Đêm qua ngồi với nhóm bạn già, một người bạn kể về chuyện đau lòng của một người bạn khác rằng ”thằng Nghĩa nó chính trực, nó thẳng tính, nó tốt, nó giỏi biết bao nhiêu. Vậy mà cái cơ chế ở quê chèn ép nó, không cho nó phát triển, rồi bây giờ nó như một thằng tự kỷ, không gặp ai, không nói chuyện với ai, không giao lưu với ai nữa.” Nghĩa tốt nghiệp cử nhân luật khoảng 20 năm trước, về Bình Định để làm rạng rở mặt mày ông bà tổ tiên. Vậy mà không được gì. Ông bạn trách ”người tài không được dụng, người ngay không được quý, ngọc không được mài”, rồi ông bạn tức giận cả buổi, đổ lỗi cho cái cơ chế, cái xã hội bất công này.
Lấy câu chuyện của Nghĩa như một ví dụ điển hình của hàng triệu trường hợp khác, chúng ta hãy cùng ngẫm nghĩ :
Nghĩa đau khổ, tuyệt vọng vì lý do gì?
Cái việc bị xã hội chèn ép, bất công đối với Nghĩa là chuyện của cả hành tinh này, không chỉ riêng ở Việt nam, ở đâu cũng có, bạn cũng có, tôi cũng có. Việc Nghĩa đau khổ, tuyệt vọng dường như vì Nghĩa không đạt được cái mình muốn & Nghĩa làm ông bà cha mẹ, dòng họ thất vọng.
Vậy Nghĩa muốn gì ở cuộc đời của Nghĩa?
Có thể Nghĩa còn chưa biết mình muốn gì. Cái Nghĩa muốn có một chức vụ cao to trong nhà nước ở dưới quê có lẽ chỉ để làm hài lòng ông bà cha mẹ, để lấy uy với hàng xóm, dòng họ hai bên, nhưng đó không phải là cái Nghĩa muốn sống cuộc đời này. Nếu Nghĩa đã làm ông bà cha mẹ thất vọng thì Nghĩa sống cho ông bà cha mẹ, sống cho cái tiếng tăm của dòng họ, chứ Nghĩa không phải sống cho mình, tức đồng nghĩa với việc Nghĩa đang sống cuộc đời của người khác. Những đánh giá của hàng xóm, của dòng họ, của ông bà cha mẹ là thước đo cuộc sống của Nghĩa, tức Nghĩa không tự quyết định được cuộc đời mình, tức cuộc sống của Nghĩa bị chi phối, bị tác động, bị kiểm soát, bị định hướng bởi người khác.
Câu chuyện của Nghĩa cũng là câu chuyện của cuộc sống tranh đua thời bây giờ. Chúng ta tưởng mình sống cho mình, sống vì mình nhưng nó hoàn toàn ngược lại. Các định nghĩa, các thước đo chuẩn mực, các tiêu chuẩn mình sống đều bị tác động và kiểm soát bởi ”người dưng nước lã” (xã hội bên ngoài). Thành công thì phải như thế này, doanh nhân thành đạt là phải như thế kia, đại gia là phải như thế nọ, người nổi tiếng thì phải vầy, người có quyền hạn chức vụ thì phải làm vậy, ăn mặc như vậy mới hợp thời, mới đúng mốt, sống phải thế kia mới là sành điệu, phải giống như nhân vật A, B thì mới là đẹp…. Danh sách này còn rất dài. Ngay cả cái suy nghĩ của mình, cái trong đầu của mình, cái mình nghĩ mình cho nó là của mình, nhưng nó thực chất ngay cả ”cái suy nghĩ đó của mình cũng là của người khác”. Mình đọc tin tức, mình xem youtube, mình lướt facebook, mạng xã hội, mình ”nghe người này, người nọ” rồi mình suy nghĩ theo hướng mà những gì ”người khác đã viết ra” cho mình.
Khi mình đọc ”câu chuyện bà Hằng, ông Dũng Bình Dương” thì mình nghĩ ”người giàu là như thế đó, người có tiền như thế đó”. Khi mình đọc câu chuyện phanh phui lùm xùm về làm từ thiện của nhóm nghệ sĩ thì mình nghĩ ”người làm từ thiện là gian dối, là xấu, từ thiện như vậy là thế này, thế kia, người nổi tiếng lạm dụng thế này, thế nọ”. Khi mình đọc, nghe những cái trên mạng, hay nghe bạn bè kể về cái xấu của Trung Quốc thì mình nghĩ ”Trung Quốc là xấu, Trung quốc thế nọ, thế này”. Vậy, suy nghĩ đó có thật sự là của mình? Những cái ”mình phản ứng lại” với những gì xảy ra xung quanh mình đều do người ngoài, xã hội này quyết định. Mình có sống cho mình, có biết mình đang sống vì mình, sống theo ý mình, sống theo mục đích sống tốt của mình. Thế nào là tốt, thế nào là xấu. Ai xác định tiêu chuẩn xấu và tốt. Xã hội, môi trường xung quanh mình quyết định hay có thật sự là do mình quyết định? Vậy thì có nên chăng mình cần có cái ”chánh kiến, chánh tư duy” của ”chính bản thân mình” để mình ”tự biết” cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì là xấu, cái gì là tốt.
Để có chánh kiến, chánh tư duy thì ”Tâm” phải sáng. Để cho Tâm sáng thì Tâm cần tĩnh, cái tĩnh của sự lắng đọng, cái tĩnh trong sự hòa hợp giữa cái thân và tâm. Cái tâm như một thau nước chứa đầy bụi, cát đá, bùn sình trong đó có vài ”viên đá quý”. Cuộc sống bận rộn đấu tranh hàng ngày làm cho cái thau nước này luôn động nên nhìn thau nước ta chỉ thấy bùn sình cát đá. Chỉ khi nước đọng lại, ngưng đọng, cát đá bụi sình lắng xuống đáy thau, nước sẽ trong, và ta sẽ bắt đầu thấy được những viên đá quý nằm len lỏi giữa mớ bùn sình hỗn độn, và đó cũng là lúc chúng ta bắt đầu thấy được chánh kiến.