Cái tôi nó muốn thế này, thế nọ. Nó cho nó đúng. Nó cho nó là hay. Nó cho nó có hiểu biết. Nó ngạo mạn, nó muốn thể hiện. Nó chê bai, phán xét, chỉ trích người khác. Nó xem thường người khác và tâng bốc bản thân nó. Cái tôi nó muốn là trung tâm của vũ trụ, là ông vua độc tài của một cõi riêng bên trong mỗi người. Khi nó được chiều chuộng, được tán thưởng, được đồng tình, được ngưỡng mộ thì nó rất sung sướng, nó rất vui. Ngược lại, cái tâm hồn nó muốn được sống an vui, nhẹ nhàng, thanh thản, hạnh phúc. Cái tâm hồn nó muốn được yêu thương, nó muốn được sống bình thường bằng chính bản chất của nó, trong khi cái tôi nó chạy theo những gì xã hội lôi kéo, rủ rê nó.
Lúc nhỏ, cái tôi nó vui đùa, hồn nhiên cũng như cái tâm trong sáng. Khi càng lớn, cái tôi nó lớn dần, lớn dần, rồi nó ăn hiếp cái tâm, làm cho cái tâm lúc nào cũng ẩn mình trong nhà, không dám ra đường. Ngày qua ngày, cái tâm dường không còn tồn tại trong căn nhà mà chỉ còn cái tôi nó lúc nào cũng là gia trưởng. Rồi từ đó, cái nhà không còn được an yên, không còn được vui vẻ, không còn được sống hạnh phúc. Cái nhà là chính bản thân mỗi con người. Cái tôi và cái tâm là hai đứa con ở chung bên trong căn nhà. Khi gặp điều khó khăn, phiền muộn, hãy tự hỏi xem một trong hai đứa, đứa nào đang làm cho cái nhà này không yên ổn.