Có một gia đình làm nghề ‘’chà lúa’’ (xay xát lúa), vựa và mua bán gạo ở miền tây. Người cha muốn có thêm lời nên thuê một thợ chuyên chỉnh cân thật giỏi để chỉnh cân giảm xuống, tức cân 1kg gạo nhưng thực chất chỉ có 900 gam gạo. Đứa con gái ở trong phòng nhìn lén, thấy và nghe hết việc cha mình làm. Đêm sau, đợi mọi người đi ngủ, cô con gái đem cân đi gặp lại người thợ cân nhưng không biết cô ấy làm gì.
Gần mười năm sau, gia đình trở nên giàu có nhờ bán được rất nhiều gạo. Một buổi chiều, trong mâm cơm gia đình, người cha nói với các con với giọng tự hào ‘’các con biết nhờ ai mà nhà mình được như ngày hôm nay không?’’ Các con im lặng không ai đáp. Người cha nói tiếp ‘’nhờ cha đó, mình bán 1kg gạo nhưng thực chất chỉ có 900 gam thôi, thương trường thì mình phải có mưu kế, phải khôn ngoan mới thắng được, các con hiểu chưa!’’.
Vài phút sau, đứa con gái mở lời ‘’Con xin lỗi cha nhưng không phải vậy. Sau khi cha bảo ông thợ cân chỉnh cân lại, con đã trả tiền ông ấy gấp đôi để kêu ông ấy chỉnh lại cân. ‘’ ‘’Hả? Con kêu ông ấy chỉnh thêm nữa hả? ‘’ ‘’Dạ’’ – cô con gái đáp. Ông già vỗ đùi nói ‘’Hay, con hơn cha nhà có phúc, con làm vậy là còn giỏi hơn cha rồi’’. Đứa con gái im lặng vài giây rồi đáp ‘’Nhưng con kêu ông ấy tăng lên kiểu khác, thay vì bán 1 ký thì con kêu ổng chỉnh làm sao để bán 1kg nhưng thực sự là một ký mốt. Vì con thấy bà con xung quanh mình lúc đó ai cũng nghèo, nhà mình lúc đó cũng khá giả nên con làm như vậy để giúp đỡ bà con mình’’. Người mẹ để chén cơm xuống rồi bảo ‘’Tôi không biết hai cha con ông làm gì nhưng tôi thấy càng ngày người ta mua gạo mình càng nhiều, nhiều mối lái ở xã khác cũng chạy ghe qua mình mua gạo. Nếu con Hai nó nói dzậy thì chắc có lẽ tiếng lành đồn xa nên nhà mình mới có ngày hôm nay. Nếu con Hai nó không làm dzậy, bán bằng cái cân của ông chắc giờ này cả nhà này ra đường ở lâu rồi, ở đó mà lên giọng dạy con cái chuyện thất nhơn thất đức..’’
Mấy chục năm trước, tôi phụ mẹ tôi bán tàu hủ ở chợ. Xung quanh sạp mẹ tôi có đến 6-7 cái sạp tàu hủ khác, chỉ cách nhau có mười mấy hai mươi mét. Sạp mẹ tôi ở giữa ngã ba chợ, tức là người đi chợ phải đi qua hết 6-7 sạp kia rồi mới đến sạp của mẹ tôi. ‘’Vị trí kinh doanh thật là tệ’’. Miếng tàu hủ của nhà tôi không những không có gì đặc biệt mà còn xấu hơn người ta vì không có dùng chất này chất nọ để làm cho miếng tàu hủ nó trắng hơn, cũng không dùng thêm cái gì để nó được bảo quản lâu hơn, vì vậy tàu hủ trắng mà để qua một đêm là nó ‘’hôi chua’’. Vậy mà lúc nào cũng đông người mua. Những ngày rằm, 30 âm lịch, có khi phải nhờ đến 3-4 người bán mới xuể trong khi mấy sạp kia thì thỉnh thoảng mới có một người mua. Sau này để ý tôi mới biết, mẹ tôi vừa bán vừa cho. Cả cái thị trấn có biết ai là ai mà hể thấy mấy ông bà già nghèo nghèo là cứ cho thêm một hai miếng tàu hủ. Mẹ tôi ‘’bán thiếu bán chịu’’ cho rất nhiều người, ai trả thì trả, không trả cũng không nhớ hết ai là ai và có biết họ ở đâu mà đòi. Mẹ tôi có rất nhiều ‘’tía’’ và ‘’má’’ vì mấy người già đi chợ mua tàu hủ mẹ tôi đều gọi bằng tía, bằng má. Không biết vừa bán vừa cho như vậy thì một miếng tàu hủ lời được bao nhiêu nhưng những ‘’cái cho, cái bán thiếu’’ đó đã nuôi mấy anh em tôi ăn học để có ngày hôm nay.
Mười mấy năm gần đây tôi bắt đầu học thế nào là phát triển bền vững cho doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp. Bao nhiêu sách vở nói nào là phải biết tâm lý chăm sóc khách hàng, nào là phải biết thị trường, biết giữ nhân tài v.v. nhưng không sách nào dạy rằng ‘’kinh doanh cũng như sống, sống không thật tâm thì cuộc sống trước sau cũng đau khổ, kinh doanh không thật tâm thì trước sau cũng lụi tàn.’’ Bền vững phải đi từ gốc đi lên, phải đi từ bên trong cái giá trị tốt, cái chân chính, cái chân thật của con người. Tất cả những mưu mẹo, kế sách có thể giúp đạt được một đột phá trong một thời gian ngắn, nhưng bền vững thì không thể, bền vững không thể nhờ mưu kế, mánh lới. Bền vững của một doanh nghiệp thời nay có khi cần 10 đến 15 năm để chứng minh vì cái ‘’quả’’ nó thường đến rất chậm. Cái ‘’quả của cuộc sống’’ có khi cuối đời nó mới đến, có khi nó cũng không đến kiếp này, nhưng đã có ‘’nhân’’ thì trước sau cũng có ‘’quả’’…
Mỗi người chúng ta cần xem xét lại mỗi ngày mình đã suy nghĩ những gì, đã nói gì, đã làm những gì, vì tất cả là chúng ta đang gieo nhân cho cái quả sau này.