Đầu năm 2013, trong một lần về Vĩnh Long thăm ba mẹ, anh Trần Văn Tỉnh (Tony Tỉnh) (Sáng lập viên IMM Group) có dịp chứng kiến một câu chuyện thương tâm mà mỗi lần nhắc lại anh đều không kìm lòng được.
Trong lúc đang cơm trưa, một người quen trong nhóm làm từ thiện của gia đình anh Tỉnh đến báo tin có một phụ nữ đang bị bỏ rơi gần cầu vượt Cần Thơ. Chị này là người nơi khác di cư đến đây tìm kế sinh nhai, hai mẹ con đi làm mướn, phụ việc sống qua ngày. Ở tuổi 35, chị không may mắc phải “căn bệnh thế kỷ” nên những người quanh khu nhà trọ vốn đã xa lánh nay lại càng lãnh đạm hơn. Vì không còn tiền chi trả nên bệnh viện trả chị về. Đến nơi thì chủ nhà trọ cũng vứt đồ của chị ra đường, không cho thuê nữa. Xe của bệnh viện không biết trả chị về đâu nên đành bỏ hai mẹ con dưới gầm cầu vượt Cần Thơ.
Hay tin, anh Tỉnh liền lái xe đến giúp đỡ người phụ nữ tội nghiệp này. Đến nơi, anh thấy người mẹ đã bất tỉnh, còn đứa con mới hơn 10 tuổi không biết gì, chỉ biết ôm mẹ khóc. Người dân đã đứng đầy xung quanh nhưng không ai dám lại gần. Công an xã cũng đứng gần đó “thủ sẵn” phòng trường hợp chị này chết thì còn biết báo cáo. Nước lên cao vì lũ đang vào mùa, mưa lất phất càng khiến khung cảnh thêm thê lương, ảm đạm. Lúc xe của gia đình anh Tỉnh đến nơi, nhiều người bắt đầu xì xào bàn tán: “Không biết bà này là ai mà có xe hơi đến đón, đúng là tu ba kiếp mới được vậy”.
Anh Tỉnh cùng một người cô trong hội từ thiện chia nhau ẵm chị cùng mớ đồ đạc đã cũ rách lên xe. Lúc ấy anh Tỉnh chỉ có một suy nghĩ, không thể để người ta bơ vơ dưới gầm cầu như vậy, có chết cũng phải được chết đàng hoàng. Nghĩa tử là nghĩa tận, dù quá khứ người ta có thế nào đi nữa thì bây giờ họ cũng đã trả hết. Ba anh Tỉnh nói vậy và tức tốc đưa chị về nhà. Vì nhà anh Tỉnh không còn nhiều chỗ trống và bản thân ba anh Tỉnh cũng bị liệt, đi lại khó khăn nên không thể ở chung nhà với chị. Gia đình anh bàn với hàng xóm kế bên, xây tạm một căn lều ở khu đất trống phía sau cho mẹ con chị che mưa, che nắng. Hôm sau, ba mẹ anh Tỉnh làm việc với chính quyền địa phương để đăng ký tạm trú cho chị và để có giấy tờ lo hậu sự nếu chẳng may chị qua đời sau này. Anh cũng giúp đứa con của chị được ở lại phụ việc trong nhà hàng xóm và mọi người sẽ cùng lo cho nó được đi học, đi làm sau này.
Một thời gian sau, Hội Chữ thập đỏ cũng biết tin và đưa chị vào trại tập trung cho người mắc bệnh AIDS để chăm sóc, điều trị theo chính sách của tỉnh Vĩnh Long. Không lâu sau, chị qua đời trong vòng tay của các cán bộ ở trại tập trung, những người đã hết lòng quan tâm chị trong những năm tháng cuối đời.
Giúp người, làm từ thiện không cần đến tổ chức, không cần chuẩn bị trước mà chỉ cần có cái tâm và tấm lòng là đủ. Lòng từ bi và nhân ái giữa người với người là thứ không thể đo đếm bằng vật chất hay hình thức nào cả, bởi “tâm” là vô lượng.