Cuối tuần rồi tôi có chở ba mẹ đi qua khu người già neo đơn, cũng là chỗ đạo tràng bên đạo Phật, chỗ mà câu chuyện cô Hồng tôi kể trước đây, để cho ba mẹ dự lễ bên đạo phật giáo Hòa Hảo và cũng để phát học bổng cho các học sinh nghèo. Vì ba tôi bị liệt nên di chuyển cũng có phần khó khăn, lại sợ kẹt phà nên phải đi sớm để kịp giờ làm lễ cho ba mẹ. VÌ vậy tôi phải thức dậy lúc 4.40 sáng chuẩn bị vào quận 9 chở ba mẹ đi trong khi đêm trước đó có đối tác bên Mỹ qua nên phải tiếp họ, cũng dây dưa đến 12H khuya mới ngủ. Ngủ không đủ nên dĩ nhiên người mệt mỏi, buồn ngủ…. Khi ngồi trên xe, tôi nhớ lại thời ngày xưa khi còn dưới quê, 360 ngày một năm đều như nhau, phải thức dậy lúc 3.30 sáng để làm tàu hủ… cũng phải đến 11.30-12.00 khuya mới được ngủ, không ngày nào được ngủ đủ, mười mấy năm trời…. Cái thiếu ngủ lúc đó nó khổ làm sao.
Bây giờ, tôi thấy nhiều người vẫn khổ như vậy, vẫn thiếu ngủ. Nhiều gia đình để con cái mình học hoặc chơi game đến khuya mới ngủ, sáng thức dậy mệt mỏi, uể oải, tụi nhỏ ngủ không đủ, ngủ gật trên xe đến trường… thấy khổ làm sao. Ngày xưa tôi đi bán vé số, bán bả đậu, làm tàu hủ cũng suốt ngày đêm, khổ làm sao, bây giờ tôi thấy tụi nhỏ cũng khổ vậy, học từ sáng tới tối, không có ngày cuối tuần, thấy tụi nhỏ cũng khổ không kém.
Người lớn thì bây giờ cũng thức khuya, nhưng thức khuya không phải để làm lụng vất vả mà để lướt web, làm cái này cái nọ mà không ai bắt buộc phải thức khuya, cũng không ngủ sớm. Rồi lại bị bệnh ngủ không được phải thức dậy giữa chừng, sáng thiếu ngủ, mệt mỏi, cũng khổ làm sao.
Có 1 điều trái ngược ở đây. Lấy cái khổ như trên để làm ví dụ. Có cái khổ bị bắt buộc phải khổ. Vì cơm áo gạo tiền, lo chén cơm manh áo, nhiều người phải lam lủ thức khuya dậy sớm, họ xem đó là khổ. Nhiều người cũng thức khuya dậy sớm bây giờ nhưng không xem đó là khổ (vì không ai bắt buộc họ khổ như vậy) mặc dù cũng khổ không kém. Chúng ta tự làm khổ mình và trong vô thức mình không xem đó là khổ vì việc làm đó tự nguyện. Nhưng cả 2 cái khổ không khác nhau nhiều lắm, chỉ khác hình thức.
Chúng ta lấy thêm những ví dụ khác:
– Khi gia đình không khá giả như bao nhiêu người khác, chúng ta thấy khổ vì thiếu thốn. Bây giờ, khi đầy đủ, nhưng vẫn bị người khác chê cười, xem thường vì không giàu bằng họ v.v., ta cũng thấy khó chịu, không hài lòng, luôn tìm cách này cách nọ để được hơn nữa, giàu hơn nữa, phải có cái này, cái nọ để khoe khoang, để người ta nể mình, khen mình, tâm lúc nào cũng không được vui.
– Ngày xưa chưa có chức cao danh vọng, bị người khác ăn hiếp, chèn ép, ta thấy khổ. Bây giờ khi cũng có danh phận rồi thì cũng còn bị người khác sỉ nhục, xúc phạm, không coi trọng mình hoặc chỉ trích mình, chúng ta thấy giận giữ, buồn bực, không vui v.v.
Tuy nhiên, cái khổ của hiện tại trong điều kiện trên không thể hiện ra bên ngoài như hoàn cảnh trước (khi nghèo, khi không có chức phận). Cái khổ này chỉ ẩn mình dưới một dạng khác và thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức khác. Ví dụ như ngày xưa thức khuya dậy sớm vì phải làm kiếm tiền để mưu sinh thì cái khổ được thể hiện bằng những lời than van vì làm lụng khổ cực. Còn thức khuya dậy sớm bây giờ do mình tự làm, không ai ép, nên không than van nữa mà khổ một cách gián tiếp. Do thiếu ngủ nên người thường mệt mỏi, giận dữ, cao có và qua thời gian mang đến bệnh nhiều vì sức khỏe không tốt. Cái khổ này mình không dễ nhận ra vì nó không thể hiện ra bên ngoài một cách trực diện mà gián tiếp. Ngày xưa khi nghèo khó thì không có đủ ăn, thiếu thốn vật chất, ta thấy khổ nên than van là khổ quá. Khi giàu có, dĩ nhiên không than van nữa. Nhưng khi mất đi kèo này, làm thất bại kèo kia, việc kiếm tiền, kinh doanh không theo như ý mình, làm mất tiền, bị người khác qua mặt mình, cảm thấy thua người ta v.v. ta trở nên buồn bực, quạo quọ, không vui. Nhưng cái khổ này chúng ta không than van, không xem là khổ. Trẻ em dưới quê không học hành đầy đủ vì nghèo, cha mẹ thấy khổ. Bây giờ, cha mẹ phải cạnh tranh sao cho con mình hơn con người ta, phải học giỏi hơn con hàng xóm, phải vào được trường điểm, trường chuyên, phải nổi tiếng, phải luôn luôn có điểm 10, điểm A v.v. Khi con mình không được như mình muốn thì mình giận dữ, la mắng, chửi bới con cái, lo âu, cãi vã trong gia đình…cũng khổ không kém so với cha mẹ không có tiền cho con ăn học. Đứa con nghèo dưới quê khổ vì thiếu học. Đứa con nhà giàu khá giả cũng bị làm khổ theo vì phải học quá nhiều, không đạt kỳ vọng cha mẹ….rồi tự giận.
Vậy điều này có ý nghĩa gì? Tôi rút ra thêm nguyên lý này khi đọc cuốn sách “the art of thinking clearly”. Khi suy nghĩ, nhìn nhận một vấn đề để chúng ta đánh giá, phát xét, để quyết định, để hành động, để làm việc, để cư xử, để sống… chúng ta thường suy nghĩ và nhìn chính diện, giống như chỉ nhìn được 1-2 mặt của chiều không gian, trong khi có rất nhiều chiều không gian khác mà mình không thấy. Vô tình chúng ta suy nghĩ như vậy trong vô thức và dẫn đến suy nghĩ của chúng ta thường không đủ sâu sắc để nhìn nhận một vấn đề thấu đáo. Khi nhìn nhận vấn đề thấu đáo chúng ta sẽ suy nghĩ, làm và sống khác đi. Chúng ta kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình, chúng ta sáng suốt hơn và tâm mở rộng hơn để nhìn nhận vạn vật. Ví dụ cụ thể như các vấn đề tôi nêu trên. Nếu chúng ta nhìn nhận được thì ít ra chúng ta sẽ không tự làm khổ cho mình, không tự đem đến cái khổ cho con mình, cho bản thân mình và dĩ nhiên cũng sẽ né được sự vô tình làm khổ người khác xung quanh mình. Đạt được sự thông suốt này, chúng ta cũng sẽ giảm đi sân hận, sân xi và cũng mở ra lòng trắc ẩn với những người xung quanh. Từ đó chúng ta sẽ tập được cho mình sự tha thứ, khoan dung, biết buông bỏ và dĩ nhiên tâm sẽ an vui hơn, cuộc sống sẽ vui vẻ hơn, ý nghĩa hơn và hạnh phúc hơn.
Hy vọng sự chia sẻ mang tính cá nhân & chủ quan này phần nào hữu ích cho những ai đọc được. Chân thành!