Hàng năm, bạn lập mục tiêu đạt KPI, tăng lương, thăng chức, tăng doanh số, tăng lợi nhuận. Cái mục tiêu này dường như nó ám ảnh trong đầu, không cần viết ra.
Trong khi đó, mục tiêu dạy dỗ con cái để thành người tốt, thành người sống hạnh phúc thì mình lại quên. Mình chưa bao giờ lập mục tiêu và lên kế hoạch sẽ dạy con những gì, dạy khi nào, dạy như thế nào. Đa phần mình chỉ nuôi con là chính và để phần còn lại cho xã hội định đoạt.
Cha mẹ cũng rất quan trọng, nhưng dường như mình cũng quên lập mục tiêu hàng năm nên dành thời gian cho cha mẹ bao nhiêu.
Sức khỏe thì nhiều người nhớ, nhưng lại rất ít người lập mục tiêu để làm.
Đời sống tinh thần, làm sao để được an vui, làm sao để bình yên trong tâm mỗi ngày thì lại quên hẳn, trong khi mục đích sống là để sống an vui.
Thật ra không ai muốn như vậy. Chẳng qua do áp lực cơm áo gạo tiền nên mình bị lãng quên. Cái quan trọng nhất nhưng bề ngoài nó dường như không khẩn cấp, không gấp nên mình quên.
Sức khỏe mình nó chưa đến nổi nào, nên nó không gấp. Cha mẹ còn đó, chưa có bị gì, nên không gấp. Con cái còn đó, không bị gì, nên không gấp. Mất việc, mất tiền nó gấp hơn vì thiếu nó thì cuộc sống sẽ bấp bênh.
Quy tắc work-life balance (cân bằng giữa cuộc sống và công việc) là không thể. Bạn không thể cần bằng 50-50 mọi việc. Cái nào quan trọng + ưu tiên hơn thì lúc đó bạn phải tập trung cho nó nhiều hơn. Có khi công việc khó khăn, lúc đó bạn phải tập trung công việc nhiều hơn gia đình. Nhưng khi công việc bình thường trở lại thì tập trung gia đình nhiều hơn công việc. Điều quan trọng nhất là mình đừng quên cái gì “thật sự quan trọng”.
Một người bạn của tôi ở Singapore, một doanh nhân giàu có, bị ung thư giai đoạn cuối, tôi hỏi: “For you, now, what is most important?” (Với ông, bây giờ, cái gì quan trọng nhất?). Ổng hít vào một hơi thật sâu, nặng nề thở ra rồi nói: “My breath” (hơi thở của tôi).