Đôi giày, sau nhiều năm nó cũ, da nhăn nheo, nhưng đánh bóng xong thấy cũng được rồi cứ thế nhiều nhiều nhiều năm vẫn đôi giày ấy. Vốn là chẳng ai đánh giá đôi giày tôi cũ, xấu nên cũng không quan tâm làm gì. Đến một ngày cái mỏ giày bị bung ra như mỏ vịt. Thế thì thôi… mua đôi khác. Qua cửa tiệm Pierre Cardin, thấy giảm hơn 50%, chỉ còn 1,2 triệu. Thắc mắc, sao mà rẻ thế, thường hiệu này nó đắt lắm mà. Ngày xưa, quan điểm tôi cho rằng hàng giảm giá, hàng khuyến mãi là thế này thế nọ. Cái tôi không bao giờ cho phép mua đồ giảm giá, khuyến mãi. Không hiểu sao bây giờ cái tôi đó cũng bị mất, rẻ tiết kiệm được thì cứ mua. Trong lúc đang dẫn tụi nhỏ đi chơi, ghé vào mua luôn sau 2-3 lần đi qua đi lại nhìn nhìn đôi giày. Sau thấy cứ tiếc tiếc tiền. Cái ”tâm” kia nói ‘’chỉ có 1,2tr mà suy nghĩ hoài, đi ăn uống thì 3-4 triệu không tiết ?! ” Rồi mua. Lúc thử giày, nó ổn, good. Về nhà hôm sau mới phát hiện nó quá chật vì lúc đó thử mà không mang vớ , đã chọn nhầm size, đổi lại thì không được. Trong lòng cứ tức tối trách mình sao lại quá cẩu thả không ra quyết định chọn size cho đúng hơn để bây giờ mang đôi giày mà nó cứ khó chịu, nó đau chân, rất bực bội. Trong lúc đó, cái tâm kia nói ‘’thì thôi, lỡ rồi, mua đôi khác size lớn hơn, đôi này cho người khác’’. Cái tâm khác lại nói ‘’không được, mầy quyết định sai lầm nên mày phải chịu đựng đau chân để nhắc nhở mày sau này đưa ra quyết định đúng đắn hơn.’’ Cái tâm kia phàn nàn ‘’mày làm thiện nguyện cho người khác hàng trăm triệu, tiền tỷ được sao mày lại ích kỷ với bản thân khi chỉ có 1 triệu?’’. Sau vài ngày tranh luận, cái tâm ích kỷ với bản thân thắng cuộc, quyết định không mua đôi mới mà phải mang nó, để đau, để nhắc nhở về quyết định sai lầm của bản thân.
Câu chuyện mua giày này vô tình giúp tôi nhận ra vài điều để chiêm nghiệm. Thứ nhất, đôi giày chật chội ban đầu giống như cuộc sống này: ban đầu nó khổ, nó khó khăn, nó khó chịu, nó làm mình đau nhưng một thời gian rồi cũng hết. Hết đau có thể do đôi giày được giãn ra (giống như mọi thứ sẽ tự điều chỉnh rồi đâu cũng vào đấy) hoặc do chính bản thân từ từ thích ứng rồi quen với cái đau ấy nên cho rằng đã hết đau. Thứ hai, một sai lầm, một cái xấu mình đã làm, nó sẽ qua đi rồi dần dần phai mờ, bị quên lãng. Cái sai lầm đó nó không xuất hiện hàng ngày trước mặt mình để nhắc nhở mình đừng phạm sai lầm nữa. Trong khi đó, ngược lại, những cám dỗ hàng ngày trong cuộc sống ồn ào phức tạp này thì lại thôi thúc mình làm tiếp sai những lầm mới (bao gồm nhiều khía cạnh trong cuộc sống, công việc), chúng tràn lan, hiển nhiên trước mặt mình hàng ngày.
Kết luận:
Mình không phải là cảm xúc của mình. Cảm xúc của mình nó chỉ là cảm xúc, không phải cái thật của bản thân mình.
Hoàn cảnh, điều kiện bên ngoài luôn thay đổi liên tục. Dù bám theo cảm xúc hay bám theo điều kiện, hoàn cảnh xã hội bên ngoài để sống cũng sẽ không làm mình được hạnh phúc.
Quyết định chỉ là quyết định, không đúng cũng không sai. Chỉ là quyết định. Quyết định đó phục vụ cho cái gì, với mục đích gì, và hậu quả của quyết định đó sau này thế nào mới là quan trọng.