Bạn thức dậy giữa đêm khuya, bạn thấy mình không an vui, không hạnh phúc, thấy mình lo lắng. Bạn tìm xung quanh, cái không hạnh phúc nó ở chỗ nào. Cái gối, cái mền, mọi thứ xung quanh vẫn ở đó, gia đình mọi người đang ngủ êm ấm, vẫn ổn, vậy có gì không ổn? Cái không an vui nó nằm chỗ nào bạn không thấy được.
Sau vài phút tĩnh lặng, bạn chấp nhận và biết rằng bạn đang không an vui. Bạn chấp nhận rằng ‘’tôi đang không hạnh phúc, tôi đang lo lắng’’. Khi chấp nhận xong, bạn hỏi cái gì làm mình không an vui, nó xuất phát từ chỗ nào. Sự chấp nhận đó sẽ ôm trùm lấy cái không an vui của bạn, bạn thấy nhẹ nhõm khi bạn tự biết rằng bạn đang không an vui. Bạn biết rằng cái không an vui, cái lo lắng đó nó không có thật bên ngoài mà nó ở bên trong mình, trong tâm trí mình. Bạn chấp nhận sự thật rằng bạn đang không an vui. Tôi không an vui rồi sao nữa. Ai làm tôi không an vui. Cái tâm tôi làm tôi không an vui. Cái tâm của tôi sao nó lại không nghe lời tôi, nó là ai, nếu nó là của tôi thì tôi phải kiểm soát được nó chứ sao để nó làm tôi không an vui. Thật là phi lý. Bạn chấp nhận rằng có một cái tâm khác tồn tại bên trong bạn, nó thuộc về bạn nhưng không phải của bạn nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát được nó. Khi bạn chấp nhận nó tồn tại, bạn không còn bứt rứt, không còn kháng cự với cái tâm không an vui đó mà bạn bắt đầu làm bạn với cái tâm đó, bắt đầu đối thoại với nó, tìm hiểu nó, tâm sự với nó.
Nếu bạn không chấp nhận sự tồn tại của cái tâm không an vui đó thì cũng như bạn không hề biết có cái tâm đó đang tồn tại. Vì bạn không nhận thức được nó tồn tại nên bạn trong vô thức để nó lớn dần và cái tâm đó sẽ bao phủ cả cái tâm muốn an vui của bạn. Khi bạn chấp nhận sự tồn tại của nó, bạn như đã hòa giải được với kẻ thù. Kẻ thù của bạn bắt đầu trở thành bạn của bạn.
Khi bạn lo lắng, hãy chấp nhận và biết rằng mình đang lo lắng. Lo lắng không ở bên ngoài mà lo lắng đang tồn tại bên trong bạn và bạn biết là nó đang hiện hữu. Khi chấp nhận cái lo lắng bạn sẽ bắt đầu biết cách đương đầu với cái lo lắng. Tại sao ta phải lo. Lo lắng có giải quyết được gì hay nó chỉ nuôi cái tâm mê muội lớn dần. Rồi bạn sẽ hỏi ‘’chuyện xấu nhất xảy ra, nếu nó có xảy ra thì là gì?’’ Sau khi bạn chấp nhận được cái thực tế xấu nhất có thể xảy ra (mà nó chưa xảy ra, hoặc không bao giờ xảy ra) thì bạn bắt đầu hỏi ‘’vậy làm thế nào, có cách nào để ngăn nó, đừng để nó xảy ra’’ hoặc ‘’nếu không thể ngăn nó xảy ra thì có cách nào để làm giảm thiệt hại mà nó sẽ gây ra hay không?’’
Khi bạn chấp nhận sự tồn tại hiện hữu trang thái của tâm mình thì bạn đã giải quyết được 50% của vấn đề bạn đang đối mặt. Chấp nhận để thấy rằng mọi việc xảy ra đều theo quy luật của cuộc đời. Các quy luật cuộc đời nếu bạn không chấp nhận thì bạn giống như cứ lội nước ngược dòng, bạn sẽ bị đuối sức và sẽ bị nhấn chìm. Ngược lại, bạn có thể theo dòng nước mà bơi, theo dòng đời mà sống một cách bình an, nhẹ nhàng, thanh thản.