Có một ngày cha đang tập thể dục khu hồ bơi sân vườn trong tòa nhà mình ở thì cha bị tiêu chảy. Có lẽ cha bị nặng nên cha hoàn toàn không kiểm soát được gì và cha đã ị ra quần mà không hề hay biết. Cha biết được cái quần đã ướt. Trong một vài phút đầu, cha không biết cha nghĩ gì và cái cảm xúc của cha lúc đó như thế nào. Nó phức tạp, ”có lẽ” vừa sợ, vừa thấy nhục nhã, vừa ghê tởm…. Cha đứng im trong khu vườn cố gắng định hình để xem mình đang nghĩ gì và mình nên làm gì bây giờ,
Cha có vài lựa chọn. Một là, cha đi lại khu hồ bơi, có vòi nước dùng để tắm sau khi bơi, cha sẽ giả vờ mình vừa bơi xong và đứng đó tắm. Hai là, cha gọi mẹ con xuống, đem theo cái quần để cha vào toilet cha thay.
Rồi cha suy nghĩ, trong im lặng mấy phút đó. Tại sao cha phải làm như vậy và mục đích là gì. Nếu cha đang sợ thì cha đang sợ cái gì và bản chất của cái sợ nó là gì. Sợ người ta biết rồi mình thấy nhục nhã ? Người ta là ai. Tại sao lại sợ họ biết. Bản chất của sự việc này cũng như ai rồi cũng bệnh, ai cũng sẽ trải qua, đến cái tuổi về già hay lúc bệnh thì việc đi đứng tiểu tiện không như lúc bình thường nữa và việc đó có gì đáng xấu hổ hay nó là vậy, là rất bình thường?
Nếu họ biết cha bị ị ra quần vì cha bị bệnh gì đó thì họ sẽ nói ‘’xấu hổ chưa, già thế mà còn để bị bệnh’’ hay là họ sẽ nói ‘’xấu hổ chưa, già thế rồi mà còn ị ra quần’’? Có thể họ sẽ nói cả hai nhưng sự việc họ nói sẽ ảnh hưởng gì đến cha. Cha sẽ mất đi giá trị con người mình, cha sẽ mất đi tiền của hay cha sẽ bị gì. Họ có phạt tiền, có bắt bớ gì cha khi cha bệnh không kiểm soát được sự tiểu tiện hay không.
Sự thật (fact) là ít khả năng có ai biết được việc này vì lúc đó cũng không có mấy người tập thể dục. Mà có nhiều người đi nữa thì cha biết rằng cũng chẳng mấy người dòm ngó đến mình chứ đừng nói là họ quan tâm đến mình. Họ có thể chỉ nhìn thoáng qua, nếu tình cờ họ nhìn mình, trong đầu họ nảy sinh một số phán xét, suy nghĩ ‘’thằng này nó thế này, nó thế kia’’, vậy rồi thôi, họ quên liền chứ con người chỉ quan tâm bản thân mình chứ mấy người thật sự quan tâm người dưng nước lả bên ngoài. Nếu có biết, thì họ cũng chỉ đoán thế này thế nọ. ‘’Thằng này mới dẫm lên đống phân hay sao’’ hay ‘’nó làm gì mà cái quần nó ướt’’. Nhưng cuối cùng thì nếu họ có biết, họ có suy nghĩ gì thì liên quan gì đến cha, và rằng cái họ phán xét trong lúc đó có ý nghĩa gì đến cuộc đời của cha.
Sau vài phút suy nghĩ, cha quyết định cứ thế mà đi lên nhà, cứ đi bình thường như không có chuyện gì và cuối cùng thì chẳng ai biết (à, mà giờ thì ai cũng biết), hay có người biết mà đến giờ cha có biết họ là ai, và có ảnh hưởng gì đâu. Ví dụ như lúc đó cha gặp một người quen ngay lúc đó thì có lẽ cha cũng nói sự thật rằng ‘’tôi bị gì không biết mà tiêu chảy ra quần không kiểm soát được, ông lên nhà lấy dùm tôi cái quần’’. Nếu người đó là người quen hay thân của cha mà còn sỉ nhục cha hay cười chê cha lúc đó thì sao? Thì người đó chưa phải là người thật sự quan tâm cha và cũng chưa hiểu cha mà họ chỉ quen cha như người quen biết bình thường thì cũng có mất mát gì đâu. Nếu người quen đó đi nói với người khác thì sao, rằng ‘’thằng Tỉnh nó tiêu chảy ị ra quần kìa tụi bây’’. Nếu vậy thì người khác sẽ đánh giá người đó hay đánh giá cha. Người khác sẽ nói với người bạn đó rằng ‘’chuyện vậy mà mày cũng đi nói xấu bạn với người khác’’, và vậy thì người bạn đó là người xấu, chứ cha không xấu. Cha không xấu khi bị bệnh, cha không xấu khi bị ị ra quần.
Các con nên biết rằng, người khác, thiên hạ, họ có thật sự quan tâm con hay không. Không, mà có thì cũng rất, rất ít. Cả đời các con có khi chỉ có vài người dưng thật sự quan tâm mình. Ngừng dưng họ có phán xét, dòm ngó mình không. Có, đa phần là vậy, nhưng đó là việc của họ và cũng vì vậy mà họ không sống được vui, tâm họ không an yên được vì họ bận bịu lo đi dòm ngó, phát xét, đánh giá, chỉ trích người khác. Con nên thấy đáng thương cho họ, vì họ nhiều khi không biết họ đang làm gì, và họ cũng không biết tại sao họ làm như vậy.
Các con nên biết mình sợ, nếu có sợ, thì mình sợ cái gì. Cái con sợ nó có ý nghĩa gì, nó có xảy ra hay không và nếu nó có xảy ra thì ảnh hưởng gì đến cuộc đời mình, đến giá trị bản thân mình. Cái con người sợ đa phần là vô nghĩa. Sợ họ chê bai, sợ họ nói mình xấu, sợ họ khinh mình, sợ họ cười chê mình, sợ họ chê trách mình v.v. Trong khi có những cái các con nên sợ: sợ sống đời này vô nghĩa thì hãy sống sao cho có ý nghĩa; sợ không giúp ích gì được cho ai thì con nên cố gắng sống có ích cho đời; sợ gia đình mình đói khổ thì hãy cố gắng chăm chỉ làm việc v.v. Đó là những cái con nên sợ nên giúp mình sống tốt hơn chứ đừng sợ những cái thiên hạ bắt mình phải sợ.
Sự nhục nhã cũng như vậy. Cái gì mình làm sai, làm xấu mà do hành động sai và xấu đó của mình nó ảnh hưởng xấu, gây ra hậu quả xấu cho người khác thì cái đó mới là đáng nhục nhã. Ngược lại con có xấu xí một chút nhưng con trong sạch, con có ít tiền một chút nhưng con nhiều tình thương, con có bị hôi một chút nhưng con sống thuần khiết thật với lòng, thật với bản chất thật của con thì con không có gì phải xấu hổ.