Sau khi bạn có Chánh niệm (bài chia sẻ hôm kia), các suy nghĩ sẽ chậm lại, tâm ở hiện tại, bạn sẽ thấy rõ được suy nghĩ của mình, từ đó tạo điều kiện để có Chánh tư duy – suy nghĩ đúng đắn, vì khi suy nghĩ chậm lại, dừng lại thì mới thấy, thấy thì mới nhận biết được cái gì đúng đắn, cái gì không đúng đắn.
Suy nghĩ đúng đắn là suy nghĩ “cần thiết, nghĩ đúng bản chất vấn đề, không thêu dệt thêm định kiến cá nhân, hữu ích cho bản thân mình hoặc cho người khác, không gây hại cho bản thân mình cũng không gây hại cho người khác”
Suy nghĩ cần thiết
Suy nghĩ cần thiết là loại suy nghĩ mình cần phải nghĩ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình. Làm sao để được an vui, khỏe mạnh là loại suy nghĩ rất cần thiết.
Loại suy nghĩ cần thiết nó thiết thực và mình có thể làm gì đó ngay lúc này để giúp cuộc sống mình được tốt hơn. Ngược lại, “ai là người tạo ra vũ trụ, vũ trụ đến từ đâu, v.v.” là loại suy nghĩ không cần phải nghĩ vì bạn có bỏ ra cả đời nghĩ về nó cũng không làm được gì, không giúp ích được gì cho bản thân và gia đình mình hiện tại. [trừ khi bạn làm đề tài nghiên cứu khoa học là chuyện khác].
Suy nghĩ đúng bản chất sự việc
Thấy sao thì để nó đúng y như vậy, không thêm vào định kiến cá nhân, không thêu dệt thêm câu chuyện vào sự việc là loại suy nghĩ đúng bản chất sự việc.
“Bà doanh nhân A, ông chính khách B bị bắt” thì một sự kiện xảy ra, cứ để nó y như vậy. Nếu thêm vào “chắc là do cái này, chắc là ông ấy bị cái nọ, họ đáng đời, tôi biết trước là vậy mà v.v.” là loại suy nghĩ mang tính suy diễn, định kiến cá nhân, thêu dệt thêm sự việc, nó không đúng với bản chất sự việc. Loại suy nghĩ này chỉ làm tâm mình thêm bận, không hữu ích.
[chính bản thân bà doanh nhân A, ông chính khách B đó còn chưa chắc biết hết bản chất của sự việc đang diễn ra với họ].
Suy nghĩ hữu ích cho mình, cho người khác
Khi ghét ai đó, mình thấy hả dạ khi họ bị một biến cố nào đó. Mình nói ‘đáng đời, cho bỏ có thói hống hách, kiêu ngạo v.v.’
Loại suy nghĩ này không hữu ích cho mình. Ngược lại, nếu mình nghĩ “họ bị như vậy là do Nhân-quả họ tự gây ra, họ đã sai lầm, mà nếu họ biết thì họ đã không làm, mình không nên oán trách hay chỉ trích họ’’ là loại suy nghĩ hữu ích cho mình vì nó mang tính chất thấu hiểu và cảm thông, xây dựng tư duy lành mạnh cho tâm thức. Nếu mình lan tỏa suy nghĩ này đến bạn bè thì cũng giúp ích cho bạn mình, giúp họ giảm chỉ trích, ít phê phán, bôi nhọ nhọ người khác.
Suy nghĩ không gây hại bản thân, không hại người khác
“Con nhỏ kia chảnh chọe, thằng đó rất bố láo, tôi sẽ dạy cho nó một bài học”. Loại suy nghĩ tương tự như thế này tạo ra oán hận cho bản thân, như mình cầm cục than đỏ lửa để chọi vào người khác. Người đau nhất trước tiên là mình, sau đó mình sẽ gây hại cho người khác bằng nhiều cách gián tiếp. Ngược lại, “họ không biết khiêm nhường vì họ chưa có sự hiểu biết, họ vô tình làm cho nhiều người ghét họ, họ không muốn ai ghét họ, chẳng qua do họ không biết ” là loại suy nghĩ không hại cho mình và cũng không gián tiếp hại người khác.
Hàng ngày chúng ta có hàng ngàn suy nghĩ diễn ra rất nhanh trong đầu nên không có khoảng trống ở giữa để ta dừng lại xem xét các suy nghĩ của mình cái nào đúng đắn cái nào không đúng đắn. Vì vậy Chánh Niệm là rất thiết để có Chánh tư duy. Khi có Chánh tư duy chúng ta sẽ đưa ra nhiều quyết định đúng đắn trong công việc, lẫn đời sống hàng ngày, nó có thể giúp mình vừa thành công vừa có cuộc sống an vui, hạnh phúc.