Ba tôi là người duy nhất ở xóm học nghề làm tàu hủ thập niên 80. Thay vì để một mình mình độc tôn trong nghề, ba tôi lại dạy nghề cho anh em kết nghĩa hàng xóm, cho bà con gần nhà. Không những dạy nghề miễn phí mà còn tự chi tiền túi ra để mua một số dụng cụ cho họ để họ có cái nghề. Có một người bác chuyên giết gà vịt bán ở chợ, ba tôi bỏ mấy ngày đêm qua giúp xây lò nấu, dạy nghề mấy tháng, cho mượn tiền mua đậu nành. Mục đích là ba tôi muốn họ bỏ cái nghề giết gà vịt để chuyển sang cái nghề thiện hơn.
Sau một thời gian, thay vì chỉ có một sạp bán tàu hủ duy nhất thì xung quanh sạp của má tôi có đến sáu bảy sạp khác bao quanh. Sạp của má tôi ở ngay ngã ba chợ, chỗ đông nhất. Nhưng để đến được sạp của má tôi thì người mua phải đi qua tất cả các sạp kia từ ba hướng. Nói chung là sạp của má tôi là điểm đến cuối cùng.
Nhưng ngộ thay, sạp của má tôi lúc nào cũng đông nhất. Bình thường, những ngày rằm hay ba mươi âm lịch, nhà người ta chỉ nấu được năm sáu chục ký đậu là nhiều, còn nhà tôi thì mỗi ngày đến hai ba trăm ký. Sạp người ta chỉ có một người bán, sạp má tôi thì ba người bán không xuể. Những người mà ba tôi dạy nghề cho họ trở thành những đối thủ cạnh tranh; họ làm miếng tàu hủ lớn hơn nhưng bán giá thấp hơn để giành khách. Ngộ thay, nó vẫn không thay đổi gì nhiều. Sạp của má tôi vẫn đông khách nhất.
Cũng mất gần hai mươi năm sau đó tôi mới ngộ ra được những bài học từ ba má mình. Cách má tôi bán tàu hủ rất khác. Má tôi chưa bao giờ lớn tiếng, chưa bao giờ cãi cọ với bất kỳ ai. Nếu khách mua là người già thì má tôi xưng hô “dú”, khi thì “má”; đàn ông thì có khi má gọi là “tía”, có khi gọi “ba”. Dưới quê nhiều người ăn tàu hủ không phải vì họ có tôn giáo hay họ ăn chay mà đơn giản là tàu hủ nó rẻ. Nhiều người không có tiền ăn thịt cá nên mua vài ngàn đồng tàu hủ và nấm rơm là kho được một nồi kho không thịt. Thấy ai nghèo nghèo, già già, má tôi bán một miếng cho một miếng. Không quen biết gì nhưng ai muốn mua thiếu cũng được, dĩ nhiên má tôi làm sao nhớ ai là ai. Có lần tôi phụ bán Tết, cả đống người già bu lại, vừa mua vừa nói: “Cho má trả 5 ngàn hôm bữa, cho tía gửi 3 ngàn thiếu hôm kia v.v.’’, cả ngày không biết bao nhiêu người trả tiền như vậy. Má tôi chỉ dạ dạ chứ làm sao nhớ ai thiếu bao nhiêu.
Có lẽ do cách ba bá tôi sống, cách má tôi cư xử, mà mấy chục năm bán tàu hủ không ai ghét, cả cái chợ huyện ai cũng mến, người đi chợ miễn ai mua tàu hủ thì nhớ má. Lý do họ mua tàu hủ của má rất nhiều: mua để ủng hộ, mua để giúp, mua vì không đủ tiền mua chỗ khác, mua vì thích, vì quý, vì thương, vì mến. Có rất nhiều lý do tại sao má tôi bán được nhiều gấp mấy lần người khác nhưng không có lý do nào là do giá rẻ hay tàu hủ ngon hơn. Giá bán cũng như người khác, miếng tàu hủ có khi còn tệ hơn người khác vì không có thêm chất này chất họ nên tàu hủ không được dai, không được đẹp bằng. Mấy chục năm sau tôi mới học được bài học rằng cách mình sống cũng như cách mình kinh doanh: đạo đức nghề nghiệp, sự chân thành, lòng tốt, biết quan tâm thật sự với người khác… mới quyết định sự bền vững trong cuộc sống, dù mình làm bất cứ công việc gì.
Năm 1989, ba tôi bị té cây liệt nửa người, trong lúc thập tử nhất sinh, bán hết tài sản để chữa bệnh, thay vì người khác thì đi vay, đi kiếm chỗ để mượn tiền thì ba má tôi được nhiều người chủ động đến nhà cho mượn tiền, giống như họ cho mượn tiền mà họ còn phải đi năn nỉ mình.
Những ngày ba sắp mất, nhiều người biết bệnh tình, hùng tiền thuê xe, đi mấy trăm cây số để lên thăm, tôi tự hỏi lòng: “Nếu sau này mình bị bệnh nặng, sắp mất như ba, được bao nhiêu người bỏ công ăn việc làm, lặn lội cả ngày để đi thăm mình..!”.
Trích: Hồi ký – Nhớ Ba.