Khi nói tới chữ ‘’tu hành’’ hay ‘’giác ngộ’’, chúng ta thường nghĩ tới một người bỏ hết cuộc sống vật chất, bỏ cuộc sống đô thị để về quê, lên núi ăn chay, tụng kinh, niệm Phật. Khi nói đến giác ngộ, ta thường hình dung đến một người mặc áo nâu sồng, đi chân đất, cạo trọc đầu.
Vì sao con người chúng ta thường nghĩ như vậy? Vì đó là những gì ta thường nghe, thường thấy trên mạng xã hội, trên phim ảnh. Một lý do lớn khác nữa là chúng ta bị ảnh hưởng bởi câu chuyện thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm (Đức Phật Thích Ca) bỏ cung vàng điện ngọc, bỏ vợ đẹp con ngoan để đi tìm đường giải thoát khổ đau cho chúng sanh.
Vậy thì một người giàu, có nhiều tiền, vừa có gia đình, vừa làm kinh doanh, vừa bận bịu nhiều thứ thì có thể tu hành và có thể giác ngộ thoát khỏi khổ đau hay không?
Nếu người làm kinh doanh mà họ làm chân chính, không lừa gạt, không mưu mẹo để trục lợi bất chính, công việc kinh doanh của họ không giết hại sinh linh nào, không hại người trực tiếp hoặc gián tiếp thì họ đã thực hành đúng theo Chánh mạng.
Trong việc kinh doanh, quá trình làm giàu của họ, họ không có hành động gì xấu xa hại người khác, lời nói, hành động của họ đều thiện lành thì họ đã thực hành Chánh nghiệp.
Trong công việc kinh doanh, trong cuộc sống, họ ý thức được lời nói, hành động và suy nghĩ của mình, biết được các cảm xúc tham sân si của mình và kiểm soát chúng thì họ đã thực hành theo Chánh niệm.
Họ có nhiều tiền nhưng họ có cái nhìn nhận đúng đắn về tiền, không tham lam, không bám bíu, không phụ thuộc vào đồng tiền làm thay đổi bản chất tốt đẹp của họ, họ còn dùng tiền để làm nhiều việc thiện lành thì họ đã thực hành Chánh kiến.
Khi làm ăn kinh doanh hoặc trong cuộc sống hàng ngày, với xã hội cũng như trong gia đình, họ luôn giữ được kỷ luật bản thân để nói lời hay, lời tốt đẹp, họ không điêu ngoa, không nói lời hai lưỡi thì lúc đó họ đã thực hành đúng theo Chánh Ngữ.
Họ luôn hướng đến Chân-Thiện-Mỹ để sống, họ suy nghĩ tích cực, lạc quan, không nghĩ xấu về người khác, họ không có suy nghĩ tà dâm, không lập mưu tính kế để hại ai, họ luôn nghĩ về những gì đúng đắn và tốt đẹp thì lúc đó họ đã thực hành theo Chánh tư duy.
Dù công việc bận rộn nhưng họ vẫn dành thời gian để trao dồi tâm trí của họ, họ thường quán chiếu về cuộc đời và thường xuyên quán niệm về sự sống an lành của họ và của người khác, họ thường tìm cách để giúp người khác được tốt hơn thì đó là họ đã thực hành Chánh tinh tấn.
Ngoài việc rèn luyện thân xác cho khỏe mạnh thông qua tập thể dục, chơi thể thao, họ cũng dành nhiều thời gian để thiền giúp cho tâm họ được an yên, sáng suốt, tìm về trốn yên bình bên trong, dù bên ngoài cuộc sống họ vẫn bận lo xử lý nhiều việc, thì lúc đó họ đã thực hành Chánh định.
Nhiều doanh nhân, người giàu có trên thế giới làm được tám điều trên theo lời dạy của Đức Phật. Khi về già, tuổi xế chiều, họ an yên, bình thản sống những ngày còn lại. Họ thấy mãn nguyện với cuộc đời, không có gì vướng bận, không hối hận, không lo lắng, buồn phiền, sẵn sàng để ra đi trong thanh thản, thì sự ra đi của họ cũng chẳng khác gì lúc Đức Phật nhập niết bàn.
Điều này hoàn toàn thực tế và có thể. Đức Phật cũng không nói rằng người giàu không thể tu, người giàu không thể giác ngộ. Ngài cũng không nói rằng người nghèo mới dễ tu, người nghèo mới dễ giác ngộ. Hay nói cách khác, giàu nghèo, sang hèn không liên quan gì đến việc tu hành và giác ngộ. Ở thành thị hay ở thôn quê cũng không liên quan. Màu da, vị tri địa lý châu Phi, châu u, châu Á cũng không liên quan.
Tám điều trên, doanh nhân, người giàu, người nghèo, bất kỳ ai cũng có thể làm, nhiều người đã từng làm và đang làm như thế.
Để làm tám điều trên, chúng ta không cần phải bỏ nhà, bỏ gia đình, bỏ công việc làm để lên núi hay vào chùa.
Chúng ta có thể làm tám điều trên ngay ở đây, ngay lúc này.