Mỗi ngày có cả trăm thứ phải làm, có hàng ngàn thứ phải nghĩ.
Nhưng thời gian và năng lượng sống của ta có giới hạn.
Trừ thời gian đi làm, ngủ nghỉ, ăn uống, vệ sinh, di chuyển đi lại xong, ta còn lại chỉ vài tiếng..
“Chánh tinh tấn” của thời hiện đại và bận rộn nên là:
“tập trung phát triển những gì đúng đắn và cần thiết”.
Đúng đắn thì tuỳ tri thức mỗi người mà nhìn nhận khác nhau.
Còn cái cần thiết thì ai cũng như nhau, chỉ có vài yếu tố rất cần thiết cho một cuộc sống đầy đủ, an vui.
Các trụ cột cần thiết quyết định một cuộc sống đầy đủ, an vui, hạnh phúc: tài chính đủ; sức khoẻ tốt; gia đình an vui; cộng đồng/bạn bè; sức khoẻ tinh thần; tâm linh (ý nghĩa)
Tôi đã áp dụng cách dùng câu hỏi dưới đây, nó rất hiệu quả, nhưng đôi khi tôi cũng quên.
Mong anh chị em xem xét, hy vọng nó hữu ích với mọi người.
Tập trung mỗi ngày chỉ một việc bằng cách đặt câu hỏi và tự trả lời: ”Nếu như chỉ có một việc mà tôi làm được, và nếu tôi làm mỗi ngày, thì… [kết quả mình mong muốn], thì việc đó là gì? ”
Ví dụ:
Nếu như chỉ có một việc mà tôi làm được, và nếu tôi làm mỗi ngày thì thu nhập của tôi sẽ tốt hơn, thì việc đó là gì?
Ví dụ: Nhân viên làm văn phòng: cải thiện một kỹ năng
Lãnh đạo: cải thiện lãnh đạo
Chạy xe công nghệ: chào hỏi, cười vui với khách
Bán hành online: giữ lời hứa giao hàng đúng giờ v.v.
Nếu như chỉ có một việc mà tôi làm được, và nếu tôi làm mỗi ngày thì tôi sẽ khoẻ khoắn hơn, có năng lượng sống lạc quan hơn, thì việc đó là gì?
Ví dụ: chạy bộ 10 phút; yoga 10 phút; tập cardio 10 phút v.v.
Nếu như chỉ có một việc mà tôi làm được, và nếu tôi làm mỗi ngày, thì gia đình tôi an vui hơn, thì việc đó là gì?
Ví dụ: nói chuyện với con cái trước khi đi ngủ; chơi với con 15 phút mỗi ngày; đọc sách cùng con; gọi điện hỏi thăm ba mẹ 10 phút, v.v.
Nếu như chỉ có một việc mà tôi làm được, và nếu tôi làm mỗi ngày, thì đời sống tinh thần của tôi được an yên hơn, thanh thản hơn, thì việc đó là gì?
Ví dụ: tập hít thở, thiền, viết hồi ký, cầu nguyện v.v.
Câu hỏi này chúng ta có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh trong cuộc sống.
Tuỳ lứa tuổi khác nhau mà ta có thể đặt câu hỏi khác nhau.
Ví dụ tôi đã và đang đặt một câu hỏi mà những người lớn tuổi ai cũng nên hỏi:
“Nếu như chỉ có một việc mà tôi làm được, và nếu tôi làm mỗi ngày, thì ngày tôi ra đi sau này sẽ được mãn nguyện, thanh thản, thì việc đó là gì? ”
Loại câu hỏi này đánh thức sự tư duy bên trong, khơi dậy những ý nghĩa sâu thẳm của những gì mình đang làm và tại sao mình làm những việc ấy, và nó giúp mình quay về với những gì quan trọng nhất.
Dù bạn đang muốn gì, cần thì, hoặc muốn giải quyết khó khăn, hãy thử điền vào chỗ trống, bạn sẽ thấy hoặc là nhức nhối, hoặc là được tự khai thị khi tự trả lời câu hỏi của chính mình.