Sáu năm trước tôi mua một căn nhà ở hàng xóm. Bà chủ bán giá 8 tỷ, rẻ hơn thị trường gần 40%. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, tôi đã kiểm tra pháp lý rất kỹ.
Sổ hồng bị mất, có giấy mất. Kiểm tra pháp lý trên phường không có tranh chấp. Có hợp đồng cho tặng từ người mẹ, có công chứng. Có giấy xác nhận tòa án người bán là đứa con duy nhất thừa kế tài sản này v.v.
Đặt cọc 350 triệu, đợi trích lục sổ hồng xong công chứng.
Vài ngày sau, hàng xóm biết việc tôi mua nhà, ai cũng xì xào bàn tán. Và kết luận sự việc là bà già (người mẹ) có một người con riêng. Sau khi biết tâm tánh người con nuôi của mình, bà già đã dùng chút sức lực cuối cùng lúc còn tỉnh táo để làm di chúc, sang tên cho người con này, có công chứng, có người làm chứng. Sổ là do người con riêng này giữ. Sổ không có mất.
Một thời gian sau, người con riêng nhờ các cơ quan chức năng xuống cưỡng chế, đuổi bà kia ra khỏi nhà, lấy lại nhà. Bà kia dĩ nhiên thành vô gia cư, tôi mất trắng tiền cọc.
Sự thất bại này cũng như những lần thất bại khác, dạy cho tôi nhiều bài học. Bài học rất quan trọng là sự ngạo mạn của tri thức.
Khi mình cho rằng mình giỏi, mình đủ hiểu biết, mình có kiến thức thì mình sẽ không có tư duy muốn tìm hiểu thêm, không lấy thêm dữ kiện cần thiết (fact) trước khi đưa ra quyết định.
Bài học thứ hai là làm sao để biết được cái mình biết là đúng sự thật và đủ để đưa ra kết luận! Tất cả những gì mình cho rằng mình biết chỉ là một số thông tin mình được dung nạp và vài kinh nghiệm mình có trong quá khứ. Nó chỉ có bấy nhiêu đó và mình cứ dùng đi dùng lại nhiều lần.
Nếu như lúc nào mình cũng ở tâm thế ‘’tôi không biết’’ thì mình sẽ làm mọi cách để có thêm kiến thức, thông tin, dự kiện về sự việc ấy. Như sự việc ở trên, nếu tôi cho rằng mình không biết thì tôi đã hỏi thêm, điều tra thêm, ít ra chỉ cần hỏi hàng xóm thì cũng ra được một vài thông tin hữu ích.
Sự ngạo mạn của cái tôi là kẻ thù luôn luôn tồn tại bên trong mỗi người, trong đó ngạo mạn tri thức là rất nguy hiểm.
Hãy luôn cho mình không biết gì, để cái gì mình cũng có thể biết.