Hôm qua tôi đi thiện nguyện với mẹ gần biên giới Campuchia, một đồng đạo của mẹ tôi ăn sáng chung, ráng ăn cho hết tô hủ tiếu, ảnh bảo: “No quá trời, ăn không nổi nữa, mà bỏ thì tội”.
Tôi hỏi: “Đồ ăn thừa chủ quán làm gì anh?”
Anh trả lời: “Họ cho hàng xóm để cho heo ăn”
Tôi vừa cười vừa nói nữa đùa nữa thật: “Nếu anh ăn thêm thì vừa tội cho anh và tội cho cả con heo. Anh ăn thêm có hại cho anh, đồng thời con heo cũng không có cái để ăn.”
Tội hay phước thì tùy cách nhìn nhận tâm linh, tôn giáo, và tùy khả năng hiểu biết của mỗi người.
Ở đây tôi muốn chia sẻ vấn đề khác, rằng ta luôn có một cách khác để nhìn nhận vấn đề, ta nên xem lại tại sao mình nghĩ những gì mình nghĩ.
Trước tiên, sự việc ta làm nó không nên gây hại cho chính mình, vì mình chưa biết nghĩ cho mình thì làm sao mình biết nghĩ cho người khác một cách đúng đắn. Tiếp đến, việc mình làm không nên gây hại cho người khác, bao gồm trực tiếp và gián tiếp.
Nếu sự việc ấy vừa tốt cho mình và gián tiếp tốt cho kẻ khác (người + con vật) thì cứ làm. Các bậc hiền triết gọi đó là “suy nghĩ sáng suốt”.
Suy nghĩ sáng suốt cũng là suy nghĩ đúng đắn. Suy nghĩ đúng đắn sẽ dẫn đến hành động đúng đắn. Hành động đúng đắn chỉ đơn giản là hành động đó tốt cho mình nhưng không hại người khác, hoặc tốt cho mình và tốt cho người khác.
Người thông minh thì có thể thiện, có thể ác. Có thông minh nhưng dùng nó để làm việc xấu thì chẳng khác nào tà đạo. Người sáng suốt thì thấy được tốt-xấu, thiện – ác phân minh. Vì lẽ đó, ta không cần thông minh mà chỉ cần sáng suốt