tỉ lệ người học điểm cao trong trường sau này thành công, thành đạt, có cuộc sống ổn định trong cuộc sống chiếm một tỉ lệ rất, rất, rất thấp so với tổng số người thành công trên toàn thế giới. Điều đó không có nghĩa rằng việc học giỏi, thông minh, học cao không có giá trị. Quan trọng là sự nhìn nhận sai lệch về nó.
Sai lệch
Việc điểm cao hay thấp trong trường phụ thuộc rất nhiều yếu tố: thông minh, chăm chỉ, thích học môn nào, điều kiện học hành, điều kiện gia đình, môi trường, thầy cô, áp lực, động lực v.v.
Đạt điểm cao ở trường dường như rất ít phục vụ mục đích của học sinh, của đứa con, mà đa phần nó phục vụ mục đích cho thầy cô, cho cha mẹ. Cha mẹ có cái để khoe khoang, thầy cô có thành tích để thể hiện, để tự hào, để lấy điểm với ban giám hiệu.
Trẻ nhỏ
Khi nhỏ, trẻ nhỏ chỉ muốn vui, chơi đùa, miễn sao vui vẻ là được. Lúc đó trẻ nhỏ ”lúc nào cũng được sống”. Trẻ nhỏ không có tư duy phải thắng cuộc, không có tư duy phải nhất, phải nhì, phải điểm cao mà tư duy đó là của người lớn nhồi nhét vào tiềm thức trẻ nhỏ hàng ngày.
Khi lớn
Vì từ nhỏ đã bị nhồi nhét tư duy phải thắng, phải nhất, phải nhì, phải điểm 10, A+, dần dần tư duy trẻ bị ám thị bởi những áp lực ‘’chiến thắng’’ đó và mất đi dần dần mục đích của việc học. Mục đích của việc học là học và hiểu được những kiến thức hữu ích để làm nền tảng phát triển bản thân sau này. Mục đích học không phải lấy điểm A, điểm 10, mà mục đích học cuối cùng sau này vẫn là ‘’để sống’’. Việc cho điểm lại phụ thuộc vào thầy cô, cách chấm điểm, cách ra đề bài, và rồi những môn đó trẻ có thích học hay không v.v. Điểm cao không xác định được tài năng của trẻ nhỏ.
Học hành cũng là sống
Trẻ nhỏ chưa đi làm thì chỉ biết học. Việc học hành của trẻ nhỏ cũng là ‘’sống’’. Việc sống cần có niềm vui, cần có ý nghĩa. Áp lực phải mang về điểm A, điểm 10 trở thành ám ảnh của cả cha mẹ lẫn con cái và bị cuốn theo một vòng lặp không dừng. Tại sao con chỉ được 6 điểm trong khi đứa kia nó 9, 10 điểm, tại sao con học dở vậy v.v. mà quên hỏi con rằng ”con hôm nay học được gì, con đi học có vui không’’. Cái quên này chẳng khác nào cha mẹ đã quên đi cuộc sống của con mà chỉ quan tâm ”chứng nhận của người khác ban tặng cho con”. Áp lực này làm cho con cái và cha mẹ bằng mọi giá phải hoàn thành bài tập về nhà, phải lấy điểm cao trong kỳ thi, nhiều khi cha mẹ phải làm bài tập dùm con, thuê gia sư, học thêm, lo lót thầy cô, thức khuya, dậy sớm, mất ngủ v.v. bằng mọi giá phải đạt được điểm cao.
Hai mặt của việc ‘’thể hiện’’
Mặt thứ nhất là việc thể hiện thành tích (bao gồm tiền tài danh vọng và bao gồm thành tích của con cái) giúp nuôi cái tôi, cái bản ngã của từng người. Nếu làm người mà không còn cái tôi, cái bản ngã đó thì không còn là con người phàm tục. Một quy luật của nhân sinh trên đời dường như là vậy, nó chỉ có giảm đi phần nào tùy nhận thức, tri thức hiểu biết của từng người chứ nó không thể dứt. Nhiều người biết vậy mà không làm được gì với nó và nó cứ làm cho cuộc sống mệt mỏi, căng thẳng, áp lực và từ đó sinh ra khổ.
Mặt thứ hai là việc thể hiện đó, theo một nghiên cứu về tác hại của mạng xã hội thì nó vô cùng hại, vô cùng nguy hiểm.
Nghiên cứu cho thấy, khi một người, một gia đình thấy một người khác, một gia đình khác hạnh phúc hơn, thành công hơn, vui vẻ hơn họ trên mạng xã hội thì về lâu dài nó làm cho những người thấp kém hơn (người xem) càng bị đau khổ hơn vì ghen tị, vì so sánh, vì giận đời bất công, vì buồn cho số phận v.v. Nghiên cứu cũng cho thấy việc này tác hại đến trẻ nhỏ nhiều lần hơn so với người lớn vì trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức bằng người lớn. Khi trẻ nhỏ thấy trẻ khác có nhiều thứ vui, nhiều đồ chơi, nhiều chiến thắng v.v. trên mạng xã hội (bao gồm những clip quay linh tinh) thì trẻ sẽ có nhiều ‘’cái muốn’’. Những cái ‘’trẻ muốn’’ là để có bằng hoặc hơn, là để giống như những trẻ khác trên mạng, chứ hoàn toàn không biết được ”cái cần là gì, cái gì là tốt, cái gì là xấu”. Trẻ đua đòi cũng một phần từ đây mà ra. Từ tư duy đó, trẻ sẽ dần dần định hình tính cách muốn hơn, muốn bằng người khác, muốn được như người khác và sẽ bắt chước bằng mọi giá để chỉ được giống như người khác. Nguyên lý này cũng diễn giải những fan cuồng phải ăn mặc, hành xử, đi đứng v.v. giống như người mình hâm mộ và sau này trẻ sẽ tự đánh mất chính bản thân mình, tức tính cách của trẻ là tính cách của nhiều người mà trẻ xem thường xuyên trên mạng.
Sống thì phải đấu tranh?
Câu này chúng ta nghe thường hàng ngày. Nhưng tại sao phải vậy. Tại sao không ‘’sống thì phải hạnh phúc, phải có ý nghĩa’’ mà sống thì phải đấu tranh.
Làm thì phải có tham vọng, thì mới phát triển. Câu này cũng thường nghe. Nhưng phát triển cái gì mới quan trọng. Phát triển sự nhận thức, hiểu biết, phát triển trong công việc v.v. thì cuối cùng cũng để sống, sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Nếu tham vọng không tạo ra giá trị tốt hơn cho cuộc sống mình mà đi theo ảo vọng thì sẽ thành tham lam. Tham lam là cái muốn có hơn chút nữa so với cái đang có và lại thêm chút nữa, và thêm chút nữa, không có điểm dừng. Rồi một ngày khi quá trễ mình lại hỏi ”tại sao mình lại làm những cái mình đã làm, và rồi tự nói với lòng ‘’tôi ước gì…’’ khi thời gian không còn nhiều nữa…