Bác sĩ thường hỏi bệnh nhân rất nhiều câu chi tiết để hiểu hết triệu chứng bệnh. Bác sĩ không thể ‘’cho rằng’’, ‘’tưởng rằng’’, ‘’nghĩ rằng’’ mà không cần hỏi vì nếu như vậy thì rất cảm tính, rất chủ quan, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Nếu giành nói quá nhiều mình sẽ không còn thời gian để lắng nghe. Nếu không lắng nghe đủ, không lắng nghe kĩ thì không hiểu được hết ý người kia đang nói, rất dễ dẫn đến hiểu lầm, hiểu sai.
Khi mình trả lời tin nhắn, chit chat qua các ứng dụng điện thoại, comment trên mạng xã hội cũng là đang nói. Nói nhiều cũng sẽ làm mình mất rất nhiều năng lượng, làm mình mệt mỏi. Vì vậy, mình chỉ nên giành năng lượng đó cho những lời nói quan trọng và cần thiết.
Nếu phải nói nhiều thì hãy hỏi nhiều. Hỏi cũng là nói nhưng hỏi nhiều thì sẽ học được nhiều, biết được nhiều. Sau khi hỏi thì hãy tập trung lắng nghe, nghe kĩ từng lời, từng ý trong tĩnh thức. Nghe trong tĩnh thức là nghe với tâm ở hiện tại, không suy nghĩ gì khác ngoài việc lắng nghe.
Thay vì nói nhiều cái mình biết thì hãy hỏi nhiều những cái mình không biết. Hỏi cái mình không biết, mình không rõ để rồi mình sẽ rõ, mình sẽ biết. Khi mình đã biết mình sẽ không cần phải nói nhiều, mình sẽ chỉ nói những gì cần nói, nói những gì quan trọng và hữu ích cho người nghe. Cái Tâm của mình nó cũng sẽ bình an hơn nếu mình biết đặt câu hỏi và thật sự biết lắng nghe nó mỗi ngày.