Cho đi đơn giản là ta cắt bỏ một phần lợi ích cá nhân của mình để đưa cho người khác. Lợi ích cá nhân của mình bao gồm thời gian, công sức, và tải sản của mình.
Bản chất nguyên bản của con người luôn có nhu cầu được cho đi. Dù họ ở bất kỳ tầng lớp nào, xã hội nào cũng đều có nhu cầu này.
Ngay từ khi đứa con được sinh ra là ta đã bắt đầu cho đi, từ những dòng sữa mẹ đầu tiên khi đứa con mới chào đời, cho đến biết bao nhiêu công sức, thời gian, tâm quyết của người cha, người mẹ để nuôi nấng đứa con trưởng thành.
Tâm lý chung là ta sẽ ưu tiên cho đi với những người thân cận nhất, sau đó là đến những người ta quen biết. Điều này cũng dễ hiểu tại sao mình thường ưu tiên giúp đỡ người trong nhà, tiếp đến là bà con, dòng họ, sau đó mới đến hàng xóm, và cuối cùng mới đến người xa lạ.
Cho đi xuất phát từ sự quan tâm đến người khác, nói cách khác là sự thương yêu người khác, hoặc có thể gọi là lòng trắc ẩn.
Thông thường mình nghe những cụm từ như ‘’thấy mà thương, tội nghiệp, thấy tội, tội nghiệp’’, ấy là bên trong mình đã có lòng trắc ẩn.
Cho đi mà không mong cầu thì đó đỉnh cao của giác ngộ. Người phàm thì ta chỉ cần sống đơn giản. Trước tiên, tất cả mình làm phải vì mình trước. Cho đi phải có lợi ích cho mình trước, nếu phải sống đời sống thực tế là như vậy.
Dù mình cho đúng người hay sai người thì đều có lợi ích cho bản thân, tôi nói lợi ích về mặt khoa học, chưa nói đến lợi ích về tâm linh hay tôn giáo.
Khoa học tâm lý tích cực (Positive Psychology), bao gồm các khoa nghiên cứu về hạnh phúc, về sự khỏe mạnh, an vui toàn diện của con người (Well-Being), chứng minh việc cho đi mang lại nhiều lợi ích cho người cho, nó cũng giống như đầu tư có lãi.
Một trong nhiều lợi ích lớn lao của việc cho đi này, thuộc nhóm người có lòng trắc ẩn, là mức độ an vui, thỏa mãn cuộc sống, hay nói chung sự Well-Being của họ tốt nhiều hơn. Đây là kết luận của nghiên cứu khoa học, không phải một giáo điều hay một triết lý sáo rỗng.
Nhóm người có lòng trắc ẩn biết cho đi này đa phần họ tìm thấy được mục đích, ý nghĩa trong cuộc sống, họ có được một loại niềm vui khác, loại niềm vui này không phụ thuộc vào yếu tố ngoại cảnh, không phụ thuộc mức độ hưởng thụ sự khoái lạc. Loại niềm vui trong tâm thức này cũng giúp sức khỏe cơ thể họ được tốt hơn nhiều.
Lòng trắc ẩn tùy người mà họ thể hiện ở nhiều góc độ, nhiều cách, nhiều loại hành động khác nhau.
Một người họ thấy ai đó bị té xe trên đường, họ quan tâm, dừng lại để đỡ người ấy lên, đó cũng là thể hiện của sự quan tâm và cho đi. Ông lão ăn xin xin được một ổ bánh mì, cho đồng nghiệp mình nửa ổ, đó cũng là lòng trắc ẩn.
Có người cho đi bằng việc bỏ thời gian làm tình nguyện trong một tổ chức xã hội nào đó, có người chỉ đơn giản là làm công quả như dọn dẹp ở nhà thờ, hay quét dọn sân chùa. Một số người cho đi tri thức, một số cho đi tiền v.v., có rất nhiều hình thức cho đi.
Sự ích kỷ là một phần bản chất tự nhiên của con người ai cũng có. Ích kỷ là tôi chỉ lo thân tôi. Nhưng một bản chất khác của con người vốn dĩ đã luôn luôn có, đó là lòng trắc ẩn.
Không ai vô tâm hơn ai mà cũng chẳng ai từ bi hơn ai. Lúc sinh ra, chúng ta đều có cả hạt giống thiện lẫn ác như nhau. Chẳng qua là do cuộc đời, hoàn cảnh xã hội, môi trường sống mà nhiều người họ vô thức để những hạt giống thiện lành đó ngủ quên mãi theo dòng đời nhiều cám dỗ.
Để khơi dậy lòng trắc ẩn ngủ quên này chúng ta cũng phải học và thực hành. Cái gì cũng phải tập.
Ta có thể tập dần dần bằng cách cho đi những gì chúng ta bỏ. Có thể bắt đầu từ quần áo hơi cũ, lâu lắm rồi ta chưa mặc, cho đến những dụng cụ đồ dùng khác trong nhà mà mấy năm qua chưa bao giờ dùng đến.
Thay vì bán ve chai được vài chục nghìn thì ta có thể tặng mớ đồ đó cho người thu mua ve chai, hoặc tặng cho chị lao công quét rác, vì họ cũng là những người nghèo.
Lúc đầu khi mới cho đi, ta thấy tiếc tiếc, nhưng rồi dần dần sẽ quen. Hạt giống ích kỷ ngày càng lớn cũng do ta bị tạp nhiễm riết rồi quen, thì tương tự, hạt giống thiện ta có thể tập, dần dần riết rồi cũng sẽ quen.