Có một câu chuyện về thiện nguyện, tấm lòng bao la của con người mà tôi muốn chia sẻ, hy vọng có thể lan toả được phần nào cái phần ‘thiện’ trong mỗi chúng ta.
Cậu chuyện này đã lâu, cứ tự hứa là sẽ phải viết nhưng đã nhiều lần lỡ hẹn vì cứ nghĩ nó không quan trọng và không gấp. Tuy nhiên, nếu nhìn về giá trị của nó thì việc này lại rất quan trọng trong giá trị cuộc sống. Còn có gấp hay không thì còn tùy. Đời vô thường, làm gì được hôm nay cứ làm, biết đâu mai mốt không còn cơ hội để làm.
Câu chuyện này đang diễn ra và là của gia đình tôi.
Năm vừa rồi, khi đón ba mẹ từ Vĩnh Long lên HCM thì coi như không còn quê nữa để về. Niềm vui thì có vì cha mẹ được đoàn tụ cùng con cháu, thăm nom chăm sóc cho gần. Nhưng có cái khó là cha mẹ mất đi một cộng đồng của người già, những đồng đạo, những người thân quen…họ phải bắt đầu lại từ đầu để có một cuộc sống bình thường. Cha mẹ tôi dưới quê nhiều năm qua công việc chính hàng ngày vẫn là các công việc từ thiện, đi làm cái này cái nọ hỗ trợ người nghèo, người già neo đơn v.v.
Để cho họ có một cộng đồng mới, tôi tìm kiếm những chỗ mà họ có thể sinh hoạt, chia sẻ. Một trong việc đó là phải có một trung tâm phật giáo Hòa Hảo để họ trao đổi với nhau về đạo và cùng nhau làm từ thiện, vốn là những công việc cha mẹ đã làm mấy chục năm nay dưới quê.
Tìm được vài trụ sở phật giáo Hòa Hảo trong thành phố, nhưng hình như cha mẹ không vui, thiếu thiếu cái gì đó. Cuối cùng, tôi tìm được một giáo hội phật giáo Hòa Hảo ở bên Nhơn Trạch, Đồng Nai. Nếu đi từ quận 2, qua phà, đi vào tới nơi cũng mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Ban đầu tôi cứ nghĩ đây chỉ là 1 trong những giáo hội phật giáo Hòa Hảo bình thường, vốn chỉ là nơi các đồng đạo đến để cùng trao đổi đạo pháp và cúng kiếng cho đúng lễ nghi trong đạo. Không ngờ, khi đến nơi thì hoàn toàn khác.
Miến đất rộng khoảng 5000 m2, chia làm nhiều khu. Một khu là để thờ phượng, cúng kiếng, một khu được bố trí như một trung tâm dưỡng lão, có nhiều phòng, một khu vực nấu ăn, một cái vườn trồng rau, một khu nghỉ trưa có nhiều cái võng, và vài cái nhà lá.
Khi cha mẹ hỏi cô Hồng, người chủ vận hành cả trung tâm này, thì mới ngở ngàng.
Cô Hồng, khoảng hơn 50 tuổi, một người bình dị, nhẹ nhàng, từ tốn, ít nói mà nói câu nào cũng kèm theo chữ ‘dạ’, ‘thưa’. Đây là miếng đất mà Cô Hồng phải đánh đổi mấy chục công ruộng để đổi lấy xây thành trung tâm phật giáo và dưỡng lão. Nói dưỡng lão cho oai chứ câu chuyện là như thế này.
5-6 năm trước cô Hồng xin phép nhà nước để được cấp giấy phép là chỗ để thờ cúng như một chi nhánh của giáo hội phật giáo Hòa Hảo vì cô thấy người dân ở khu này không ai biết ăn chay niệm phật, không biết tội phước là gì. Ban đầu gia đình ai cũng phản đối, không ai đồng ý vì tốn kém rất nhiều mà không được gì. Dần dần, gia đình cũng để cô Hồng làm. Do một nhân duyên nào đó, có những người tha hương cầu thực, già, bán vé số, không nơi nương tựa, cô Hồng đem về nuôi. Ban đầu là một người, sau đó 2 người, 3 người, 4 người….. và bây giờ hơn 80 người và đủ loại, bại liệt có, con cái bỏ bê không nơi nương tựa cũng có, người bị đột quỵ cũng có, trẻ em bị bệnh Đao cũng có, học sinh nghèo mồ côi cũng có…
Khi số lượng đông, nhà nước bắt phải có giấy phép thì mới cho phép nuôi. Cô lại chạy lên chạy xuống Huyện bao nhiêu lần, phải đủ tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, PCCC v.v. thì mới cấp phép như một trung tâm dưỡng lão. Vậy mà cô cũng xin được giấy phép. Vấn đề ở đây là tiền đâu ra để làm như vậy hay là cô làm có mục đích trục lợi gì.
Khi chở cha mẹ tôi qua thăm lần 2, lần 3 ủng hộ tiền, gạo, mì v.v. thì dần dần mới có thêm thông tin từ nhiều người xung quanh và từ cô.
Về nhân sự, không biết làm sao mà cô thuyết phục được chồng, con, anh em, rồi anh em rễ, em chị dâu đều tham gia như một đội hình tự phát. Ai cũng phát tâm ăn chay, học phật pháp dù không tu như các vị sư trong chùa. Mỗi người một việc. Sáng 4H sáng phải thức dậy, thay tả cho các cụ, làm vệ sinh phòng, tắm rửa cho các cụ, sau đó cho các cụ ăn sáng rồi ra bàn thờ niệm phật. Cứ thế một ngày làm mấy lần: vệ sinh dọn dẹp, đúc các cụ ăn, vệ sinh, tắm rửa … Cụ nào còn khỏe thì giúp cụ yếu, bị liệt. Hơn 50% các cụ trong tổng số 80 cụ là không thể đi lại được, phải ẩm bồng.
Khi những người xung quanh biết được, họ cũng tình nguyện đến phụ giúp. Người sửa nhà, người sửa ống nước, người trồng rau, nấu cơm v.v.
Ban đầu, cô Hồng tự chi tất cả chi phí, bán đất dần dần, bây giờ cũng không còn gì để bán. Về sau công ty tả thì cung cấp tả miễn phí, công ty mì gói cũng cho mì, ai có cái gì cho cái đó. Các cụ có cả một hệ thống lọc nước đến từng phòng để uổng cũng nhờ công ty bán thiết bị lọc nước tặng. Cả khu trung tâm là sự lắp vá của nhiều thứ gom lại mà thành hình hài một cách kì cục. Nếu để ý kĩ thì thấy rõ là nền được lót từ nhiều loại gạch khác nhau, được nhiều người cho nên không đồng bộ, vậy mà cả trung tâm gọn gàng sạch sẻ, không có một chút mùi hôi.
Mỗi năm đều có một vài cụ ra đi vĩnh viễn. Cô Hồng đi mua quan tài nhiều đến mức chủ trại hòm hỏi tại sao mua quan tài hoài vậy. Cô kể đầu đuôi thế rồi chủ trại hòm bây giờ tặng luôn quan tài miễn phí, để sẵn đó mấy cái và làm miễn phí dịch vụ mai táng khi có cụ nào mất. Có một người gần đó có chiếc xe tải cũ, tặng luôn chiếc xe tải miễn phí để chở các cụ đi bệnh viện hay đi mua đồ khi cần. Tài xế xe là anh lái xe hàng xóm cũng tình nguyện, lúc nào cần cứ gọi là có.
Có một cậu bác sĩ trẻ, quê ở đâu đó miền tây. Chủ nhật hàng tuần là ở đó để khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho các cụ. Có nhiều cậu sinh viên nghèo, xa quê, ở trọ gần đó, sáng nào 5h sáng cụng chạy qua phụ giúp rồi mới đi học.
Thỉnh thoảng có các đoàn thiện nguyện tình nguyện của các em sinh viên ghé thăm, đúc các cụ ăn, làm vài tiếc mục văn nghệ cây nhà lá vườn để giúp vui cho các cụ. Trong lễ vu lan báo hiếu vừa rồi, tôi cùng cha mẹ qua Xã phú Hữu để phát quà cho học sinh nghèo, tiện đó ghé thăm trung tâm và cô Hồng. Tình cờ, có một nhóm thiện nguyện đang làm chương trình văn nghệ vu lan báo hiếu cho các cụ vui. Các cụ ngồi ghế, xe lăn ngay ngắn, người bị bại liệt thì nằm xem văn nghệ. Khi các em sinh viên múa và hát bài Lạy phật quan Âm:
Dưới tòa sen vàng, con quỳ lạy Bồ Tát Quan Âm …
Người đã cho con… niềm tin yêu giữa cuộc đời
Quan Âm Bồ Tát hiệu viên thông
Mười hai nguyện lớn rộng mênh mông
Cứu giúp bao người qua cơn khổ nạn từ bi độ đời …
thì tự nhiên bao nhiêu cụ òa khóc như một đứa trẻ, nước mắt dàn dụa…
Lúc đó trong lòng tôi suy nghĩ bao điều. Một kiếp người, một cuộc đời cuối cùng cũng là đây, còn gì và bao lâu nữa. Người thì bệnh sắp chết, người thì bị con cái bỏ rơi, người thì nghèo và khổ cả một đời, rồi cũng sắp chết. Trong khi đó thì lại có những vị bồ tát như cô Hồng, hy sinh cả gia đình của mình, cả tài sản của mình chỉ để lo cho người dưng nước lã. Cô chưa bao giờ đi xin quyên góp tiền hay xin bất kỳ một mạnh thường quân nào. Ngày lễ chính của đạo cô lại không nhận bất kỳ tiền hay vật phẩm cúng vườn nào. Cả gia đình chỉ ăn chay,rau tàu hủ, nước tương, cũng phải thức khuya dậy sớm tần tảo nuôi hơn 80 cụ già, bao nhiêu dơ bẫn không màn. Nhiều gia đình chỉ có một mẹ, một cha còn lo không được, phải thuê người làm chứ đừng nói là chăm lo cho người dưng.
Mấy chục năm qua cha mẹ tôi làm từ thiện rất nhiều, từ cái nhỏ đến cái lớn, làm từ khi minh còn nghèo chứ không đợi lúc khá dã rồi mới làm. Sau này công ty tôi cũng làm nhiều công việc thiện nguyện, cứ nghĩ mình nghĩa cả lắm. Khi gặp cô Hồng rồi thì thấy mình quá nhỏ bé. Nhỏ bé so với một bà cô nông dân chân lấm tay bùn, ngay cả có chi bạc tỉ đồng ra làm từ thiện cũng không bằng sự hy sinh cuộc đời của cô này cho một niềm tin, một ý chí mà cô đang làm một cách vô điều kiện.
Lần chở ba má qua thăm cô và trung tâm mới đây thì còn biết thêm không chỉ lo cho mấy chục cụ ở đây thôi mà còn nấu cơm từ thiện cho cà ngàn người mỗi ngày chở đến các bệnh viện, các chợ có người nghèo….Ngoài cổng của trung tâm đề tấm bản “cơm chay miễn phí cho học sinh người nghèo” ai đói, nghèo cứ vào ăn.
Có lẽ bây giờ được nhiều người hỗ trợ thêm bằng vật chất, cô muốn làm thêm nữa. Cô đang xin phép xây dựng để dời về chỗ lớn hơn, có thêm chỗ để nhận được thêm nhiều người nữa….
Tôi tự hỏi, hàng ngày mình làm kế hoạch để phát triển kinh doanh, phát tiển công ty, trong khi cô Hồng đang lên kế hoạch để phát triển lòng từ bi, phát triển vòng tay nhân ái đó đến nhiều người hơn nữa mỗi ngày….vậy ai vĩ đại hơn, ai thành công hơn ai, ai hạnh phúc hơn ai?
Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho những tấm lòng như vậy, từ đâu ra, sao họ làm được và tại sao? Có lẽ Phật, Chúa trời v.v. không còn hiện thân thành một người phật, một vị chúa như ngày xưa nữa vì một vị không giúp được nhiều người nên các ngài đang hóa thân thành hàng trăm, hàng ngàn người như Cô Hồng?
Chúng ta hãy cùng nhau lấy câu chuyện này để gợi nhắc chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Xung quanh mình, dù mình không thấy, nhưng còn biết bao con người nghèo, khổ cần giúp đỡ. Một bữa tiệc của chúng ta có thể cứu một mạng người.
Có bao nhiêu điều xấu xa xảy ra hàng ngày, nhưng cũng có biết bao nhiêu tấm lòng thánh thiện đang lan tỏa hàng ngày ở nhiều nơi mà mình không biết. Hãy tin vào điều tốt và làm điều tốt. Đến đây mới nhớ câu ba tôi thường nhắc nhở ‘một việc thiện nhỏ ta không bỏ, một cái xấu nhỏ cũng không làm’
Bài viết đã dài, đêm đã khuya nhưng vẫn chưa hết những gì tôi muốn nói…Một tâm trạng khó tả, một niềm hân hoan, một niềm vui, một chút buồn…cho đời, cho kiếp con người.
[xin đừng chê lỗi chính tả, cố gắng cải thiện hoài nhưng chưa xong :)]