Rất nhiều công ty lạm dụng từ ngữ này như là một phần PR quảng cáo cho công ty mình. Nhiều công ty hiểu thuật ngữ này như là cho gạo, cho tiền người nghèo, cho quà người khuyết tật, cho sách vở hay cứu trợ thiên tai và dùng hình ảnh đó để đưa vào brochure, website công ty v.v. với mục đích xây dựng thương hiệu. Việc đó hoàn toàn chính đáng, không có gì sai và xấu cả.
Tuy nhiên, bản chất của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn lớn lao hơn rất nhiều và có sự tác động tiềm ẩn ở những yếu tố sâu sắc khác và cũng rất nguy hiểm.
Tư duy/suy nghĩ dẫn đến lời nói, hành động. Lời nói, hành động hàng ngày tạo nên thói quen, cách sống, tính cách và những yếu tố này cũng tạo nên giá trị của người đó. Nếu một doanh nghiệp có tư duy, đường lối, cách vận hành và văn hoá xấu, thì cái xấu đó sẽ ảnh hưởng đến mấy trăm hay mấy ngàn gia đình của nhân viên đó.
Ví dụ, nếu một doanh nghiệp lấy “tiền làm gốc, lấy lợi nhuận làm kim chỉ nam để đo lường sự thành công của công ty hoặc bất chấp mọi hậu quả miễn sao bán hàng cho nhiều nhất” {ví dụ câu chuyện công ty BĐS Alibaba} thì chắc chắn nhân viên cũng sẽ dần dần có tư duy đó và sẽ dần dần sống bằng kiểu suy nghĩ đó. Mấy trăm/mấy nghìn nhân viên đó có con cái, gia đình, bạn bè và người thân xung quanh nên những người đó cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những tư duy, suy nghĩ xấu đó. Ngược lại nếu doanh nghiệp truyền tải/training/coaching những giá trị tốt cho nhân viên, giúp nhân viên ngày một sống tốt hơn, sống có giá trị hơn, ý nghĩa hơn, chứ không chỉ làm việc kiếm tiền, thì sự lan toả đó sẽ ảnh hưởng tốt đến hàng trăm, hàng nghìn người bao gồm gia đình, con cái, bạn bè của hàng trăm/hàng nghìn nhân viên đó. Sự ảnh hưởng xấu không khác mấy Virus. Điều khác biệt là con Virus này không ai để ý, cũng không ai thèm quan tâm mà hậu quả của nó gây ra thì có thể ‘thay đổi cả một thế hệ’, và nó cũng giống như hiệu ứng Domino. Tương tự như triết lý “những việc nhỏ mà làm nên rất nhiều khác biệt lớn’ (little things make big difference) và đó cũng là Quy Luật của Sự Ảnh Hưởng (the law of influence).