Khi ta nói đến từ ‘’tôi cần’’ (need) thì dường như ta đang nói đến cái rất là thiết yếu và nó quan trọng. Nếu không có những cái cần thiết đó thì cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ tôi cần có đủ thức ăn, tôi cần có chỗ an toàn để ở, tôi cần có đủ tiền để cho con cái đến trường, tôi cần có tiền để chữa bệnh. Xét vậy, khi nói đến cái Cần thì là ta đang mưu cầu một điều đúng đắn, nó rất cần thiết, và ta nên có những cái cần thiết đó.
Khi mình nói ‘’tôi muốn’’ (want) thì dường như ta đang nói đến cái tham vọng. Tham vọng để có thêm, được thêm, được nhiều hơn. Ví dụ tôi muốn có thêm tiền, tôi muốn có nhà lớn hơn, tôi muốn được nổi tiếng, tôi muốn được nhiều người tôn trọng, sùng bái mình. Khi nói đến cái ‘Muốn’ thì dường như có cũng được, mà không có cũng không sao.
Cái ”đủ” (enough). Cái đủ là ranh giới mong manh giữa cái cần và cái muốn. Cái muốn, cái cần, cái đủ, đều là những khái niệm trừu tượng và tương đối. Vì cái muốn không có điểm dừng nên cái đủ không bao giờ nó đủ. ‘Đối với người không có mục đích sống rõ ràng thì đủ là ‘có thêm một chút nữa’’ so với những gì họ đang có’, và đây cũng là lý do tại sao cái đủ không bao giờ nó đủ vì nó luôn muốn thêm chút nữa.
Tâm lý nhầm lẫn về bản chất của Cần & Muốn trong đời sống thực tế:
Tôi cần có thêm một chiếc xe đẹp hơn, tôi cần có một cái điện thoại mới. Tôi cần được người khác tôn trọng, tôi cần được người khác công nhận. Không. Tôi chỉ muốn có nó, không có nó cũng không sao. Nó chỉ giúp cho cái tôi của tôi lớn hơn, nó không làm tôi hạnh phúc hơn. Nó chỉ là cái muốn của cái tôi, cái bản ngã.
Tôi muốn có sức khỏe. Tôi muốn con cái thành công sau này. Không. Tôi cần phải có sức khỏe. Tôi cần giúp con cái có cuộc sống hạnh phúc.
Tôi muốn được hạnh phúc, tôi muốn được vui vẻ, tôi muốn sống an vui. Không. Tôi cần hạnh phúc, tôi cần an vui vì nó rất quan trọng cho cuộc đời của tôi.
Cái Muốn cũng như cái Tôi. Cái Tâm cũng như cái Cần. Sống đời sống phát triển cần có cái Tôi. Sống đời sống an vui, hạnh phúc cần có cái Tâm. Tôi và Tâm cần được dung hòa, cũng như rất cần sự dung hòa giữ cái Cần và cái Muốn.