Bạn biết một chút về nấu ăn không có nghĩa bạn có thể làm chủ nhà hàng. Bạn biết pha chế vài thứ đồ uống không có nghĩa bạn có thể làm chủ quán bar. Bạn biết một chút nông nghiệp không có nghĩa bạn có thể làm chủ nông trại.
Sự hiểu biết của mình cần được chất vấn và kiểm chứng hai góc độ: sâu và đủ.
Chiều sâu là thật sự mình biết bao nhiêu về cái mình cho rằng mình biết. Để kiểm chứng cho việc này, bạn thử ngồi viết ra giấy về cái mình biết, để xem thật sự mình biết bao nhiêu. Nếu bạn không cần lên mạng tìm kiếm, bạn không cần đọc lại sách, không cần hỏi ai, mà bạn có thể viết ra vài chục trang giấy về cái mình biết thì đó có thể chứng minh cho chiều sâu của bạn.
Biết đủ thì rất trừu tượng, vì tri thức thì không biết khi nào mới đủ, càng học thì sẽ càng thấy mình ngu. Nhưng, ít ra nó cần đủ để phục vụ mục đích bạn đề ra.
Để làm chủ nhà hàng, chủ quán bar hay chủ nông trại, không những bạn phải biết về nấu ăn, pha chế, nông nghiệp, mà bạn còn phải biết quản lý, lãnh đạo, kế toán, luật, thuế, marketing, tâm lý khách hàng, bán hàng.
Nếu bạn chỉ làm quản lý, thì bạn phải học rất nhiều và chỉ tập trung quản lý. Nhưng, để quản lý được thì bạn cũng phải biết được một phần công việc của tất cả những người bạn quản lý. Còn nếu bạn thuê người làm tất cả các việc trên thì bạn là nhà đầu tư vào công ty, lúc đó bạn phải học nhiều về quản trị đầu tư.
Cái mà con người chúng ta thường cho mình biết xuất phát từ hai nguồn: học và trải nghiệm bản thân.
Học có thể từ trường, sách, nghe từ người khác, đọc trên mạng. Trải nghiệm thì đến từ kinh nghiệm thực tế mình đã làm trong quá khứ. Hai nguồn này, mình lượm nhặt từ mỗi nguồn một chút, dung nạp vào não bộ mỗi ngày một chút, và nó trở thành cái hiểu biết của mình.
Nếu chỉ lấy cái hiểu biết của mình để trà chanh chém gió, hay để lai rai đạo đời thì không sao. Nhưng khi áp dụng cái hiểu biết của mình vào công việc kinh doanh, vào việc làm mưu sinh, vào cuộc sống của mình thì phải rất tỉnh táo và phải thành thật với bản thân để phân tích, xem xét.
Nếu hiểu biết không sâu và không đủ, và cứ cho đủ rồi không học thêm, khi áp dụng vào công việc kinh doanh thì sẽ mất tiền; đi làm cho người khác thì giậm chân tại chỗ hoặc cứ ì ạch qua năm tháng.
Nếu hiểu không tới, biết không sâu mà áp dụng vào cuộc sống hàng ngày thì có thể làm cho chính bản thân khổ, và làm cho gia đình khổ theo. Trường hợp này bạn có thể thấy nhiều trong khía cạnh đời sống tâm linh, tôn giáo, mê tín dị đoan.
Kinh tế một nước càng phát triển thì đời sống vật chất sẽ càng khó khăn hơn, cuộc sống sẽ chật vật hơn về mọi mặt, bao gồm đời sống tinh thần. An vui sẽ ngày càng khó, mưu sinh sẽ ngày càng khó nếu thiếu sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ.
Lần cuối cùng bạn trả lời câu hỏi của ai đó và nói “tôi không biết” là khi nào? Có thể đã rất lâu hoặc chưa bao giờ.