Một vị giáo sư tiến sĩ có nuôi hai con vẹt. Ông ấy dạy chúng rất nhiều thứ như lịch sử, chính trị, toán học, vật lý học, kinh tế, âm nhạc v.v. Một thời gian sau, giáo sư bị tai nạn qua đời. Không ai muốn nuôi hai con vẹt vì nó quá khó tính, cái gì nó cũng nói, cái gì nó cũng cải, cũng tranh luận lại những người chủ mới, ngay cả lúc ăn nó cũng bắt chủ mới phải cho nó ăn kiểu Pháp như người chủ cũ. Phiền phức quá, người ta quyết định thả chúng về thiên nhiên.
Sau vài ngày ở ngoài thiên nhiên hoang dã, một buổi chiều tối có một con vẹt hoang bay đến đậu kế bên. Hai con vẹt khoe khoang kiến thức mình biết được và hát cho con vẹt hoang dã nghe. Con vẹt hoang dã nghe mà trầm trồ thán phục. Một lát sau con vẹt hoang đánh hơi biết được có con mèo hoang đang rình rập dưới gốc cây. Con vẹt hoang hỏi với giọng hối hả và lo sợ ‘’hai bạn biết cách bay không?’’ Hai con vẹt tự hào trả lời ‘’Dĩ nhiên là biết. Nó đơn giản lắm. Áp suất phía dưới cánh lớn hơn áp suất phía trên của cánh nên việc này tạo cơ chế cho chúng ta có thể bay…’’ ‘’Không không không.. ý tôi không phải là lý thuyết về bay mà ý tôi hỏi là hai bạn có thể bay không?’’ Hai con vẹt khựng lại rồi đáp ‘’Ờ….không….nhưng mà…nhưng mà chuyện nhỏ nhặt đó không có gì quan trọng’’. Con vẹt hoang nhanh chóng giang đôi cánh bay xa khỏi cành cây và quay lại nói ‘’Hai bạn thật sự học rất nhiều thứ mà tôi không biết, nhưng cái cần biết thì hai bạn lại không biết, chúc may mắn !’’
Chúng ta đang sống trong một thế giới bị phủ lắp bởi thông tin nhiều không thể tả. Thông tin, kiến thức là cần thiết để làm việc và để sống. Tuy nhiên, có quá nhiều thông tin nó hoàn toàn không cần thiết cho công việc và cho cuộc sống của mình. Mình càng hấp thụ những thông tin đó thì con người lại càng tiêu cực, càng hoang mang, càng lo lắng và càng mệt mỏi.
Chúng ta không cần biết ông A, bà B trong giới chính trị, giới nổi tiếng họ đang sống như nào vì họ sống như thế nào không liên quan đến cái gia đình mình. Chúng ta không cần biết thế giới sẽ ra làm sao vì việc đó chúng ta không thể làm gì được để thay đổi. Cái chúng ta chỉ có thể làm và thay đổi là những việc nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày của mình và thay đổi chính bản thân mình. Chúng ta không cần biết quá nhiều thứ mà chỉ cần tập trung và biết đủ những cái cần biết để giúp cho công việc, giúp cho đời sống mình được vui vẻ hạnh phúc hơn. Như vậy thì câu hỏi chúng ta cần tự hỏi là loại thông tin, kiến thức nào phục vụ tốt hơn cho công việc. Loại thông tin, kiến thức nào giúp mình sống an vui, hạnh phúc hơn, còn những cái còn lại đa phần là những cái vô nghĩa, không cần thiết.
Trong khoảng 100 năm qua có quá nhiều sự tiến bộ, phát triển không ai ngờ tới, nhưng có những cái rất quan trọng cần thay đổi tốt hơn thì lại không được thay đổi.
Dường như y tế phát triển nhưng chỉ số người chết vì bệnh nan y, ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim lại tăng. Dường như số người giàu có tăng nhưng chỉ số hạnh phúc cuộc sống lại giảm. Dường như giao thông phương tiện đi lại phát triển nhiều nhưng con người lại giảm sự kết nối thật sự với nhau trong sống hàng ngày. Dường như số người nổi tiếng ngày càng nhiều, mức sống ngày càng cao nhưng tỉ lệ trầm cảm, tự sát lại tăng cao chưa từng có. Dường như ai cũng có điện thoại thông minh nhưng cuộc sống không được thông minh hơn mà lại giảm dần thời gian để sống thực sự bên ngoài. Dường như sự tranh luận, chỉ trích, phê phán nhau ngày càng nhiều mà nụ cười thì ngày càng ít lại. Dường như mâm cơm gia đình không còn không khí ấm áp như ngày xưa vì ai cũng bận bịu với cái điện thoại trên tay. Dường như càng hiện đại thì con người càng làm nhiều hơn, ngủ ít hơn, bệnh nhiều hơn.
”Hãy dành chút thời gian để tự hỏi, để biết rằng mình đang sống ra sao. Hãy dành chút thời gian để nghỉ, để biết rằng mình mệt mỏi chừng nào.”