Chúng ta nghe nhiều Pháp, đọc nhiều sách, nhưng cái nào thực tế, dễ thực hành, vừa thực hành và vừa vẫn sống đời sống thành công, an vui, ý nghĩa, thay vì phải bỏ nhà đi tu, mới là khó.
Trong câu hỏi trên, ai là người tham, ai là người sân si, ai là người ngạo mạn và cố chấp? Chính bản thân chúng ta. Người ngoài không thể đem cái tham, sân si, ngạo mạn và cố chấp đó nhét vào tâm thức chúng ta được, họ chỉ có thể ảnh hưởng đến ta, nhưng bị ảnh hưởng, bị điều khiển hay không là do ta tự quyết định, và chúng ta, bạn và tôi, hoàn toàn có khả năng đó.
Tham, sân, si, ngạo mạn xuất phát từ phát từ đâu? Tất cả xuất phát từ suy nghĩ của mình. Nếu nó xuất phát từ suy nghĩ thì phải được diệt trừ từ suy nghĩ. Quá trình này cần đi qua năm bước.
1/ Nhận biết:
Mọi thứ từ suy nghĩ mà ra, nếu không nhận biết được suy nghĩ thì không thể diệt trừ suy nghĩ, giống như muốn giết được giặc thì phải thấy được giặc.
Một suy nghĩ tham, sân si khởi lên thì ta phải nhận biết được rằng ta đang có suy nghĩ tham, sân si. Nếu suy nghĩ khởi lên là ngạo mạn thì ta cần nhận biết được ta đang ngạo mạn; ta đang cố chấp thì phải nhận biết được ta đang cố chấp.
Để nhận biết được chúng, tâm ta cần ít suy nghĩ lại, tĩnh lặng lại một chút, bình thản lại một chút. Việc này ta có thể tập thông qua thiền định hoặc tập cách tập trung vào hơi thở nhiều lần trong ngày. Khi suy nghĩ chậm lại, ít lại, thông quan thiền hay tập trung vào hơi thở, là lúc đó giữa các suy nghĩ có một khoảng trống. Khoảng trống này cho phép ta xem xét các suy nghĩ, thay vì để chúng chạy miên man. Giống như cái bánh xe máy đang quay nhanh, bạn không thể đưa tay vào chụp lấy vành xe, mà phải làm cho nó quay chậm lại rồi bạn mới có thể đưa tay vào nắm lấy vành xe. Suy nghĩ cũng vậy, chỉ khi chúng chậm lại thì bạn mới có thể can thiệp vào giữa các suy nghĩ.
2/ Chấp nhận:
Sau khi nhận biết được các suy nghĩ tham sân si đang khởi, thì ta chấp nhận nó như là một phần của bản chất tự nhiên của con người, không phán xét, không chỉ trích các suy nghĩ của mình. Chỉ chấp nhận nó như đúng với bản chất của nó, cứ để nó đến rồi để nó đi.
3/ Thay đổi:
Sau khi chấp nhận các ý nghĩ tham, sân si, ngạo mạn hay những ý nghĩ xấu đang hiện hữu, ta tự lặp lại những lời tự thoại trong tâm thức để nhắc nhở bản thân mình thật sự muốn thay đổi. Những câu ta nên lặp lại như: ‘tôi không phải là suy nghĩ này, tôi không phải là cái tâm này, tôi có thể thay đổi suy nghĩ của mình, tôi có thể diệt trừ những suy nghĩ này.’ Đây là quá trình hành động thực tế để thay đổi tâm thức.
4/ Kiên trì:
Hành động một lần, một tuần sẽ không có gì thay đổi. Cái gì cũng cần có thời gian tập luyện. Mỗi ngày ta thiết lặp cho mình một thói quen hành động để quan sát suy nghĩ. Những suy nghĩ tham, sân si dần dần sẽ giảm đi và không còn tác động đến đời sống chúng ta nhiều như trước. Vì sao? Vì khi ta nhận biết được nó thì ta sẽ không để nó biến thành hành động, không có hành động tiêu cực từ nó (Nhân) thì ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi cái kết quả xấu của nó (Quả). Diệt trừ được Nhân thì không sanh ra Quả. Diệt trừ được một Quả là diệt trừ được thêm một Nhân mới.
5/ Quán chiếu:
Sau vài tháng, ta tự xem lại thành quả của những gì mình đang tập, xem nó có thật sự hiệu quả hay không. Nếu nó hiệu quả, tức là phương pháp ta thực hành nó đúng cách và thực tế. Nếu hiệu quả, ta tiếp tục làm. Nếu không hiệu quả, ta nên quay lại từ bước 1.
Phương pháp này Đức Phật ngày xưa đã áp dụng và các bật chân tu cũng áp dụng.
Áp dụng phương pháp này, ta không những diệt trừ được tham, sân si mà còn diệt trừ được tất cả các cảm xúc và trạng thái tâm thức tiêu cực khác, như: bồi hồi, bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, mặt cảm, tự ti, ghen tị, và tất cả những loại đau khổ trong tâm thức.
Hơn 10 năm, tôi đã học và thực hành như thế. Nó rất đơn giản. Cái khó ở đây là sự kiên định, kiên trì thực hành bằng hành động cụ thể. Chúng ta có nghe Pháp một nghìn lần, đọc một trăm quyển sách mà không hành động gì thì cũng sẽ không có gì thay đổi.
Mọi thành quả đều là một quá trình rèn luyện và thực hành. Sau khi có thành quả rồi ta vẫn phải tiếp tục thực hành để duy trì thành quả. Cái khác là sau một thời gian, chúng ta sẽ lên được một tầm cao mới, rồi tiếp tục đi nữa, lên cao nữa, tiếp tục học và thực hành thì bạn sẽ chứng đắc được nhiều điều vi diệu.
Hành trình này ai cũng có thể làm, bao gồm người có học vị, không có học vị, người chủ, người làm công, người giàu, người nghèo, da đen, da vàng hay da trắng.
Hành trình này ai cũng có thể đạt, ai cũng cũng có thể chứng đắc,
như Đức Phật đã từng dạy: ‘Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành’.
Chúng ta có lẽ không giác ngộ được hoàn toàn để thành Phật, nhưng nếu áp dụng được những con đường Đức Phật đã dạy thì cuộc sống hiện tại sẽ bớt những khổ đau, an vui hơn, hạnh phúc hơn. Và nếu như cuộc sống này luôn được an vui thì bạn chẳng cần phải về Thiên đàng hay đến Niết Bàn để làm gì. Lúc bạn được an vui, hạnh phúc, thì Niết bàn là đây, Thiên đàng cũng là đây… tất cả chỉ bắt đầu từ một Niệm.