Tuần trước tôi có bàn với ba mẹ việc khám bệnh và cho thuốc đều đặn cho hơn 30 hộ cụ già, nghèo, neo đơn ở phường Trường Thạnh, Quận 9. Đây là nhóm hộ nghèo khó khăn mà gia đình tôi trợ cấp hàng tháng để họ sống qua ngày. Khi ba mẹ bắt đầu lên sài gòn 3 năm trước, bắt đầu làm công việc thiện nguyện lại từ đầu [vì mới lên chưa biết ai, không có cộng đồng để làm chung…] thì mới phát hiện ra rằng ngay cả trong đất sài gòn phồn hoa đô thị như thế này, số người nghèo khó còn nghèo khó hơn dưới quê. Những căn nhà lụp xụp như cái chòi vịt đầy trong các hẻm, trong khu ruộng xa xôi của quận 9. Việc này cũng tạo thêm động lực cho ba mẹ rằng ở đâu cũng có người nghèo khổ để giúp, không nhất thiết phải ớ dưới quê.
Dưới quê, ra đồng còn bắt cá, hái rau, sống qua ngày chứ ở SGN thì càng khó hơn, không phải chỗ nào cũng bắt cá, hái rau ăn được.
Khi tôi động viên vài nhóm bác sỹ để làm việc khám bệnh, cho thuốc thường xuyên cho nhóm 30 cụ này thì họ nói:
– Phải xin phép quận
– Phải xin phép sở y tế
– Phải tổ chức, công bố và tập trung làm một chỗ nào đó mà quận cho phép v.v. và v.v.
Rồi một nhóm bác sỹ khác thì muốn làm nhanh, gọn, đỡ mất thời gian, lên báo, lên đài lung tung, gom lại đi xa xa đông…vui.
Tôi mới nói với ba má nếu mình làm như vậy, thì chưa biết khi nào xin được phép, chưa làm được gì thì có thể một vài cụ đã mất rồi. Người ta già, bệnh, nghèo mà còn phải tự đi đến nơi, tụ tập, chờ đợi, chầu trực có khi còn mệt, bệnh hơn. Cách làm truyền thống như thế này là tập trung mấy trăm cụ lại, khám 5-7 phút, cho người vài viên thuốc rồi về…., coi như xong……các đoàn khám bệnh như thế này làm phong trào, đi tỉnh này tỉnh nọ làm, tức mỗi cụ được khám 5-7 phút 1 lần trong đời, cho vài viên thuốc.
Tôi tự hỏi trong lòng, vậy ý nghĩa của việc này là gì? Việc thiện nguyện đòi hỏi sự hy sinh nhất định, còn mình làm, mình cho những cái thừa thải của mình, hoặc làm cho có hình thức, cho vui thì có ý nghĩa gì không.
Bao nhiêu công trình nghiên cứu y khoa của các đại học lớn như Harward, Standford v.v. cho thấy:
– Một cộng đồng có sự quan tâm lẫn nhau, tuổi thọ trung bình tăng hơn nhiều
– Một gia đình, một người được người khác quan tâm, yêu thương chăm sóc thì ít bệnh hơn và tuổi thọ sống lâu hơn
– Một niềm tin tuyệt đối để muốn hết bệnh, niềm vui tin thần có thể tự chữa lành nhiều bệnh
Vậy việc khám bệnh và cho thuốc các cụ không phải mục đích là chữa hết bệnh, càng không phải để các cụ sống lâu nhiều hơn, việc đó khó….nhưng cái ý nghĩa có lẽ ẩn chứa ở việc hành động mang tính quan tâm, chăm sóc, thương yêu này làm cho các cụ phần nào an ủi tuổi già neo đơn, từ đó cảm thấy được cuộc đời không quá bạc bẽo, các cụ sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn, giảm đi cái đau của bệnh, từ đó thay vì ‘chịu đau khổ trong cái chết dần dần của bệnh tật thì các cụ có thể ‘trải nghiệm cái chết trong nhẹ nhàng, thanh thản hơn nhờ vào những tấm lòng yêu thương chia sẻ. Để được như vậy, thì hành động thiện nguyện này phải xuất phát từ tâm, từ tình thương thật sự, thể hiện được sự quan tâm chân thành. Một cụ nghèo, già, bệnh, đơn chiếc mà có bác sỹ hàng tháng ghé thăm, khám, an ủi, động viên thì niềm vui đó còn gì bằng, khỏi cần thuốc cũng thấy giảm đau nhiều rồi. Một ngày nào đó, các cụ ra đi, sẽ có nụ cười, tên con cái không nhắc đến trước khi mất mà nhắc đến tên bác sỹ A, bác sỹ B…lúc đó công đức bao la của y đức sẽ giảm đi nỗi đau của bao nhiêu thống khổ thế gian…
Em xin cảm ơn Bác Sỹ Chu Dinhkhac và Bác Sỹ Thuy Le đồng hành cùng em trong cách làm này.
Trần Văn Tỉnh (Tony Tỉnh)