Một doanh nhân có tài sản 100 tỷ; chứng khoán + bất động sản lao dốc, anh ta mất 50 tỷ.
Một bác nông dân có tài sản 1000 con vịt; dịch bệnh làm chết 500 con.
Cũng là mất 50% tài sản như nhau, nhưng anh doanh nhân và bác nông dân ai khổ hơn ai hay là đều khổ như nhau?
Một gia đình bình thường ăn cơm tối cùng nhau với canh chua, cá kho, rao xào, vừa ăn vừa tám chuyện đủ thứ, tụi nhỏ cười giỡn đến nỗi sặc cơm.
Một gia đình thượng lưu ăn tối trong nhà biệt thự với món bò bít tết kobe, hải sản tôm hùm, mạnh ai nấy ăn, vừa ăn vừa bấm điện thoại, chơi game.
Hai gia đình trên, gia đình nào hạnh phúc hơn gia đình nào?
Hai người bạn cùng bỏ quê lên thành phố lập nghiệp. Sau 20 năm, hai người về quê họp lớp. Anh A có nhiều nhà đất, nhiều xe, đeo đồng hồ hàng hiệu trị giá gần cả tỷ. Anh B thì làm thầy giáo bình thường, vừa dạy vừa trồng trái cây, bộ đồ anh ấy mặc trị giá 200 nghìn đồng.
Suốt buổi họp lớp, anh A chỉ nói về công việc kinh doanh và thành công của mình, thỉnh thoảng thêm vào vài lời chê trách xã hội, chế độ; anh ấy không bao giờ cười, mặt mày thường nhăn nhó. Anh B thì chỉ nói về tụi học sinh thường về thăm anh ấy, nói về mấy đứa học sinh vượt khó giờ được học bổng, nói về câu chuyện khó khăn của thầy cô; anh ấy cười giỡn suốt buổi.
Hai người bạn này, ai thành công hơn ai? Ai hạnh phúc hơn ai?
Tất cả những người trên, ai đau khổ hơn, ai hạnh phúc hơn, ai thành công hơn thì chỉ có họ mới biết, vì cái hạnh phúc, cái đau khổ, cái thành công của mỗi người mỗi khác.
Mỗi người một cuộc đời.
Nếu mình lấy cuộc đời của mình so sánh với cuộc đời của người khác thì có nghĩa là mình đang không sống cuộc đời của mình. Không sống cuộc đời của mình cũng đồng nghĩa mình đang sống cho người khác chứ không phải sống cho chính mình.
Sống cho chính mình theo cách của riêng mình thì không có gì phải khổ; sống theo tiêu chuẩn của người khác thì chắc chắn sẽ khổ.