Ngày xưa tôi nghĩ rằng mình thuê người làm cho mình là mình đang giúp họ, mình tạo công ăn việc làm cho họ. Sau đó, tôi thấy rằng như vậy tôi không có giúp ai cả, vì ý định ban đầu của tôi chỉ là thuê người làm. Mình thuê nhân viên, mình trả lương thì họ làm, ý định ban đầu của tôi đâu có ý định thật sự là giúp ai đâu. Một thời gian sau, tôi lại thấy rằng mình trả lương nhiều hơn một chút so với người khác là giúp họ. Nhưng sau này, tôi lại nghĩ khác. Mình trả lương cao thêm một chút so với người khác cũng là để họ trung thành với mình hơn, họ làm việc tốt hơn cho mình, cũng vì bản thân mình, như vậy thì tôi cũng đâu có giúp ai đâu.
Sau một thời gian nữa, tôi lại thấy thế này. Mình tạo thêm phúc lợi như cho thêm gói bảo hiểm, thưởng thêm cho họ là giúp họ. Nhưng sau đó tôi lại nghĩ tôi làm vậy cũng là để tăng sự gắn kết, tăng sự tin tưởng của họ và để họ trung thành làm việc hiệu quả hơn, như vậy thì tôi cũng đâu có giúp gì cho họ.
Rồi thời gian sau, tôi lại nghĩ, thế thì tôi dành thời gian để chia sẻ cho họ những kinh nghiệm, những tri thức mà tôi biết, thế là tôi giúp họ. Nhưng tôi làm vậy cũng chỉ để tăng sự ảnh hưởng của một người lãnh đạo, là bản thân tôi, đối với họ, để họ kính trọng nhiều hơn, họ phụng sự công ty tốt hơn, thế là tôi cũng đâu có giúp gì cho họ.
Sau thời gian nữa, một số nhân viên gặp khó khăn, tôi tạo điều kiện, cho họ mượn tiền, ứng lương, tôi nghĩ là tôi đang giúp họ. Sau đó tôi lại nghĩ, nó cũng chỉ để chứng minh tôi là người tốt, để thỏa mãn cái tôi của tôi lớn hơn người khác, như vậy thì tôi cũng đâu có giúp gì cho họ.
Rồi sau này, mỗi năm tôi bỏ ra thời gian và tiền bạc, từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng làm thiện nguyện, tôi nghĩ tôi đang giúp đời. Sau đó tôi lại thấy rằng tôi làm vậy vì tôi muốn được an vui, tôi muốn có hạnh phúc, tôi muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa, như vậy thì tôi làm cũng chỉ vì tôi, cho nên tôi có giúp ai đâu.
Và bây giờ tôi thấy thế này. Mỗi sự việc mình làm mà mình không hề toan tính thiệt hơn, vì ai, cho ai, mà mình cứ làm theo tiếng gọi bên trong mình, và mình quyết định làm ngay lúc đó, thì đó là hành động với cái tâm thuần khiết nhất.
Xét vậy, khi bạn làm gì đó, cái khởi nguyên ban đầu trong tâm ý là quan trọng nhất, nó là bản chất thật nhất của mọi hành động.
Ví dụ như bạn cho một người ăn xin 20 nghìn, bạn cứ cho, không hề nghĩ này nghĩ nọ, thì đó là bản chất nguyên bản của hành động thiện của bạn, cái thiện vô cầu mưu lợi và tâm chân ngã, tức không có cái tôi xen vào hành động đó.
Nếu phân tích như vậy thì nó quá phức tạp, không cần thiết. Thế nên bây giờ tôi thấy thế này. Khi khởi một ý niệm, nó tốt cho mình mà không hại ai thì mình cứ làm. Khi khởi một ý, nó tốt cho người khác và cũng không hại mình thì càng nên làm. Khi khởi một ý, nó tốt cho nhiều người và cũng tốt cho mình thì càng phải làm nhiều hơn. Vì sao như vậy? Vì khi còn là con người phàm xác thịt này thì cái tôi/bản ngã sẽ vẫn còn, không thể diệt hết được cái tôi đó. Để sống được an vui một chút thì mình không nên để cái tôi nó làm mình bận lòng nhiều. Thấy tốt thì cứ làm, không tốt thì đừng làm. Làm xong thì đóng nó lại, đừng bám chấp vào nó sau khi đã làm. Sự việc đã qua thì để nó qua, đừng bận lòng phán xét nó. Nếu sự việc đã làm nó không tốt, thì cố gắng làm tốt hơn lần sau, đừng bận lòng. Lần sau nữa, nếu nó vẫn chưa tốt đủ, thì cố gắng làm tốt hơn, đừng bận lòng. Nhận thức của mình mỗi ngày mỗi khác, cái biết của mình mỗi ngày mỗi khác, nó khác từng ngày. Vì vậy, nếu mình bận lòng với những thay đổi liên tục đó thì mỗi ngày tâm mình sẽ rất bận và rất mệt mỏi.