Nhiều người hiểu nhầm chữ “tu”. Nhắc đến chữ tu mình thường liên tưởng đến việc cạo trọc đầu, đi vào chùa ở hoặc lên núi, hay trở thành ông Cha/bà Sơ trong nhà thờ. Nhắc đến chữ tu người ta cũng thường nghĩ đến việc không cần phải làm việc nữa, bỏ hết gia đình, vợ/chồng, con cái, chỉ lo kinh kệ, tụng niệm. Chữ tu với nhiều người là một cái gì đó xa vời, không thực tế với đời sống hiện đại đương thời, đặc biệt là giới trẻ.
Ngôn ngữ tiếng Việt có Hán-Nôm, Hán-Việt, nên nhiều từ rất khó hiểu, mơ hồ, hoặc làm cho nhiều người hiểu sai. Nếu có theo tôn giáo thì tùy tôn giáo mà chữ tu được diễn giải khác nhau. Tuy nhiên, tu chỉ đơn giản là “sửa”.
Tu hành là những hành vi, hành động mình tự sửa chữa bản thân để đạt một mục đích nào đó. Tu hành cũng có thể hiểu là hành trình, con đường, là quá trình mình tự sửa chính mình.
Tu thân là sửa thân, là xem xét thân mình có làm điều gì xấu, sai thì mình sửa. Thân có hành động và khẩu (lời nói). Tu thân là mình tự sửa hành vi và lời nói của mình. Tu tâm là sửa Tâm. Tâm mình suy nghĩ sai, suy nghĩ xấu thì mình sửa.
Vậy chữ “tu” có áp dụng cho doanh nhân, người thành công, triệu phú, tỷ phú hay không? Tại sao không? Doanh nhân, người thành công hay bất kỳ ai, nếu muốn tốt hơn, thành công bền vững đều phải thấy được cái sai của mình mà sửa, sửa để làm tốt hơn. Đặc biệt là tu Tâm, tâm đau khổ thì thành công có được chăng? Mà có thành công đi nữa nhưng tâm đau khổ thì thành công để làm gì? Tâm an vui, tâm hạnh phúc thì làm gì cũng hiệu quả. Người có trách nhiệm càng cao, quyền lực càng cao thì càng phải tu Thân – Tâm nhiều hơn người khác. Vì mình muốn lãnh đạo người khác, muốn giúp người khác thì trước tiên Thân và Tâm mình phải tốt, phải vững, phải sáng suốt. Vì vậy, muốn càng thành công bền vững thì thật ra chúng ta phải càng tu nhiều hơn người bình thường.