Giữa cuộc chiến đẫm máu, nhà vua dừng trận để thương lượng với kẻ thù. Thương lượng xong, trước khi hai bên rút quân, vị tướng quân bên địch quay đầu ngựa nói: “Ông nên xem lại miệng mình, hơi thở ông rất thối”.
Nhà vua tức điên người nhưng không làm gì được. Về cung, nhà vua hỏi hoàng hậu: “Sao nàng không nói cho ta biết, để ta bị sỉ nhục thế này?”.
Hoàng hậu run lẩy bẩy, sợ bị chém đầu, lấy cái cớ gì đó để trả lời: “Dạ..dạ…thần cứ nghĩ hơi thở đàn ông nào cũng vậy nên thần thấy bình thường”.
Bạn làm sếp, trước mặt bạn nhân viên nào dám nói bạn dở, bạn xấu? Người trong nhà, bạn bè có mấy ai dám chê bai hay nói gì xúc phạm bạn! Họ thường tâng bốc, vuốt ve bạn, đưa bạn lên, hoặc cùng lắm là họ im lặng. Câu chuyện trên cho chúng ta bài học: muốn thật sự biết về mình thì hãy hỏi kẻ thù.
Kẻ thù ở đây không nên hiểu theo nghĩa đen. Kẻ thù ở đây nên hiểu là người ghét mình, người dưng, và những đau khổ, khó khăn trong cuộc sống. Người ghét mình họ không có gì phải e dè mình. Họ sẽ đánh giá mình theo cách là moi móc hết những cái dở hơi của mình. Khi đó, nếu sáng suốt và kiểm soát được cảm xúc, bạn sẽ ngộ ra nhiều điều về bản thân mình. Những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống là những khúc cua của đường đời mà có lúc bạn té xuống vực. Chỉ có những lần té ngã thập tử nhất sinh này bạn mới học được nhiều bài học, còn con đường bằng phẳng êm đềm không dạy bạn được gì.
Học từ gia đình, từ bạn bè không khó, học từ kẻ ghét mình mới khó.
Cuộc đời êm đềm không có gì đáng để kể, cuộc đời bị vùi dập ba chìm bảy nổi chín lênh đênh mới có cái đáng để kể. Giá trị trải nghiệm cuộc đời nằm ở chỗ này. Nhìn nhận cuộc sống theo góc độ này sẽ giúp bạn lạc quan, vui vẻ và vững bước trên từng cây số. Sống kiểu này bạn sẽ không còn sợ. Không sợ bị chỉ trích cũng không sợ bị chê bai, không sợ ai dèm pha cũng không sợ ai phê phán. Không sợ khó khăn cũng không sợ thất bại, vì cuối cùng bạn luôn có được một trải nghiệm, một bài học mà chỉ có những lời chê bai hay thất bại mới giúp mình trưởng thành hơn.
Áp dụng cái này trong gia đình, chúng ta dạy con cách thành công không quan trọng bằng dạy con cách chấp nhận thất bại. Dạy con cách làm giàu không quan trọng bằng dạy con cách quản lý chi tiêu. Dạy con cách sống dám chấp nhận cho người ta ghét khó hơn sống sao cho người ta thích. Dạy con cách sống hiệu quả, hạnh phúc quan trọng hơn dạy con cách làm người thành đạt.
Mỗi sự việc trong đời đều có ý nghĩa và mục đích của nó. Trong cái tiêu cực luôn có cái tích cực. Trong cái khó nó ló cái khôn. Tất cả chỉ khác nhau ở cách tư duy và cách nhìn nhận. Nhìn nhận sai, tư duy sai thì thấy đời là ngõ cụt. Có Chánh kiến, Chánh tư duy thì thấy đời là biển cả mênh mông…