Biết và không biết ”giữa người biết, người biết chút chút và người không biết gì” thì nhóm nào nguy hiểm hơn?
Những tình huống thực tế đời thường
Hãy tưởng tượng tượng một người kỹ sư xây nhà, xây cầu đường mà chỉ biết chút chút thì chuyện gì sẽ xảy ra. Hãy tưởng tượng một bác sĩ phẫu thuật cho bạn mà chỉ biết chút chút thì sinh mạng của bạn sẽ như thế nào.
Có rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra cũng vì ”cái biết của các bậc cha mẹ/người thân” khi có người trong nhà bị bệnh. Trong nhà bỗng dưng ai cũng trở thành bác sĩ. Người thì cho rằng bị cái này, người thì cho rằng bị cái nọ dẫn đến chữa trị lung tung, hoặc không đem đến bệnh viện cuối cùng mất đi giờ vàng, quá trễ rồi chết một cách thương tâm.
Câu chuyện có thật của tôi
Cách đây vài năm, tôi có ông bạn khá thân, tôi biết hết con cháu, anh em, cha mẹ anh ấy. Năm đó, ba anh ấy bị sưng ở chân, bác sĩ chỉ định tiêm thuốc để thông các tĩnh mạch, lưu thông máu. Khi tiêm thuốc này, máu sẽ bị loãng trong một thời gian ngắn. Vô tình, ngay đêm đó, bác ấy bị đau bụng. Mất nữa ngày mới đưa vào bệnh viện vì ‘’các bác sĩ ở nhà’’ cứ đoán mò rồi cho uống thuốc lung tung. Khi phát hiện thì bác ấy bị đau ruột thừa, phải mổ gấp.
Cả chục đứa con không ai cho mỗ. Bác sĩ thì tư vấn mổ có chút nguy cơ vì khó cầm máu do mới tiêm thuốc làm giãn tĩnh mạch nên cần có hỗ trợ từ khoa huyết học cho an toàn. Nếu nghe lời bác sĩ thì chỉ để bác sĩ làm việc của họ. Họ sẽ mời khoa huyết học của bệnh viện khác qua hỗ trợ. Đằng này, cả nhà ai cũng cho rằng mình biết thế này, thế nọ, rồi không cho mổ. Sau đó, người thì đòi chuyển viện này, người thì đòi chuyển viện nọ vì cho rằng mình biết bệnh viện kia tốt hơn v.v.. Thời gian vàng đã qua, khi ông bác ngất đi thì bác sỹ buộc phải mổ ngay nhưng ruột thừa đã bị bể, lây nhiễm hết cả ổ bụng, trong khi bác ấy đã lớn tuổi nên cuối cùng không qua khỏi. Bác ấy chết vì chậm trễ vài tiếng đồng hồ và bác ấy chết vì mấy người con ai cũng nghĩ mình biết như bác sĩ.
Tâm lý về cái biết
Tâm lý con người nói chung, trong đó có cái tôi, cái bản ngã, cái tôi trung tâm vũ trụ nên ai cũng cho mình biết, ít ai nói mình không biết. Vì tâm lý này, con người thường có định kiến thiên vị về cái biết một cách vô thức, tức là không biết/biết sai mà cứ nghĩ rằng mình biết.
Tâm lý tứ hai là vì cái tôi, cái bản ngã, vì tính cách nên luôn muốn thể hiện là mình biết. Tức mình biết là mình không biết nhưng bị cái tôi thiếu khiêm nhường nó làm cho người ấy phải nói rằng mình biết mặc dù trong nhận thức người đó biết rằng họ không biết.
Tư duy của người không biết
Khi một người nói họ không biết thì cũng có vài loại. Loại họ cũng biết khá nhiều nhưng vì không phải loại kiến thức chuyên môn của họ học, họ không nghiên cứu nhiều và vì họ khiêm nhường nên họ nói họ không biết. Loại thứ 2 là họ biết rất nhiều nhưng cũng nói là không biết để từ đó họ có thể học thêm, học nhiều hơn. Tư duy một người khi họ nói họ biết thì sẽ không có cơ chế nào để thúc đẩy họ học thêm nữa, nhóm người này còn được gọi là ‘’không thuộc nhóm có tư duy mở (open minded), và xã hội thì gọi họ là nhóm bảo thủ. Ai cũng có cái bảo thủ, chỉ khác là bảo thủ nhiều hay ít mà thôi.
Khi một người mà thật sự họ không biết gì hết thì hoặc là họ sẽ làm theo niềm tin (vì niềm tin là sự bắt đầu của tri thức, và sự kết thúc của tri thức là sự bắt đầu của niềm tin), hoặc là họ sẽ làm theo lời của người khác (chuyên gia, người thật sự biết).
Xét theo phân tích trên thì người biết chút chút (tương tự như người biết nhưng biết sai) thì là người rất nguy hiểm. Nhiều nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu về việc này và nếu chúng ta ‘’thật sự để tâm, ý’’ thì sẽ thấy sự nguy hại này nó xảy ra hàng ngày trong cuộc sống, trong kinh tế, trong chính trị.
Chúng ta cần phải biết những gì mình không biết.
Nếu mình biết được những gì mình không biết thì mình sẽ biết được những gì mình biết. Biết được những gì mình không biết thì mình sẽ học, nghiên cứu những cái mình không biết. Còn nếu cái gì mình cũng biết thì mình không biết gì cả.
Người không cho rằng mình còn thiếu cái gì (cho rằng mình biết) thì là người không chịu học. Người biết mà nói mình không biết thì là người muốn học. Người không biết gì thì chẳng qua là họ chưa được học, nhưng họ sẽ học khi có cơ hội học.
Tư duy, cách suy nghĩ quyết định cuộc đời của một người là như vậy.