Khi ta nói đến từ ‘’tôi cần’’ (need) thì dường như ta đang nói đến cái rất là thiết yếu và nó quan trọng. Nếu không có những cái cần thiết đó thì cuộc sống, hay công việc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ tôi cần có đủ cơm để ăn, đủ quần áo để mặc, cần có đủ tiền để cho con cái đến trường, cần có một ngôi nhà đủ tiện nghi để ở, cần có chiếc xe để đi lại. Trong công việc thì tôi cần làm tốt công việc để được trả lương, tôi cần phải biết hòa đồng để cùng hợp tác làm việc với mọi người, tôi cần một người sếp có tài có tâm để dẫn dắt v.v.
Nếu cái cần cơ bản đó không có thì chất lượng cuộc sống bình thường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu cái cần cơ bản đó không có trong công việc thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình kiếm tiền để mưu sinh.
Vì vậy khi ta nói đến cái cần thì là ta đang mưu cầu một điều đúng đắn và nó rất cần thiết, và ta nên có những cái cần thiết đó.
Khi mình nói đến ‘’tôi muốn’’ (want) thì dường như ta đang nói đến cái tham vọng. Tham vọng để có thêm, được thêm, được nhiều hơn. Ví dụ tôi muốn được tăng lương, tôi muốn có nhà lớn hơn, tôi muốn được nhiều tiền hơn, tôi muốn được nổi tiếng hơn, tôi muốn được nhiều người biết đến, tôi muốn được nhiều người tôn trọng, sùng bái mình v.v.
Cái muốn, cái tham vọng không có gì sai. Tham vọng cũng là một động lực để thúc đẩy con người phát triển, và xã hội tốt hơn cũng nhờ có tham vọng. Vấn đề quan trọng là cái muốn đó, cái tham vọng đó nó phục vụ mục đích gì, cho ai, và tạo ra giá trị gì thêm cho bản thân, cho cuộc sống.
Cái ”đủ” (enough). Thế nào là đủ. Đủ cho cái gì. Nếu chữ đủ không bao giờ đạt được thì cũng như cái muốn không có điểm dừng. Cái đủ là ranh giới mong manh giữa cái cần và cái muốn. Cái muốn, cái cần, cái đủ, đều là những khái niệm trừu tượng và tương đối đối với tất cả con người.
Khi nào là đủ? Có một nhà triết lý nói rằng ‘’ đối với người không có mục đích sống thì đủ là thêm một chút nữa so với những gì hắn đang có’’, và đây cũng là lý do tại sao cái đủ không bao giờ nó đủ.
Nếu phải thêm một chút nữa, hơn một chút nữa, nhiều một chút nữa so với những cái đang có thì đủ sẽ không bao giờ có điểm dừng. Lúc này cũng tương tự như cái muốn. Cái đủ nó không đủ thì cái muốn nó sẽ không dừng. Lúc này là lúc mình cần hỏi ‘’tại sao mình muốn cái mình đang muốn, mình có thêm cái mình muốn rồi thì sao nữa?’’’ Khi điền vào chỗ trống ta sẽ thấy…. khựng lại. ‘’Tôi muốn có thêm 1 tỷ đồng tại vì….’’ Nếu như vế sau ta điền vào chỗ trống mà có chữ ‘’cần’’ trong đó thì cái muốn đó là cái muốn đúng đắn và nên làm. Ví dụ: tôi muốn có thêm 1 tỷ vì tôi cần có đủ tiền để 4 đứa con có tiền học đại học. Tôi muốn có thêm 1 tỷ nữa sau khi có 1 tỷ đó vì tôi cần có đủ tiền để về hưu, để sống những năm cuối đời mà không cần làm phiền con cháu. Ngược lại, ”tôi muốn được giàu vì tôi ……”. Tôi muốn được giàu vì tôi ”cần được giàu” thì nghe nó như thế nào. Tôi muốn có thêm 1 chiếc xe vì ”tôi cần có 2 chiếc xe” thì nghe cũng sao sao ấy, mặc dù nếu mình cho nó là ”cần” thì nó là ”cần” vậy.
Xét như vậy thì hình như khi cái muốn mà nó đi kèm theo cái cần thiết thì là cái muốn nên được thực hiện. Xét như vậy thì cái cần thường là cái kèm theo giá trị tốt nào đó. Giá trị cho bản thân hoặc giá trị cho người khác. Tuy nhiên, giá trị là gì đối với từng người thì lại là một câu chuyện khác. Vì vậy, quan trọng hơn nữa là mỗi người cần xác định giá trị bản thân là gì, giá trị của họ trong cuộc sống này là gì.
Cái muốn mà nó chân chính và để phục vụ cho người khác hơn là bản thân mình thì nó là cái cần. Cái cần mà nó không làm cho mình hạnh phúc hơn thì nó là cái muốn. Cái muốn không kèm theo giá trị phục vụ lợi ích cho người khác thì sẽ làm mình chạy đuổi theo một ảo tưởng không có giới hạn, và cũng vì thế mà nó làm cuộc đời nhiều người luôn mệt mỏi.