Ăn nhiều hơn cần thiết thì quá no, không tốt; để bụng đói quá cũng không tốt.
Cứng rắn quá thì dễ gãy; dễ giải quá thì mất kỷ cương.
Có hàng trăm ví dụ tương tự như trên về sự cân đối, cân bằng, vừa đủ hay còn gọi là trung đạo. Đạo là triết lý, là lời dạy, cũng là con đường đi. Trung là trung lập ở giữa, là cân bằng.
Ngày Siddhartha Gautama (Đức Phật Thích Ca) đã dạy con đường trung đạo hơn 2500 năm trước. Là thái tử, Ngài có đầy đủ quyền lực và giàu sang nhưng không tìm được ý nghĩa, hạnh phúc thật sự cuộc đời. Chứng kiến sanh-lão-bệnh-tử, Ngài đi tìm sư học đạo để giải thoát khỏi cái khổ. Ngài ép xác khổ cực để buông bỏ nhục dục trần gian nhưng thấy không hiệu quả, không thực tế nên Ngài chọn con đường trung đạo. Phải lo thân khỏe mạnh thì tinh thần mới sáng suốt mà học đạo. Hơn 2500 năm sau, các nhà tâm lý học, não bộ học, thần kinh học mới nghiên cứu và khảo sát thực nghiệm chứng minh cho những gì Ngài đã dạy. Cái gì quá nhiều, vượt giới hạn không cần thiết thì thường có tác dụng phụ, gây hại lại cho bản thân, gây thêm đau khổ.
Thuyết vượt quá mức cần thiết này cũng nằm trong cách sống, cách nhìn nhận. Nếu chỉ bám theo văn hóa cổ truyền của phương đông thì bỏ qua tri thức khoa học, sáng tạo của phương tây. Nếu chỉ học theo khoa học hiện đại của phương tây thì thiếu đi cái chân lý trong các đạo của phương đông. Bảo thủ quá thì không học gì từ nước khác, tây hóa quá thì quên cội quên nguồn. Sự cân bằng ở giữa luôn là cái tốt nhất, cách nói thông thường là “vừa vừa, phải phải, hoặc vừa phải”. Trong thực tế cuộc sống, cái gì hay thì mình học, cái gì cần thiết thì tiếp thu, cái gì tốt cho mình thì giữ, cái gì xấu cho mình thì buông, không thiên bên này cũng chẳng nặng bên kia; không tâng bốc ai, cũng chẳng xem thường ai; không chê bai ai, cũng chẳng nịnh nọt ai; thương yêu quá mức thì thành bám bíu, bám bíu quá khó chấp nhận khi mất; thờ ơ quá mức thì thành vô tâm, vô tâm quá thì thiếu quan tâm.
Cái gì quá mức thì sẽ trở thành bám chấp. Bám chấp là mình bị phụ thuộc, bị dính, bị kẹt lại, tự nhốt mình trong một giới hạn, trong một lối mòn cũ, tạo cho mình thành thói quen, lâu ngày nó thành tính cách, tính cách lâu ngày nó thành nhân cách. Ngược lại với bám chấp là mình sống với cái tâm rộng mở, bao dung tất cả sự việc, mình mở rộng để đón nhận và dung hòa tất cả. Khi rộng mở và bao dung, mình không phụ thuộc vào bất kỳ thứ gì quá mức, không để tâm bận bịu vào bất kỳ việc gì quá mức, như nước không có hình tướng, khi để vào lọ thì nó là lọ nước, khi ra biển thì là nó là biển. Cách nhìn nhận cuộc sống theo con đường trung đạo này giúp mình sống bình thản hơn trước mọi sự việc, tâm ít buồn phiền trước những điều bất như ý.
Chỉ nên quan tâm nhưng đừng làm tâm bận. Chúc cho mọi người giữ được tâm mình trong trái thái trung đạo, đừng quá bận tâm, lo lắng trước những gì đang diễn ra trên thế giới và trong nước.