Khi bạn không thể giải quyết hoặc không thể kiểm soát được một tình huống nào đó, bạn gán cho nó một cái nhãn: “vấn đề”.
Khi bạn nóng giận, bạn cho rằng người làm bạn giận là vấn đề, trong khi bạn không thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Khi bạn khó khăn, đau buồn, bạn cho rằng vấn đề là do cuộc đời là bể khổ, trong khi bạn không kiểm soát được cuộc đời mình. Tất cả sự việc, miễn là nó không diễn ra theo đúng ý bạn thì bạn sẽ xem nó là một vấn đề; bạn sẽ tìm một cái tên để đặt cho vấn đề đó.
Khi mình gán cho một sự việc cái nhãn “vấn đề” thì tự bản thân mình đã tạo nên vấn đề trước tiên; trước khi mình cho nó là một vấn đề thì vấn đề đó không hề tồn tại. Vấn đề nó được sinh ra khi mình gán cho nó cái tên.
Bản chất thực tế của tất cả sự việc diễn ra bên ngoài bản thân bạn chỉ là sự việc, không có vấn đề gì cả. Hãy để sự việc nó như là chính nó, như đúng bản chất của nó. Vì khi bạn cá nhân hóa một sự việc bên ngoài thành một sự việc cá nhân của bạn thì nó sẽ thành một vấn đề bên trong tâm thức của bạn. Khi nó là vấn đề bên trong tâm thức của bạn thì bạn sẽ bắt đầu có nhiều suy nghĩ, nhiều cảm xúc. Bên trong bạn nảy sinh nhiều khó khăn, buồn phiền, bực bội, lo âu v.v. Đây là lý do gốc rễ làm bạn sống không được an vui. An vui là từ bên trong, bình yên cũng từ bên trong, hạnh phúc cũng từ bên trong bạn. Tất cả trải nghiệm xuất phát từ bên trong bạn, nó không xuất phát từ hoàn cảnh bên ngoài.
Con người chúng ta chỉ có một vấn đề duy nhất cần được để ý, quan tâm, quan sát mỗi ngày, đó là cái Tâm của mình, vì cái Tâm của mình chính là vấn đề gốc rễ gây ra tất cả các vấn đề còn lại; kiểm soát được cái Tâm là kiểm soát được vấn đề; Tâm an vui, bình yên thì không có vấn đề nào tồn tại.