Lúc bạn đang bối rối, đang lo lắng nhiều thứ, bạn đừng nên làm gì cả, càng làm sẽ càng rối.
Quan trọng hơn nữa là bạn đừng nên đưa ra bất kỳ quyết định gì lúc đó, đa phần quyết định đó sẽ không đúng đắn.
Khi bối rối và lo lắng, tâm bạn nó chạy nhảy lung tung. Bình thường tâm mình đã là tâm con khỉ, tâm phóng dật. Khi bối rối, lo lắng cái tâm nó lại càng phóng dật nhiều hơn.
Trong trạng thái này, tâm bạn suy nghĩ nhiều hơn, phóng đoán nhiều hơn, suy diễn nhiều hơn, nó bóp méo tất cả vấn đề thực tế. Thực tế (reality) lúc ấy bị sai lệch rất nhiều, rất cảm tính.
Trong lúc ấy, bạn cũng không nên ngồi một chỗ lâu. Càng ngồi để suy nghĩ thì nó càng rối và càng mệt mỏi. Cái não chỉ có khoảng 1.4kg nhưng bình thường nó tiêu thụ 20% năng lượng cơ thể. Khi bối rối, lo lắng, nó tiêu hao năng lượng thêm gấp mấy lần. Đó là lý do bạn sẽ thấy rất mệt.
Mấu chốt quan trọng là giảm tốc độ xử lý của não bộ lại, làm cho tâm nghĩ ít lại, nếu không, tâm bạn sẽ càng bị lu mờ, vì nó đang chạy tốc độ cao thì làm sao nó thấy được gì.
Bạn nên đi dạo, tập thể dục, tập yoga, bơi lội, và làm gì đó để đánh lạc hướng cái tâm bối rối. Bạn có thể xem một clip hài, hài nhảm cũng được, rồi cười há mồm, đây là cách trong khoa học tâm lý tích cực. Sau đó, gọi điện hay gặp ai đó để chia sẻ điều bạn đang bối rối, lo lắng, nhưng cần chọn người có tư duy tích cực.
Một cách khác nữa là viết thư cho chính mình, viết cho chính bản thân mình của tương lai, giống như hai phiên bản đang tâm sự với nhau. Thằng hiện tại than thở, kể lể với thằng tương lai, còn thằng tương lai dạy bảo, động viên thằng hiện tại.
Nếu ai đã nghiên cứu, đã biết thì có thể hành thiền, thiền quán chiếu về sự biết ơn hoặc thiền thư giãn.
Trạng thái tâm thức cũng chỉ như mây kia, nó hội tụ rồi nó sẽ tan, nhưng đừng để nó làm tan hoang cuộc sống.