Một số thang máy có tính năng nguy hiểm. Khi mình giữ cửa lâu quá, nó sẽ tự đóng lại, vô hiệu hóa tính năng cảm biến. Nếu ai không biết sẽ bị kẹt vào cửa. Nó có thể dẫn đến tai nạn chết người thương tâm. Sự hiểu biết này cũng là một loại tri thức. Nó dẫn chứng cho việc thiếu tri thức có thể dẫn đến chết người.
Thiếu tri thức có thể dẫn đến chết người ở nhiều phương diện. Thiếu tri thức về đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản v.v. có thể dẫn đến mất hết tiền và từ đó kết liễu cuộc đời do không thể chấp nhận sự mất mát đó. ‘’Không thể chấp nhận’’ sự mất mát đó dẫn đến rất khổ cũng do thiếu ‘’tri thức đúng đắn về thực tế, về quy luật của cuộc sống’’. Thiếu tri thức về phát triển bản thân thì cứ làm hoài năm này qua năm nọ mà mình vẫn không khá hơn. Người đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan cũng là một loại thiếu tri thức. Thiếu tri thức nên chưa biết nhìn nhận lại mình để phát triển tốt hơn mà cứ tìm các viện cớ, các lý do cho sự thiếu sót của mình.
Nếu có tri thức đúng đắn sẽ có thể giúp mình chấp nhận thực tế và vượt qua sự đau khổ bên trong, để tiếp tục sống trong một niềm hy vọng mới, dù là trong hoàn cảnh nào. Có tri thức đúng đắn về cuộc đời sẽ giúp mình sống nhẹ nhàng, an vui. Thế nên mỗi chúng ta nên giành một chút thời gian để đầu tư nâng cao tri thức của mình mỗi ngày một chút. Cuối năm khi ngồi ôn lại, mình sẽ ngạc nhiên rằng ‘’oh… năm nay mình biết thêm rất nhiều…’’, rồi năm sau nữa mình lại ngạc nhiên rằng ‘’oh…mình vẫn còn thiếu quá nhiều tri thức..’’.
Nếu xét vậy thì ‘’cái biết cần biết và nên biết nhất’’ là cái biết rõ về chính bản thân người đó, và cái biết vi diệu nhất là mình biết rõ những gì mình không biết.