Khi chúng ta nghĩ một người kia họ đang làm sai, mình cố gắng thuyết phục, chứng minh là người đó sai, họ phải thay đổi. Mình đã làm nhiều cách, cố gắng nhiều lần nhưng vẫn không được, thì lúc đó, chúng ta nên xem lại cách mình nhìn nhận về cái sai của người ấy. Vì mình cho họ là sai, vì mình muốn họ sống giống mình, mình bắt họ phải như mình, nên mình muốn thuyết phục họ sai, trong khi cái bản chất của vấn đề là nếu họ biết họ sai thì họ không làm, không ai muốn mình làm sai, ai cũng có cái tôi, mình cũng vậy. Thay vì lấy cái tôi của mình để thuyết phục cái tôi họ sai, hãy nhìn nhận khác đi về họ, cho họ thấy cái gì tốt hơn cho họ để họ tự thay đổi dần dần. Cái nhìn nhận này sẽ không còn làm mình bực bội vì mình biết bản chất nó là như vậy, chấp nhận nó như vậy, không ép buộc nó đi ngược lại với các quy luật bản chất cơ bản tự nhiên của con người.
Khi chúng ta giận, buồn phiền, làm nhiều cách để mình đừng buồn phiền, đừng giận nữa, nhưng vẫn không hiệu quả, thì lúc ấy, chúng ta nên xem lại cách mình nhìn nhận về các cảm xúc của mình. Thay vì đè nén cảm xúc, chạy trốn cảm xúc thì nhìn nhận nó như một phần của mình, chấp nhận nó, để nó tồn tại, nhận biết nó và làm bạn với nó, an ủi nó, vỗ về nó.
Khi mình thấy cuộc đời mệt mỏi, mình đã thay đổi nhiều cách sống, cách làm, qua nhiều năm, vẫn thấy mệt mỏi, thì lúc ấy mình nên xem lại cách mình nhìn nhận về cuộc đời. Vì bản chất ngay từ trong suy nghĩ mình đã nhìn nhận đời nó mệt mỏi, thì ngay từ đầu nó đã mệt mỏi nên mình không thấy gì đẹp đẻ, không thấy được gì vui, không thấy được ý nghĩa thiêng liêng trong cuộc sống. Cái mệt mỏi đó nó sẽ không còn khi mình tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong cái làm mình mệt mỏi.
Khi chúng ta giải quyết một vấn đề nhiều lần, đã cố gắng, đã làm nhiều cách nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, thì lúc đó là lúc chúng ta nên thay đổi cách mình nhìn nhận vấn đề ấy.