Cả cuộc đời chúng ta là một chuỗi hành vi lặp đi, lặp lại; tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ. Chuỗi hành vi đó bao gồm cách chúng ta suy nghĩ, tư duy, cách chúng ta ăn nói, cách ta trao đổi, cách ta giao tiếp, cách ta ăn mặc, đi đứng, cách ta làm việc, cách ta nấu nướng, cách ta suy nghĩ v.v. Trong 24 tiếng mỗi ngày, những chuỗi hành vi này diễn ra liên tục, không ngừng từ lúc ta mới thức dậy cho đến lúc đi ngủ. Sau đó, thức dậy, chuỗi hành vi đó lại lặp lại một ngày nữa và cứ thế lặp đi, lặp lại. Những chuỗi hành vi này diễn ra tưởng chừng là do bản thân chúng ta quyết định, chúng ta biết mình đang làm gì nhưng thật ra phần lớn chúng diễn ra một cách tự nhiên, vô thức theo chế độ ‘’lái tự động’’. Nói cách khác, những chuỗi hành vi này là một chuỗi thói quen đã được hình thành thông qua sự lặp lại của chúng trong một khoảng thời gian nhất định. Hành động + Một tần suất lặp lại trong một khoảng thời gian = THÓI QUEN. Thói quen định hình con người. Thói quen định hình cuộc sống.
Một bức tranh mẫu của thói quen định hình cuộc sống của một cô gái sau khi ra trường, đi làm:
“Sáng 7H thức dậy, đánh răng, súc miệng, thay đồ, chạy xe lên công ty, trên đường đi ghé ngang tiệm bánh mì quen thuộc hàng ngày, mua một ổ bánh mì, đến công ty, làm thủ tục check in, ngồi góc cafe ăn bánh mì và lướt lướt điện thoại cùng 1-2 đồng nghiệp; vào công ty, lướt lướt web/email, báo cáo, họp, chit chat với đồng nghiệp/bạn bè online, lướt lướt web, điện thoại, trưa mua hộp cơm, ngồi căn tin ăn, chiều vào lại check check email, lướt lướt điện thoại, làm một vài công việc bắt buộc phải làm theo thói quen; 17.30, check out khỏi công ty, về nhà, thay đồ, ngồi mở TV lên, ngồi ăn snack, xem linh tinh, 19.30, đi bộ xuống đường, ăn một tô phở hay cơm tấm (nhiều ngày lười thì ăn mì gói, trứng chiên), trong khi ăn, lướt lướt điện thoại, lên lại nhà, mở máy tính xem các mạng xã hội, lướt lướt web, bấm bấm điện thoại…12.30-1H sáng đi ngủ, 7.00h đồng hồ reo, lại thức dậy, lặp lại một ngày mới theo cách ‘’bình mới rượu cũ’’ hay ‘’ngày mới, sống cũ’’.
Hai ba năm sau, đổi công ty làm việc với lý do ‘’không có gì mới, muốn ‘’khám phá’’ cái mới. Rồi 2-3 năm sau nữa, khi phỏng vấn một chỗ khác thì lại lặp lại câu cũ ‘’em muốn học hỏi cái mới’’. Sau 10 năm đi làm, lương tăng chút đỉnh, rồi lại lặp đi lặp lại cho đến một ngày nọ, gặp một người ‘’đúng gu’’, kết hôn…. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi 2 nhà bắt đầu tính chuyện có con cháu, nhiều câu hỏi đặt ra ở nhà nào, ở đâu, tiền đâu mua nhà, tiền đâu cho con ăn học..nhưng ở tuổi 35 không dễ để trả lời mấy câu hỏi đó như ở tuổi 25 nữa….Những câu hỏi đó không được trả lời cũng không có hành động nào giải quyết..mà cứ để như thế…..rồi cũng có con cái theo cách ‘’trời sinh voi sinh cỏ’’, thiếu tới đâu lo tới đó; nhờ người này một chút, người kia một chút, cha mẹ một chút, anh chị em một chút, đắp vá qua lại rồi cũng xong.’’
Bức tranh trên, nếu thay vào một người đàn ông thì có một số công đoạn khác một chút như là thay vì đêm đêm trà chanh, cà phê, shopping thì là ‘’lai rai bia rượu với các chiến hữu’’. Các đoạn giữa của những chuỗi hành vi thói quen cuộc sống trên có thêm vài chi tiết phụ nhưng không khác gì mấy và cũng không có gì đặc biệt. Thời gian trôi qua tuổi 40, 50, 60 bệnh, già…rồi mất’’. Giới nghiên cứu khoa học tâm linh gọi cuộc sống đó là ‘’linh hồn lạc lối – lost soul’’.
Bức tranh cuộc đời như trên khi viết lại một nhật ký thì không viết được hết 5 trang giấy vì bản chất những chuỗi hành vi thói quen đó cứ lặp đi lặp lại nên không có gì mới để viết. Một chương mới của cuốn sách nhật ký cuộc đời nên là những bài học, những thành tựu mới, những cái hay, cái dở học được trong thất bại, trong thành công; những cái chứng ngộ được kiến thức mới hay những giá trị được tạo ra và có ảnh hưởng để lại mang tính kế thừa v.v. Nếu một cuộc đời có nhiều sắc thái, nhiều thăng trầm, nhiều niềm vui nỗi buồn, nhiều ‘’chất đậm’’ thì nhật ký cuộc đời phải nên có vài chục hay vài trăm chương, chứ không phải chỉ có 3-4 chương hay đôi khi chỉ có 1, 2 chương vỏn vẹn trong vài trang A 4.
Nếu muốn có được một cuộc đời xứng đáng để có cái gì gọi là ‘’có để mà kể lại’’ thì chúng ta cần có một con đường đi. Nói cách khác là chúng ta cần tìm ra được mục đích sống. Mục đích sống không nhất thiết là những chuyện vĩ đại lớn lao mà đôi khi chỉ là chuyện rất nhỏ nhặt bình thường trước mắt như chuyện xác định phải có một gia đình ấm no, đầy đủ, con cái được học hành đàng hoàng. Sẽ không có cái lớn nếu như chưa có cái nhỏ. Sau khi có những mục đích nhỏ chúng ta có thể thêm vào những mục đích khác lớn hơn một chút và sau một thời gian cái mục đích sống đó tự nhiên lớn lên, vĩ đại hơn sau khi gom nhặt lại nhiều cái nhỏ. Cũng giống như chuỗi hành vi thói quen cuộc sống của cô gái hình mẫu kể trên, chỉ cần những thay đổi rất nhỏ thì quyển nhật ký cuộc đời của cô ấy sẽ khác đi rất nhiều. Để thay đổi thì chúng ta cần ‘’lập trình lại chuỗi hành vi thói quen’’ của mình một cách ‘’có nhận thức’’.Thay vì cả cuộc đời chúng ta chỉ phụ thuộc vào những chuỗi hành vi thói quen tiêu cực, vô nghĩa, nhàm chán thì chúng ta có thể ‘’tái lập trình’’ những chuỗi hành vi đó theo hướng hoàn toàn ngược lại, theo cách tốt nhất mà mình muốn. Cái gì cũng cái có bắt đầu; hãy bắt đầu từ cái nhỏ nhất vì cái nhỏ nhất chưa bao giờ trễ để bắt đầu!