Không biết từ bao giờ, dân mình có khái niệm về quê ăn tết. “Ăn” dường như tượng trưng cho sự hưởng thụ, “tết” dường như nói lên cái gì đó về cội nguồn, về sum vầy, đoàn tụ. Nói vậy thì “về quê ăn tết” là về lại quê hương để hưởng thụ sự đoàn tụ với gia đình, sum vầy bên người thân.
Đối với ai mà cha mẹ, người thân thường xuyên lên thành phố thăm thì việc về hay không về quê cũng không có gì quá đặc biệt, vì họ gặp người thân của mình thường xuyên. Đối với ai khó khăn hơn về tài chính, ít được về thăm người thân thì việc này khá là nhức nhối, vì họ mong cuối năm được nghỉ dài ngày để về thăm nhà, nhưng về không được thì rất buồn. Còn đối với ai cho rằng về quê là một sự bắt buộc, một thủ tục phải làm, trong khi điều kiện tài chính không dư dả thì lại là một cực hình.
Có lẽ ta nên nhìn nhận về cái tết khác đi một chút cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Người thân yêu đáng để mình về thăm thì thật ra chẳng có bao nhiêu người, còn người quen biết, họ hàng thì có khi đếm không hết. Người thân yêu của mình, quan tâm mình thật sự thì mới mong mình về, vì họ thật sự nhớ mình. Những người khác thì họ cũng quan tâm bản thân họ, gia đình họ là chính; gặp được mình có khi họ vui, có khi họ cũng chẳng vui thêm chút nào. Mà họ có vui hay không vui thì cũng là chuyện của họ; mình không có trách nhiệm làm cho họ vui.
Nếu khó khăn quá, không về được cũng không sao. Mai mốt có điều kiện tài chính thì mình về. Nếu muốn về thì mình sẽ luôn có cách, nếu thấy không muốn cho lắm, không đáng cho lắm thì mình sẽ nghĩ ra cái cớ để không về. Nếu cha mẹ, người thân yêu thật sự quan tâm mình thì họ sẽ cố mà thông cảm cho mình, còn họ không thương thì họ sẽ không thèm hiểu, mà nếu họ không thèm hiểu cho mình, không quan tâm mình thì cớ gì mình phải bận lòng; họ không chịu hiểu, họ không thông cảm thì mình cũng chẳng làm gì được; mỗi người một cách sống, mỗi người một cách nhìn nhận riêng.
Nếu có về được thì cũng chẳng cần lo nhiều chuyện thủ tục. Nào là mua sắm quà cáp, nào là lì xì bà con, hàng xóm mỗi đứa bao nhiêu. Có dư một chút thì mua cho cha mẹ, ông bà một món quà để thể hiện lễ nghĩa con cháu. Còn khó quá thì thôi, không sao cả. Vì nếu họ thương mình thật sự, quan tâm mình thật sự thì họ phải hiểu cho cái khó của mình, có khi họ còn khuyên mình đừng nên tốn tiền vô nghĩa, như vậy mới là thương mình. Đối với ai không thật sự thương mình thì họ sẽ chấp nhất lễ nghĩa. Họ muốn mình làm vậy chỉ để họ vui, chỉ để họ thấy thích. Mình không có nghĩa vụ làm cho họ vui, làm cho họ thích. Mình chỉ có nghĩa vụ chăm lo cha mẹ và người thân yêu thật sự của mình khi họ cần.
Tết cũng chỉ có mấy ngày, rồi ai lại về nhà nấy. Đa phần cũng chỉ là để gặp nhau, chít chát một chút, hỏi thăm nhau một chút, rồi ai cũng quay về cuộc sống riêng của họ. Đừng vì những thủ tục bảo thủ mà tự làm khổ bản thân mình.
Ởđâu có sum vầy, có tình thương thì nơi đó có tết. Bây giờ không có tết thì mai mốt có tết… cũng không sao.