Cũng dịp tết nhiều năm trước, nó về quê ghé qua thăm thầy, tâm sự một hồi nó hỏi:
“Theo thầy trái đất bao nhiêu tuổi hả thầy?”
Thầy không biết.
“Ngày xưa thầy cũng có dạy môn Địa lý và môn Sử mà thầy?”
“Thì… sách giáo khoa ghi sao thầy dạy vậy chứ làm sao thầy biết.”
“Vậy theo thầy vật chất có trước hay ý thức có trước?”
“Thầy không biết.”
“Mấy thầy cô khác nói thầy rất thông thái, am tường triết lý học, sao thầy không biết cho được?”
“Người khác họ thấy thầy như vậy là tại họ nhìn nhận như vậy, không có nghĩa là họ đúng, nó chỉ đơn giản là cách nhìn nhận của họ.”
“Vậy theo thầy thì thầy có phải là người thông thái?”
“Theo con thông thái là gì?”
“Dạ… là người có được nhiều tri thức, trải nghiệm, có nhiều hiểu biết sâu sắc mà nhiều người khác không có.”
“Vậy thì thầy không phải.”
“Sao vậy thầy?”
Tri thức thầy có một chút, trải nghiệm thầy chỉ có vài chục năm, hiểu biết về cuộc đời thầy có một ít về vài lĩnh vực. Cái một chút và vài chục năm của thầy so với vũ trụ này nó còn nhỏ hơn một nguyên tử thì sao có thể gọi là nhiều.
“Thôi, vậy con bỏ qua việc đó. Thầy cho con hỏi, theo thầy tương lai loài người sau này sẽ như thế nào, trí tuệ nhân tạo A.I. có thống trị loài người không thầy?”
Thầy nó cười khà khà như muốn nấc cụt và bảo: “Nó thống trị hay không thì con hỏi nó chứ sao hỏi thầy, thầy cũng là con người chứ có phải A.I. đâu!”
Nó cũng ôm bụng cười rồi nói: “Sao rất nhiều câu hỏi con hỏi thầy, thầy đều nói không biết, trong khi mấy đứa bạn con, sếp con thì họ nói như họ biết rất nhiều”.
Ông thầy tiếp tục ôm bụng cười rồi đáp: “Đó đó, đó là những người thông thái của con đó, cái gì họ cũng biết”.
“Thầy bắt đầu làm con rối rồi đó thầy. Vậy thì con nên học từ ai nếu không biết ai là người thông thái?”
“Tại sao con phải học từ người thông thái trong khi bản thân con còn chưa xác định được thế nào là thông thái?”
“Vậy thì con nên học từ ai hả thầy nếu không học từ người thông thái?”
“Con học từ tất cả mọi người, tất cả những ai con tiếp xúc hàng ngày đều có cái để con học.”
“Nhưng nếu gặp người ngu đần, gặp người dốt thì họ có gì mà học hả thầy?”
“Thì con học cái ngu, cái dốt của họ. Cái ngu, cái dốt của họ dạy cho con sức mạnh của tri thức đúng đắn; ngay cả con chó cũng có thể dạy con một bài học”.
“Hả? Chó mà dạy người là sao, con không hiểu”
“Con chó dạy con lòng trung thành, dạy con nghĩa-tình; nó rất trung thành, và con chửi mắng nó hàng ngày nhưng nó vẫn quây quần bên con đó thôi”.
“Nhưng con vẫn chưa biết được cách làm sao để học từ tất cả mọi người mình tiếp xúc!”
“Trước tiên, muốn học thêm thì con phải bỏ các khái niệm cũ. Nếu con áp đặt những khái niệm như: học là phải học từ người thông thái, từ người thông minh, từ người nổi tiếng, từ người thành công, từ người này người nọ thì con sẽ rất khó học được cái mới; con chỉ cần học tất cả những gì con có thể học, từ bất kỳ ai, và nếu thấy là cần thiết, miễn sao những cái con học nó giúp con sống tốt hơn là được. Cũng như khi con đọc sách, nếu như con chỉ chọn những tác giả nổi tiếng hay sách bán chạy nhất để đọc thì con đã loại bỏ 90% tri thức của nhân loại.”
…..
Trích: phóng tác người Thầy