Học để làm ra tiền khá dễ, học để cho đi rất khó. Bản chất tự nhiên của con người ai cũng muốn có thêm, gom góp thêm, thu nhặt thêm, chuyện này bình thường.
Cho hay không là quyền của mỗi người. Không phải họ không cho đi là họ xấu, vì họ đâu có làm hại ai đâu mà xấu. Họ ích kỷ? Ích kỷ cũng là một bản chất của nhân loại, không ích kỷ mới lạ, ích kỷ là bình thường. Điều đáng nói là tại sao mình nên cho đi, cho đi thì được gì?
Cho đi có nhiều lợi ích. Bỏ qua về niềm tin tôn giáo, ở đây ta chỉ cần nói lợi ích về khoa học tâm tâm lý thực tế được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, chứng minh.
Cho đi giúp cải thiện sức khỏe tốt hơn, tại sao? Vì cho đi giúp tăng lòng trắc ẩn, khơi dậy lòng biết ơn với cuộc sống, tạo ra thêm ý nghĩa trong cuộc sống. Lòng trắc ẩn, sự biết ơn, và ý nghĩa cuộc sống là 3 yếu tố quan trọng giúp tinh thần an vui, giúp tâm thấy hạnh phúc. Sức khỏe tinh thần cải thiện thì sức khỏe cơ thể cũng cải thiện theo.
Cho đi ở đây không chỉ là là tiền, mà ý nghĩa của nó là giúp người khác bằng nhiều hình thức. Có khi bạn dừng lại 5 phút giúp bà lão qua đường cũng là cho đi, bạn dành thời gian trò chuyện với người già neo đơn không con cái cũng là cho đi, bạn dành thời gian tình nguyện làm một việc gì đó cho người khác khi họ cần cũng là cho đi.
Bạn cho người ăn xin cơ nhỡ 5 nghìn, 10 nghìn cũng là cho đi; bạn cho đi cái quần, cái áo bạn không còn nhu cầu mặc cũng là cho đi.
Không có ai sinh ra là ích kỷ, cũng không ai sinh ra tự nhiên là rộng lượng, khoan dung. “Nhân chi sơ tính bản thiện” – con người sinh ra ai cũng mang theo một hạt giống thiện. Lòng trắc ẩn cũng phải tập mới có. Lúc đầu cho đi thấy tiếc tiếc, dần dần thấy quen, rồi tự nhiên sau này mỗi lần cho đi… thấy vui vui.
Cho đi dĩ nhiên có là có tốt cho người khác, nhưng trước tiên là nó tốt cho sức khỏe tinh thần, đời sống tâm linh của mình, vì vậy “giúp người cũng là tự giúp chính bản thân mình.”