Sau lần phỏng vấn cùng HTV 9 với Minh Châu và chương trình chuyển động kinh doanh với chủ đề chia sẻ kinh nghiệm cùng các bạn trẻ start-up, tôi chợt nhớ ra vài điều. Có vài điều trong lịch sử của tôi mà tôi cứ lặp đi, lặp lại trong nhiều phóng sự, nhiều cuộc nói chuyện tâm sự. Dĩ nhiên là chưa hết nhưng cũng chỉ lặp lại những cái mà tôi thấy rất bình thường. Như là vượt khó, tinh thần, ý chí, hoàn cảnh….Cái mà tôi chưa kể và tôi nghĩ nhiều người khi chia sẻ về sự thành công của họ họ cũng ít khi nào kể là ‘cái xấu xa, cái dở, những điểm yếu, những góc khuất của cuộc đời họ’. Thường thì ‘tốt khoe, xấu che’, ít ai dám đối diện bản thân mình để chấp nhận cái xấu, cái dở càng không muốn ai biết những việc đó mà chỉ nói những cái hay, những cái đã đạt được, những cái đã thành công, những cái tốt.
Tôi thiết nghĩ rằng nếu mình có “to-do list” thì cũng phải nên có “Not-to-do list”. Những quá khứ xấu, cái dở, những đặc tính, thói quen xấu, tư tưởng và hành động xấu, những cái trẻ con, những cái bồng bột… là những cái “not-to do list”. Nếu chúng ta biết những cái xấu mà né tránh thì mặc nhiên sẽ không còn cái xấu hoặc hạn chế cái dở, cái xấu từ đó hạn chế được sự thất bại trong cuộc sống.
Vì vậy, bây giờ tôi đang dự định sẽ có có những bài “thú tội” về những cái xấu của mình mà mình đã học được trong nhiều năm qua để từ đó giúp được các bạn trẻ đừng lập lại con đường cũ của tôi thì mặc nhiên các bạn sẽ thành công nhanh hơn, sẽ tốt hơn tôi nhiều.
Ví dụ như lúc còn sinh viên, tôi đi làm phục vụ một nhà hàng. Cuối giờ, 11-12h khuya, các anh chị phục vụ cùng nhau ăn những món ăn ‘còn thừa’ để lại. Nói ‘còn thừa’ thì hơi quá đáng chứ các món đó người ta chưa ăn đến nhiều, còn khá ‘đàng hoàng’. Cái ‘tôi’ nông cạn của tôi nghĩ là thà đói chứ không chịu ăn như vậy, cảm thấy nhục nhả, mất giá trị của mình. Từ đó tôi không thể hòa đồng cùng các anh chị phục vụ nên phải nghỉ làm. Bây giờ, khi xã hội càng phát triển, cuộc sống khấm khá hơn trước thì tôi lại thấy có càng nhiều bạn trẻ như vậy hơn thời của tôi. Đơn giản là ‘áp lực’ không có thì cái tôi lại càng cao hơn trong những trường hợp như vậy, sẽ rất khó để ‘bỏ qua’.
Trong suốt nhiều năm, tôi cũng cứ cho rằng mình có thái độ như vậy là hay, là có tự trọng cao, tôn trọng bản thân mình, giá trị mình cao v.v. Sau này đọc nhiều, học nhiều, sống nhiều thì càng ngộ ra những cái dở đó.
Một số bài học tôi học được từ suy nghĩ, thái độ của mình lúc đó là:
1. Tôi tự cho mình một ‘giá trị’ trong khi lúc đó tôi chưa biết giá trị là gì.
2. Lúc đó tôi càng không biết giá trị của mình là chỗ nào, giá trị đó có ý nghĩa gì với mình, với người khác, nó giúp được mình cái gì.
3. Tôi, một cách vô thức, nhầm lẫn và bị nhiễm nhiều khái niệm khác nhau trong phim tàu như: chủ nghĩa anh hùng cá nhân, sự ngạo mạng, cái tôi vô định hướng, ‘chết dinh còn hơn sống nhục’, các tố chất của Quan Vũ, Trương Phi và nhiều nhân vật khác trong phim.
4. Tôi lúc đó tôi hành động như vậy một cách vô thức, trẻ con, kiểu của mấy chú thanh niên ngạo mạng mới lớn.
Nếu né được cái xấu của tôi lúc đó, các bạn trẻ sẽ sống đúng ý nghĩa của mình hơn, hành động chính chắn hơn, sống ‘sâu sắc’ hơn, hòa đồng với mọi người hơn và sẽ được nhiều người yêu mến hơn.
Các bài sau sẽ còn nhiều cái ‘xấu’ khác cho danh sách ‘not-to-do’ của các bạn trẻ