Khi cuộc sống có rối ren, ta không nên thêm chất xúc tác vào, nếu không nó sẽ rất rối, giống như thêm dầu vào lửa.
Chất xúc tác thứ nhất là cảm xúc.
Khi gặp khó khăn, một vấn đề bất như ý, bản chất tự nhiên con người là mình sẽ lo lắng, tức giận, bực bội, oán trách v.v. Khi có thêm chất xúc tác này, sự việc tự nhiên trở nên nghiêm trọng gấp nhiều lần.
Chất xúc tác thứ hai là sự thêu dệt thêm sự việc bằng những dòng suy nghĩ miên man trong tâm thức. Những câu tự thoại trong đầu sẽ trỗi dậy như: ‘’tôi nghĩ, tôi đoán, có lẽ, chắc là, tôi cho rằng v.v.’’
Chất xúc tác thứ nhất sẽ làm cho tâm trí bị lu mờ, bị chìm trong cảm xúc, làm cho ta không thể thấy được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, tương tự như mất lý trí.
Chất xúc tác thứ hai làm cho sự việc bị bóp méo sai sự thật, sai với bản chất gốc rễ của vấn đề. Khi vấn đề bị bóp méo sai sự thật, bị suy đoán thì hướng giải quyết cũng ‘’trớt quớt’’.
Giải quyết rối ren, khó khăn, trước tiên ta cần loại bỏ cảm xúc tiêu tực, hoặc ít nhất là giảm mức độ của cảm xúc này xuống thấp nhất. Mà để loại bỏ cảm xúc lúc này thì ta cần nhận biết được cảm xúc.
Để nhận biết được cảm xúc ta cần nhìn vào bên trong, vì cảm xúc xuất phát từ bên trong. Nhìn vào bên trong là cảm nhận được cơ thể mình và nhận biết được suy nghĩ của mình. Để nhận biết được suy nghĩ và cảm nhận được cơ thể thì việc trước tiên là phải làm cho thân và tâm chậm lại. Ta chỉ có thể thấy mọi thứ rõ ràng khi nó chậm lại.
Thân chậm lại là thân phải ở yên một chỗ, không bị những thứ khác làm bận rộn tay chân. Tâm chậm lại là tâm ít suy nghĩ lại. Cách đơn giản nhất để làm việc này là tập trung vào hơi thở.
Khi hít vào và thở ra thật chậm, ta cảm nhận được từng hơi thở. Sau khi quen dần với hơi thở, ta tự nhiên cảm nhận được sự nặng nề của cơ thể, và cảm nhận được cảm xúc của mình.
Khi nhận biết được cảm xúc của mình (lo, buồn, bực, giận, oán, trách, sợ v.v.), hãy chấp nhận rằng cảm xúc mình đang hiện hữu. Ta đang giận, biết rằng ta đang giận, mình đang sợ, chấp nhận rằng mình đang sợ, ta đang lo lắng thì nhận biết rằng ta đang lo lắng. Sau đó, hãy tập trung lại vào hơi thở.
Cũng trong lúc ngồi tập trung hơi thở, ta xem mình đang suy nghĩ gì. Trong những dòng suy nghĩ đó, hãy quan sát xem mình có thêm những từ như ‘chắc là, cho là, có lẽ là, chắc tại vì, có lẽ nào v.v.’ Nếu có, mà thường là có, thì hãy nhận biết nó, rồi quay lại tập trung vào hơi thở.
Chỉ cần lặp lại vài lần như trên, cảm xúc sẽ giảm dần và suy nghĩ cũng sẽ giảm dần. Lúc đó là lúc ta có thể bắt đầu phân tích tìm nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.