Lúc đang ngồi ăn cơm chiều, bạn nhớ về công việc hồi sáng; tối đi ngủ bạn nghĩ về công việc sáng mai; sáng đang làm việc bạn nghĩ về chuyện gia đình; trưa ăn cơm bạn nghĩ về một câu nói của đồng nghiệp/của sếp làm bạn bực tức; đọc tin tức chính trị bạn thấy bất bình, đọc tin kinh tế bạn thấy hoang mang; ra đường gặp cái bảng hiệu vớ vẩn bạn chỉ trích, gặp cái quảng cáo dở hơi bạn cười chê; gặp người đẹp thì bạn trầm trồ; trên nhóm chat, trên Facebook, ai đó nhắn tin, comment sỉ nhục chê bai bạn cứ cay cú trong lòng; ra đường nắng quá bạn cũng than, kẹt xe bạn chửi bới, chứng khoán xuống dốc bạn đau đầu, con cái bệnh bạn lo lắng, chồng/vợ cãi nhau bạn chán nản,…Bên trong bạn cứ cảm thấy sao nó cứ ào ào, ào ào, lời tự thoại ngầm trong đầu cứ thì thầm liên tục không ngừng nghỉ. Bạn thấy cuộc sống sao mà mệt mỏi quá!
Thế giới của mình thật ra nó rất nhỏ, chỉ có cha mẹ (nếu còn); con cái, vợ/chồng; công việc và vài người bạn tốt (nếu có). Một ngày sống trong thế giới của bạn thật ra lòng vòng chỉ có bấy nhiêu đó, nhưng trong đầu mình cứ cảm thấy dường như thế giới của mình rất lớn, rất mênh mông, rất hỗn độn, rất phức tạp. Mình cảm thấy như vậy là vì có hàng ngàn loại suy nghĩ và cả trăm loại cảm xúc cứ liên tục thay phiên nhau trỗi dậy trong đầu. Nó làm mình cứ thấy bồn chồn, nao núng, bực bội, mệt mỏi rất khó tả.
Trong tám con đường dẫn đến hết khổ (bát chánh đạo) của Đức Phật Thích Ca có Chánh niệm. Chánh niệm (Right Mindfulness) chắc bạn nghe nhiều trên mạng, nghe nhiều thầy giảng, nghe kinh kệ những từ cao siêu khó hiểu nhưng bản chất nó rất đơn giản. Chánh niệm đơn giản là lúc này thì bạn chỉ nghĩ cho việc đang diễn ra lúc này, nhận biết mình đang làm gì, đang nghĩ gì, đang cảm thấy như thế nào, chỉ nhận biết nó rồi buông, lại quay về tiếp tục công việc ở hiện tại. Ví như khi bạn đang ăn cơm với gia đình, bạn nhớ chuyện ở công ty lúc sáng làm bạn điên tức, ngay lúc đó bạn nhận biết được rằng: “À, mình đang nhớ về chuyện hồi sáng, nó đã qua”. Rồi sau đó đưa các suy nghĩ và tâm của mình về lại với mâm cơm gia đình. Quá trình này là “nhận biết sau đó buông, buông xong quay lại với hiện tại”. Trong tất cả hoàn cảnh, chỉ cần tập được như vậy, mọi lo lắng, phiền muộn, khổ đau sẽ giảm đi rất nhiều.
Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, phức tạp hơn, mệt mỏi hơn chứ không dễ dàng hơn, và dù chúng ta có trốn về quê, lên núi, vào rừng đi nữa mà không có Chánh niệm thì tâm sẽ vẫn mệt mỏi không kém gì sống ở thành thị. Trốn tránh không giải quyết vấn đề, đi đâu cũng sẽ vậy. Tâm bận bịu thì vào rừng, về quê nó vẫn bận, tâm thảnh thơi thì ở đâu nó cũng thảnh thơi.
Khi có Chánh niệm, mọi suy nghĩ hỗn độn sẽ lắng đọng, sẽ rõ ràng hơn, từ đó chúng ta sẽ có Chánh tư duy (right thinking) – suy nghĩ đúng đắn [bài tiếp theo]