Khi đi du lịch, đôi khi cái bạn nhớ chỉ là những việc làm mình bực bội: chuyến bay bị trễ, xe hư, bị chặt chém giá, người phục vụ không tôn trọng v.v., rồi bạn không có ký ức gì vui vẻ về chuyến đi đó.
Cuộc sống hàng ngày có hàng trăm thứ tương tự làm mình buồn bực; ngày lại qua ngày, những cái buồn bực này nó chất chồng lên nhau.
Rồi khi ngồi một mình, không có ai, nhưng bạn vẫn thấy mình buồn bực. Dù đang ngồi một mình, nhưng bạn vẫn lấy ra những ký ức cũ… để tự mình buồn bực.
Nghiệm lại, bạn thấy dường như ký ức buồn bực, đau khổ sao nhiều quá; bạn cố nhớ lại những ký ức đẹp trong cuộc sống, sao nó chẳng có bao nhiêu.
Ký ức vui không có nhiều vì nghịch lý là tâm mình chỉ để ý nhiều đến những cái làm mình buồn. Tâm để ý đến cái gì nhiều thì nó sẽ chỉ lưu lại những cái đó.
Đứa trẻ 3-4 tuổi, lúc vui thì nó vui, lúc buồn thì nó buồn, nhưng ngay sau đó nó lại cười, nó lại vui. Người lớn thì không buông bỏ được mặc dù sự việc nó đã qua.
Một số người khi về già, họ ước gì họ bị mất trí nhớ, vì trong đầu họ toàn lưu lại những ký ức đau khổ nên họ thấy cuộc đời họ rất khổ.
Trải nghiệm sống thì dĩ nhiên có vui, có buồn, có nhiều loại khoảnh khắc. Nhưng, lưu lại cái gì là do mình tự chọn.
Lúc mình ngủ là lúc các ký ức được lưu lại vào tiềm thức.
Mỗi ngày, bạn nên dành chút thời gian để lọc rác trong ký ức.
Cái nào xấu, tiêu cực, buồn bực, bạn viết ra rồi bấm nút xóa.
Cái nào vui, tốt đẹp, bạn giữ lại.
Ký ức cũng là nghiệp dưới dạng năng lượng. Bạn lưu lại nhiều ký ức xấu thì cũng vô tình mang theo bên mình những nghiệp xấu.
Sàng lọc ký ức cũng là thanh lọc lại năng lượng nghiệp.
Sau này, khi đến lúc phải ra đi thì cái mình mang theo chỉ là năng lượng nghiệp.
Hãy buông bỏ dần dần những ký ức xấu, để sau này khi đến lúc, mình chỉ mang theo những nghiệp thiện lành.