Vài tuần trước, trong chuyến đi khảo sát thiện nguyện ở huyện An Lão, Bình Định, tôi ghé thăm một vài nhà để khảo sát thực tế trong một thôn thuộc xã An Toàn. Người mẹ nói có hai đưa con. Tôi hỏi còn đứa con kia đâu. Người mẹ nhìn xuống sàn nhà im lặng một hồi lâu rồi nói ‘’chết rồi…’’. Thằng bé mới có 1 tuổi. Trước nhà có một khu đất thấp. Nước mưa làm nước đọng lại thành một cái hố nước nhỏ cao chỉ 20-30 cm. Thằng nhỏ chạy ra sân chơi, té như thế nào mà mặt úp xuống vũng nước rồi ngộp ngước không ai biết. Nó chết chỉ mới… bốn ngày.
Con gà, con chó còn biết bảo vệ con mình bằng mọi giá huống chi là con người. Con bò lúc nó sắp bị người ta đập đầu nó còn khóc. Con bò cũng có nước mắt, cũng có sự cảm nhận sinh tử huống chi là con người.
Nhìn ánh mắt vô hồn xa xăm của bà mẹ, lòng tôi rối bời, không biết tâm trạng mình như thế nào để mà tả. Người mẹ ấy, vừa mất con, ngồi trước mặt tôi, đang đau khổ, đang buồn khổ đến mức nào! Họ nghèo lắm, nhà không có gì nhưng mà tình thương của họ đối với con cái nó có khác gì so với những người mẹ khác? Họ là người dân tộc, không được đi học, không có kiến thức nhưng tình thương của họ với con cái nó có ít hơn so với người khác? Người mẹ này ngồi trước mặt tôi, không khóc, nhưng sự đau đớn cho mất mát đó làm sao đo đếm hết được bằng những giọt nước mắt.
Người giàu tiền thì tình thương của họ nó nhiều hơn? Những người cha người mẹ biết ăn nói, biết thể hiện sự quan tâm với con cái bằng những lời nói em dịu ngọt ngào hàng ngày thì tình thương ấy có nhiều hơn tình thương của những người cha người mẹ chỉ biết lam lũ, thức khuya dậy sớm lo bữa ăn qua ngày cho các con? Những người cha người mẹ ấy không biết nói lời ngon tiếng ngọt mà chỉ biết đầu tắt mặt tối, rồi thô lỗ, cộc cằn, nạt nộ la mắng con cái thì tình thương của họ có ít hơn? Những người cha người mẹ bị câm điếc thì tình thương của họ dành cho con cái nó có khác không, trong khi họ không nói được một lời nào với con cái.
Tôi tin rằng, những người cha người mẹ có hoàn cảnh khó khăn, dù là hoàn cảnh gì, thì nó như là một đặc quyền để họ được trải nghiệm tình thương sâu sắc hơn những người cha người mẹ có điều kiện. Vì qua những khó khăn đó, tình thương của họ nó được thể hiện gấp nhiều lần thông qua sự hy sinh vô điều kiện để lo cho con cái. Điều kiện hoàn cảnh đó như là một thử thách để họ chứng minh tình thương của họ một cách rõ ràng nhất, cao cả nhất. Cũng cùng là chăm lo cho con cái nhưng ở cuối đời những người cha người mẹ nghèo khó, bệnh tật, sẽ thấy đời mình nhiều ý nghĩa hơn khi nhìn lại một quảng đời đầy gian nan cực nhọc nhưng đã lo được cho con cái thành nhân. Hoàn cảnh khó khăn đó là cái bất hạnh khi so sánh với người có điều kiện hơn nhưng nhìn một góc độ khác thì nó là một đặc ân để cuộc sống của họ có một cơ hội được trải nghiệm sự hy sinh cao cả, trải nghiệm tình thương qua gian khó, trải nghiệm sự trắc ẩn và những ý nghĩa vi diệu của cuộc đời.
Thông qua sự trải nghiệm khó khăn, gian khổ, tình thương dành cho nhau đó, con cái họ cũng biết ơn cuộc đời hơn, biết hiếu đạo hơn, biết ơn nghĩa hơn, biết san sẻ hơn, biết hy sinh hơn cho người khác. Cả người cha người mẹ và các con lúc này cũng có những nhìn nhận về cuộc đời một cách khác, cách mà ”những người muốn gì có đó’’ không có cơ hội để trải nghiệm. Vì vậy, những người giàu sang tiền bạc chưa hẳn là có phúc báu, chưa hẳn là có đặc ân của cuộc đời, mà đôi khi còn ngược lại.